Hợp tác xã kiểu mới - Nét mới từ các "tân binh"

07:09, 24/09/2019

Thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình hợp tác xã kiểu mới với hướng đi đúng, cách làm sáng tạo. Trong đó, một số hợp tác xã nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; phát triển mạnh các chuỗi liên kết giá trị, có sự tham gia của hợp tác xã và doanh nghiệp; hoàn thiện các sản phẩm từ các chuỗi liên kết để trở thành các sản phẩm OCOP. Qua đó đã nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh đảm bảo hợp tác xã phát triển bền vững và có đủ năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường và hội nhập.

Các sản phẩm lúa gạo đặc sản của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng (Hải Hậu).
Các sản phẩm lúa gạo đặc sản của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng (Hải Hậu).

Năm 2016, Hợp tác xã Toàn Thắng, xã Hải Toàn (Hải Hậu) tiến hành giải thể và thành lập Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Hợp tác xã hiện có 400 thành viên; tổng diện tích canh tác trên 600ha, trong đó diện tích 2 vụ lúa là 435ha (chiếm 72,5%) và 165ha trồng màu và trồng cây đinh lăng dược liệu; diện tích trồng lúa hàng hóa chất lượng cao như: bắc thơm số 7, tám xoan, nếp bắc. Đồng chí Hà Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã cho biết: Ngoài đảm bảo cơ bản các dịch vụ đầu vào cho sản xuất của các hộ thành viên, hợp tác xã còn ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân với sản lượng lúa giống mỗi năm khoảng 750 tấn; liên kết sản xuất lúa Bắc thơm số 7 với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân mỗi năm 100 tấn; liên kết với Công ty Ba Duy (Vũng Tàu) và bao tiêu sản phẩm gạo đặc sản tám xoan cho các hộ thành viên với sản lượng mỗi năm 50 tấn; liên kết với Công ty Dược Traphaco bao tiêu sản phẩm cây dược liệu của các hộ thành viên mỗi năm 20 tấn... Doanh thu của hợp tác xã mỗi năm từ 8-10 tỷ đồng; tạo gia tăng lợi ích cho các hộ thành viên thông qua liên kết mỗi năm trên 1 tỷ đồng... Năm 2018, hợp tác xã thành lập doanh nghịêp trực thuộc hợp tác xã để tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; xây dựng xưởng sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản cho khoảng 2.000 tấn thóc/năm. Hiện nay, hợp tác xã đang xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo đặc sản (tám xoan bao tử, nếp bắc truyền thống) theo phương pháp hữu cơ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Kế hoạch sản xuất lúa gạo đặc sản của hợp tác xã đến năm 2020 có 100-150ha, với sản lượng mỗi năm từ 150- 270 tấn thóc tám xoan bao tử.

Đến ngày 31-12-2018, toàn tỉnh có 433 hợp tác xã, với 396.655 thành viên (tăng 24 hợp tác xã và giảm 91.650 thành viên so với thời điểm 31-12-2003). Trong đó, có 377 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 96 hợp tác xã thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Sau khi chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012, bộ máy quản lý của các hợp tác xã từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay hầu hết các hợp tác xã có trên 30 thành viên đều có bộ máy quản lý theo yêu cầu Luật Hợp tác xã (Hội đồng quản trị 3 người, Ban kiểm soát từ 2-3 người; bộ máy giúp việc có kế toán và các trưởng tổ đội dịch vụ 5 người). Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã phối hợp với UBND cấp xã, vận động các hộ nông dân, sau dồn điền đổi thửa góp thuê ruộng, mượn đất để hình thành nên các cánh đồng lớn, đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng hoạt động để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên; liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững. Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) là mô hình hợp tác xã kiểu mới được thành lập theo Luật Hợp tác xã 2012 với thành viên là các chủ trang trại, gia trại là những cựu chiến binh tại địa phương. Sau thành lập, hợp tác xã đã thực hiện phương án sản xuất gắn với chuỗi giá trị, xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ với Công ty Tuệ Hương và Công ty Vina-HTC; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gắn với thực hành sản xuất thực phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, xây dựng tem nhãn, truy xuất... Đến nay sản phẩm thịt lợn, trứng gà sạch Vạn Xuân Trường đã thành thương hiệu của hợp tác xã. Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) được thành lập năm 2017 với 7 thành viên. Bộ máy quản lý của hợp tác xã với đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ được đào tạo chính quy. Ngay sau thành lập, hợp tác xã đã thực hiện phương án sản xuất kinh doanh theo hướng nông sản hàng hóa với một số sản phẩm chủ lực chủ yếu tập trung vào cây rau màu và thủy sản như: Cà chua, dưa, rau hẹ; riêng sản phẩm rau hẹ, hợp tác xã đã ký hợp đồng sản xuất tiêu thụ với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để sản xuất ổn định, bền vững. Sau chuyển đổi, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) tập trung sản xuất liên kết sản xuất lúa chất lượng cao làm hàng hóa; khôi phục sản xuất lúa nếp truyền thống, ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoa học kỹ thuật nông nghiệp VINABHTABA Bắc Ninh sản xuất với diện tích quy hoạch gọn vùng 65ha, trong đó có 15,5ha sản xuất lúa giống, với mức giá tiêu thụ những năm gần đây từ 35 đến 40 nghìn đồng/kg lúa giống và từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg thóc tươi thương phẩm. Hợp tác xã đã xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi với các sản phẩm gạo bắc thơm và tôm thẻ trong thời gian tới. Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Nghĩa Hưng) đến nay đã phát triển lên 25 thành viên, có diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt, lợ 25ha với 4 sản phẩm chủ lực gồm: Cá lăng, trắm, chép và tôm thẻ; áp dụng công nghệ nuôi trồng sản phẩm tiêu chuẩn thực phẩm an toàn. Đồng chí Lê Văn Bản, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã cho biết: Thời gian qua, hợp tác xã đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến thức ăn đảm bảo nguồn thức ăn tại chỗ đáp ứng yêu cầu thực phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Hội đồng quản trị đã kết nối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Hùng Vương, Hợp tác xã Tiến đạt, Công ty Vina HTC cung cấp nguyên liệu cho xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi; ký kết với một số doanh nghiệp, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu năm 2018 từ dịch vụ đầu vào của hợp tác xã đạt 6.102 triệu đồng, đầu ra đạt 12.350 triệu đồng; lợi nhuận bổ sung quỹ đạt 162 triệu đồng, mỗi ha nuôi trồng của thành viên đạt 200 triệu đồng.

