Nam Toàn phát triển kinh tế sinh vật cảnh

08:10, 23/10/2019

Từ lâu, xã Nam Toàn (Nam Trực) đã nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống. Mặc dù diện tích trồng cây cảnh không được mở rộng nhưng những năm qua, phong trào sinh vật cảnh xã luôn phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều gia đình nhờ trồng cây cảnh có thu nhập cao, cuộc sống khá giả.

Anh Hoàng Văn Sử ở xóm 5, xã Nam Toàn chăm sóc vườn cây cảnh.
Anh Hoàng Văn Sử ở xóm 5, xã Nam Toàn chăm sóc vườn cây cảnh.

Hội Sinh vật cảnh xã Nam Toàn được thành lập từ năm 1990, hiện có 150 hội viên; trong đó có 10 nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh, 1 nghệ nhân cấp Trung ương. Toàn xã có 90% hộ tham gia phát triển kinh tế sinh vật cảnh với tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh khoảng 20ha. Trong đó hàng trăm hộ trồng, chăm sóc cây cảnh nghệ thuật, cây thế; gần 20 gia đình kinh doanh cây bóng mát, cây công trình; khoảng 40 hộ trồng quất cảnh, đào, các loại cây ăn quả trồng trên chậu phục vụ Tết... Nhiều gia đình hội viên đã đầu tư hàng tỷ đồng để phát triển kinh tế từ mô hình cây cảnh, cây thế kết hợp xây dựng trang trại, tạo khuôn viên nhà vườn đẹp mắt. Gắn bó với Hội Sinh vật cảnh xã từ những ngày đầu thành lập, ông Lê Thanh Tuấn ở xóm 10 đã xây dựng một vườn cây cảnh đẹp rộng 1.000m2, trong đó chủ yếu là cây cảnh nghệ thuật, cây bonsai, các loại hoa lan. Nhiều giống cây như sanh, sung, lộc vừng, khế... dưới bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ tinh tế của ông đã biến thành các tác phẩm nghệ thuật có hồn, có giá trị kinh tế. Thời điểm cây cảnh đang “sốt”, ông có thu nhập 2 tỷ đồng/năm. Những năm gần đây khi thị trường cây cảnh chững lại, ông có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Khoảng 5 năm trở lại đây, một số hội viên còn tìm hướng phát triển trồng cây ăn quả trên chậu, như gia đình ông Nguyễn Đăng Ninh ở xóm 2. Hiện gia đình ông Ninh có nhiều loại cây bưởi Diễn, bưởi đỏ, bưởi da xanh, cây phật thủ trồng trên chậu đáp ứng nhu cầu chơi Tết Nguyên đán của khách hàng. Các cây bưởi có giá từ 3-20 triệu đồng/cây tùy mã quả, thế cây, độ tuổi; cây phật thủ có giá 1-1,5 triệu đồng/cây được khách hàng ở các tỉnh, thành phố phía Bắc rất ưa chuộng. Từ việc trồng cây ăn quả trong chậu, tổng doanh thu mỗi năm của ông Ninh đạt 3-4 tỷ đồng. Phong trào làm giàu bằng cây cảnh cũng thu hút nhiều thanh niên trong xã làm theo với nhiều cách làm mới lạ, hiệu quả, bắt kịp xu hướng thị trường. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng từ năm 2009 anh Hoàng Văn Sử ở xóm 5 đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, đến nay anh đã có vườn cây cảnh đẹp với tổng diện tích 2.000m2 gồm: Khu đồi nhân tạo với 18 cây phi lao trên 30 năm tuổi; vườn cây cảnh dáng trung và đại thế hoàn thiện trị giá mỗi cây hàng trăm triệu đồng. Do có tay nghề cao, anh Sử còn nhận được nhiều lời mời thiết kế khuôn viên trường học, công trình công cộng tại các tỉnh, thành phố phía Bắc. Mỗi năm trừ các chi phí, anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã, là một trong những người đầu tiên đưa thương hiệu cây cảnh Nam Toàn đến thị trường các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ. Anh Nam cho biết: Từ năm 2015, anh quảng cáo, tiếp cận khách hàng thông qua các trang mạng xã hội, sau đó gửi các mẫu ảnh cây cảnh nghệ thuật. Khi người mua đồng ý, anh cho xe chở đến. Cũng có chuyến, anh vừa chở cây, giới thiệu sản phẩm vừa nhận thi công, thiết kế sân vườn, chăm sóc cây cảnh cho các cá nhân, đơn vị. Nhờ năng động trong buôn bán, thời cao điểm mỗi năm anh thu về 1 tỷ đồng, những năm gần đây có doanh thu từ 300-500 triệu đồng/năm.

Đồng chí Lê Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Toàn cho biết: Thế mạnh của nghề cây cảnh ở xã là buôn bán, trao đổi sinh vật cảnh. Từ hàng chục năm trước, nhận thấy nhiều cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu mua cây cảnh để trang trí và nhu cầu mua bán cây cảnh của khách hàng, người dân trong xã đã mang cây cảnh đi khắp nơi để bán. Nguồn sản xuất trong xã không cung cấp đủ nhu cầu khách hàng, người dân trong xã sang các huyện: Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh…; thậm chí đến các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nội… mua cây phôi về chỉnh sửa lại rồi đem bán. Các gia đình, nhà vườn đầu tư gần 20 xe tải có trọng tải 5-6 tấn chở cây đi khắp mọi miền đất nước. Hội Sinh vật cảnh xã có nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên nâng cao tay nghề, tạo ra những tác phẩm có giá trị cao và phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh ra toàn xã. Các hội viên tích cực trồng, phát triển đa dạng các chủng loại hoa cây cảnh, đưa các tác phẩm tham dự các triển lãm, trưng bày sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh để quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra sản phẩm. Nhiều tác phẩm cây cảnh có giá trị nghệ thuật, kinh tế của những nghệ nhân trong xã đã tạo “tiếng vang” lớn tại các cuộc trưng bày, triển lãm tầm cỡ như Festival Sinh vật cảnh Thủ đô Hà Nội, Triển lãm sinh vật cảnh Việt Nam... Hội Sinh vật cảnh xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở lớp dạy nghề chăm sóc, cắt, uốn cây cảnh tại các địa phương khác trong huyện giúp họ nâng cao tay nghề, thay đổi nếp nghĩ, tìm cách làm mới phù hợp với sự phát triển của xã hội. Bên cạnh phát triển kinh tế, hội viên Hội Sinh vật cảnh huyện tích cực tham gia tôn tạo, chăm sóc và trồng mới hàng trăm cây cảnh nghệ thuật tại các cơ quan hành chính, công trình trên địa bàn huyện.

Thời gian tới, Hội Sinh vật cảnh xã Nam Toàn tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bổ sung những hội viên tích cực, có tay nghề cao; thu hút các nghệ nhân sinh vật cảnh tham gia truyền dạy nghề, giữ nghề cây cảnh nghệ thuật. Hội cũng vận động hội viên, nhân dân trưng bày cây cảnh, xây dựng đường hoa trên các tuyến đường trong xã; chăm sóc cây cảnh ở khuôn viên trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, nơi thờ tự; mở các lớp dạy nghề học kỹ thuật cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh. Tổ chức cho hội viên tham quan các cuộc trưng bày, triển lãm sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh; đưa phong trào sinh vật cảnh của xã ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com