Tái cơ cấu nông nghiệp: Kết quả bước đầu - Những "nút thắt" cần tháo gỡ

07:10, 17/10/2019

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 17-7-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020, với tinh thần nghiêm túc, tích cực, đồng bộ và quyết tâm cao, cách làm phù hợp với đặc điểm thực tiễn, kinh tế nông nghiệp của tỉnh ta đã từng bước được điều chỉnh theo hướng phát huy tích cực lợi thế của từng lĩnh vực, địa phương. Nhiều loại nông, thủy sản có thị trường tiêu thụ ổn định đều gia tăng về sản lượng, giá trị, đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Mùa vàng trên cánh đồng lớn xã Giao Thịnh (Giao Thủy). Ảnh: Chu Thế Vĩnh
Mùa vàng trên cánh đồng lớn xã Giao Thịnh (Giao Thủy). Ảnh: Chu Thế Vĩnh

I. Từ những kết quả nền tảng…

Tỉnh bước vào thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giữa bộn bề những khó khăn, thách thức như: thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh và tiêu cực hơn dự báo; sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún; trong khi quỹ đất hạn hẹp, vị trí địa lý của tỉnh không thuận lợi cho thu hút đầu tư. Do vậy để tạo sức mạnh vượt qua những khó khăn, thách thức đó, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Ðịnh; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1346/QÐ-UBND ngày 30-7-2014 phê duyệt Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Ðịnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020, đồng thời bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện Ðề án cho Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy và quyết định của UBND tỉnh đã tạo chuyển biến căn bản nhận thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở về sự cần thiết phải cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở cho những cách làm sáng tạo, hiệu quả quyết định sự thành công trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ kinh phí để các địa phương khảo sát và hoàn thành các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ở cấp tỉnh và xã; có 83% số xã đã quy hoạch được các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; một số xã đã lập quy hoạch phát triển kinh tế trang trại và quy hoạch phát triển làng nghề; hầu hết các xã đã quy hoạch được các vùng cánh đồng lớn tập trung để sản xuất nông nghiệp hàng hóa; cùng với việc hoàn thành dồn điền đổi thửa tạo điều kiện tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đến nay, tổng diện tích thuê gom, tích tụ đạt trên 2.000ha. Ngành Nông nghiệp đã nghiên cứu, tuyển chọn, bổ sung hàng chục giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. 5 năm qua, tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng từ 50% diện tích năm 2014 lên 71,5% diện tích năm 2018, năm 2019 ước đạt trên 72%; hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10%; phương thức sản xuất, nhất là các khâu gieo cấy, thu hoạch được cơ giới hóa mạnh mẽ. Ngành trồng trọt của tỉnh đã làm chủ công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai F1; nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; làm chủ công nghệ sản xuất giống một số loại hải sản nuôi có giá trị kinh tế cao như: ngao, cá bống bớp, cá song, cá vược, cá chim biển vây vàng... Tỉnh đã tập trung chỉ đạo tăng cường liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ và kinh tế trang trại; củng cố và phát triển các loại hình hợp tác xã; khuyến khích phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Kinh tế trang trại, gia trại phát triển nhanh, đến hết năm 2018 toàn tỉnh có trên 3.300 gia trại và 641 trang trại. Hợp tác xã nông nghiệp được chỉ đạo quyết liệt sắp xếp, củng cố tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, góp phần nâng cao hiệu quả, vai trò; có 96 hợp tác xã ngành nghề mới thành lập. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp có chuyển biến; toàn tỉnh hiện có 107 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng số vốn là 5.500 tỷ đồng. Ðến nay đã xây dựng, phát triển được 25 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân với quy mô 500ha; chuỗi liên kết sản xuất lúa giống của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân với quy mô 565ha; xây dựng được 207 cánh đồng lớn ổn định với quy mô từ 30ha trở lên đối với cây lúa và từ 20ha trở lên đối với cây rau màu. Hiệu quả sản xuất từ các mô hình cánh đồng lớn liên kết đều tăng từ 10-15%. Chăn nuôi của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong nông hộ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp. Kinh tế thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,5%/năm; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác. Ðáng chú ý là xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch an toàn hữu cơ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được các chủ thể sản xuất tích cực thực hiện với mục tiêu hướng đến thị trường hội nhập.

II. Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh vẫn còn những “nút thắt” cần tập trung tháo gỡ. Ðó là, hiệu quả sản xuất, chất lượng nông sản chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường; công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở một số địa phương, nhất là cấp xã còn mang tính hình thức. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2014-2020 không đạt mục tiêu đề ra. Chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chưa cao. Trong trồng trọt chưa có nhiều sản phẩm chủ lực về rau, quả. Chưa xây dựng được nhiều cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; việc phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi; cơ sở giết mổ tập trung còn chậm và chưa đồng đều giữa các địa phương. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ cao tiềm lực mạnh có tiềm năng tạo cú hích đột phá trực tiếp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hình thức sản xuất còn thiếu đa dạng và chậm đổi mới. Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông sản hàng hóa và phòng, chống thiên tai. Giá trị ngày công lao động nông nghiệp thấp, thiếu ổn định nên không thu hút lao động trẻ, dẫn đến chất lượng, trình độ lao động nông nghiệp hạn chế, nên tình trạng nông dân bỏ ruộng vẫn còn. Công nghiệp chế biến nông sản sau thu hoạch chậm phát triển nên chưa nâng được giá trị gia tăng cho nông sản địa phương…

Ðể gỡ những nút thắt trên, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo mục tiêu đề ra, các cấp, ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong phát triển kinh tế nông nghiệp; tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tập trung nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ, coi trọng số lượng sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh hiện nay. Ngành Nông nghiệp tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả đã được kiểm chứng; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ ở cả trong nước và nước ngoài. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu, đề xuất với tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại các Nghị định số 57/2018/NÐ-CP ngày 17-4-2018 và Nghị định 98/2018/NÐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo quy hoạch. Tổ chức lại hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường. Duy trì, phát huy hiệu quả của đội tàu khai thác hải sản. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản hàng hóa theo hình thức nuôi công nghiệp, siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển đồng bộ hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thuỷ sản. Nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, tổ chức các chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của ngành trồng trọt. Tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng đảm bảo đồng bộ, tăng tính kết nối giữa các địa phương, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất nông sản theo hướng liên kết...

Kết quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đóng góp quan trọng đưa chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2010-2020 tới đích, song chưa phải là điểm dừng của sự nghiệp phát triển “tam nông”. Vì thế, tập trung các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch với cơ cấu hợp lý, hàm lượng khoa học công nghệ và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu là mục tiêu mà tỉnh ta hướng tới nhằm nâng cao đời sống của nông dân và xây dựng tỉnh nông thôn mới phát triển ổn định, bền vững./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com