Với cách làm mới trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ, các hợp tác xã quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh liên doanh liên kết gắn với chuỗi giá trị, qua đó doanh thu và thu nhập bình quân hàng năm đều tăng, hạch toán có lãi, có tích lũy. Năm 2018, bình quân doanh thu của hợp tác xã nông nghiệp đạt 1.180 triệu đồng, tăng 424 triệu đồng so với năm 2003; thu lãi bình quân đạt 48 triệu đồng, tăng 11 triệu đồng so với năm 2003; nhiều hợp tác xã nông nghiệp doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng/năm và lãi đạt trên 400 triệu đồng/năm, tiêu biểu như các hợp tác xã: Minh Tân, Lê Lợi, Hợp Hưng (Vụ Bản); Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng). Đánh giá theo hợp tác xã chuyên ngành, nhóm hợp tác xã chăn nuôi, thủy sản và tổng hợp có doanh thu trên 2,5 tỷ đồng/hợp tác xã, cao gấp 2,5 lần so với các hợp tác xã trồng trọt và thủy sản (doanh thu trên 1 tỷ đồng/hợp tác xã). Thu nhập bình quân của thành viên, lao động của hợp tác xã năm 2018 đạt 18 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2003. Tại huyện Giao Thủy, thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, các địa phương tập trung thực hiện chuyển đổi tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp đảm bảo hoạt động hiệu quả, người dân tự nguyện và không chạy theo số lượng. Đến nay, toàn huyện có 38 hợp tác xã, gồm 27 hợp tác xã nông nghiệp, 5 hợp tác xã diêm nghiệp, 3 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, 3 hợp tác xã sản xuất nấm. Đồng chí Nguyễn Thành Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: Sau chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã đều tổ chức được 3-5 loại dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất như: thuỷ nông, bảo vệ cây trồng, làm đất, cung ứng vật tư... Hầu hết các hợp tác xã hoạt động có lãi; doanh thu bình quân đạt 948 triệu đồng/năm, lãi bình quân đạt 21,4 triệu đồng/năm. Kết quả tự đánh giá phân loại hợp tác xã, có 16,2% hợp tác xã hoạt động khá; 70,3% hợp tác xã hoạt động trung bình; 13,5% hợp tác xã hoạt động yếu. Tại huyện Hải Hậu, từ năm 2016 đến nay, có 53 hợp tác xã thành viên hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Sau khi thành lập, các hợp tác xã mở rộng quy mô hoạt động sản xuất, dịch vụ và hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế hộ. 

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu mỗi năm thành lập từ 15 đến 20 hợp tác xã kiểu mới; 90% số hợp tác xã vận tải và tiểu thủ công nghiệp hoạt động hiệu quả; 85% số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có lãi, có tích lũy, trong đó có 50-70% số hợp tác xã tham gia các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực và chương trình OCOP ở địa phương. Xây dựng mới 50 chuỗi liên kết đối với các loại sản phẩm chủ lực ở địa phương thông qua các dự án và mô hình liên kết, trong đó đến cuối năm 2020 có 25 chuỗi... Xây dựng 40 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, trong đó đến cuối năm 2020 có 20 hợp tác xã. Để thực hiện mục tiêu trên, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, làm cho cán bộ và nhân dân, nhất là nông dân hiểu rõ về phát triển hợp tác xã, bản chất của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã, vai trò và lợi ích của hợp tác và hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp nông thôn; từ đó làm thay đổi nhận thức, hiểu biết của người dân về hợp tác trong phát triển kinh tế hộ để tự thân kinh tế hộ hình thành các nhu cầu hợp tác, liên kết hợp tác. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả gắn liền với các chuỗi liên kết giá trị. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Nhà nước, cán bộ quản trị, người sáng lập khởi nghiệp hợp tác xã về kinh tế hợp tác và hợp tác xã; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ có hiểu biết chuyên sâu, có kỹ năng phát triển hợp tác xã, hiểu biết pháp luật, có trình độ quản trị kinh doanh, điều hành hoạt động hợp tác xã một cách khoa học, hiệu quả. Tập trung nguồn lực hỗ trợ đổi mới, phát triển hợp tác xã góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương, kết nối cung cầu, hỗ trợ phát triển và tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com