Nuôi lợn an toàn sinh học - Giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững (kỳ 1)

07:09, 20/09/2019

Những năm gần đây, chăn nuôi lợn của tỉnh ta đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với sự gia tăng nhanh của các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung công nghiệp và bán công nghiệp. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, giá sản phẩm chăn nuôi không ổn định, nhất là tình trạng bùng phát các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp khiến người chăn nuôi lợn “lao đao”. Vì vậy, tìm hướng phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi trong điều kiện hiện nay đang được các cấp, ngành chức năng và chính quyền các địa phương và người dân đặc biệt quan tâm...

Lực lượng chức năng huyện Vụ Bản xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Tân Thành.
Lực lượng chức năng huyện Vụ Bản xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Tân Thành.

I - Ngành sản xuất lãi lớn - nhiều rủi ro

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tỉnh ta là 1 trong 10 tỉnh có tỷ trọng ngành chăn nuôi lớn, phát triển khá mạnh và liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của nhiều người dân, nhất là ở các vùng nông thôn. Ngành chăn nuôi của tỉnh có nhiều lợi thế như: lực lượng lao động trong ngành có truyền thống và rất cần cù, chịu khó; các doanh nghiệp năng động tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy vậy, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún vẫn chiếm tới 80% tổng số hộ chăn nuôi; chưa có nhiều trang trại, gia trại hay khu chăn nuôi tập trung. Đặc biệt chưa có nhiều người nuôi tiếp cận được những kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, do vậy khả năng phòng, chống các loại dịch bệnh thấp khiến người chăn nuôi dễ gặp rủi ro bởi dịch bệnh, khâu tiêu thụ. Đặc biệt chưa khi nào người nuôi lợn phải đối diện với nhiều khó khăn bởi dịch bệnh bùng phát liên tục và phức tạp như gần đây. Từ giữa năm 2013 dịch lợn tai xanh đã phát sinh và lây lan gây thiệt hại ở 3.269 hộ chăn nuôi của 25 xã thuộc 3 huyện Trực Ninh, Xuân Trường và Hải Hậu. Tổng số lợn mắc bệnh 18.759 con và 9.975 con phải tiêu huỷ với tổng trọng lượng 189.317kg... Sau dịch lợn tai xanh, khi chăn nuôi đang hồi phục thì từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2018, giá lợn hơi giảm sâu khiến nhiều hộ “khóc ròng”, nhiều tỷ phú “trắng tay” phải “bán tống, bán tháo” để cắt lỗ và bỏ trống chuồng. Chưa hết những khó khăn đè nặng trên đôi vai người nuôi lợn thì ngày 1-2-2019 bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam, xuất hiện tại tỉnh Hưng Yên. Thực hiện chỉ đạo khẩn cấp của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi lợn thực hiện các biện pháp phòng ngừa tích cực, hiệu quả nhằm ngăn chặn dịch xâm nhiễm, lây lan vào địa bàn, song đến ngày 8-3, bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại 1 hộ chăn nuôi ở xóm 8, xã Trực Thắng (Trực Ninh). Sau đó, dịch lây lan rất nhanh ra cả 10 huyện, thành phố, đặc biệt là các huyện Trực Ninh, Hải Hậu và Xuân Trường là những vùng trọng điểm nuôi lợn sữa của tỉnh. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh ban hành 29 văn bản để chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; UBND tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó có hội nghị trực tuyến với 229 đồng chí chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dẫn đầu các đoàn công tác của tỉnh trực tiếp đi kiểm tra thực tế, lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vất vả của người nuôi lợn trong điều kiện dịch bệnh, kịp thời chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch và các công tác liên quan đến sản xuất toàn ngành, sinh kế của người dân đảm bảo sát với tình hình thực tiễn tại các địa phương, động viên tinh thần người chăn nuôi. Các biện pháp phòng trừ lây lan dịch bệnh, xử lý lợn chết, bảo vệ môi trường chăn nuôi được phổ biến thường xuyên. Để phục vụ công tác tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn, tỉnh đã cấp 50 nghìn lít hóa chất cho các huyện, thành phố, đồng thời các địa phương bố trí ngân sách mua 3.200 lít thuốc sát trùng, 1.276 tấn vôi bột, trang bị bình phun, áo bảo hộ, ủng... thực hiện tiêu độc, khử trùng các trục đường giao thông, nơi tiêu hủy lợn, khu vực ổ dịch, khu chăn nuôi. Trên cơ sở chính sách quy định của Nhà nước, các chỉ đạo cụ thể của Trung ương và khả năng ngân sách, tỉnh đã ban hành và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch theo quy định tại Quyết định số 701/QĐ-UBND ngày 3-4-2019 của UBND tỉnh. Chủ tịch UBND cấp xã, huyện chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác việc hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi bao gồm: đối tượng, số lượng, trọng lượng lợn tiêu hủy, số kinh phí hỗ trợ, thực hiện việc công khai trên đài truyền thanh xã và niêm yết danh sách các hộ chăn nuôi được hỗ trợ tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng của các thôn, xóm... Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có các Quyết định số 1339, 1374 và 1382 tạm cấp kinh phí đợt I cho các huyện, thành phố để hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi; yêu cầu các huyện, thành phố quản lý, sử dụng số tiền tạm cấp đợt I đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của Nhà nước.

Đến nay, sức nóng của bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh cũng như trên cả nước tuy đã giảm nhiệt song nguy cơ bùng phát vẫn khó lường bởi không có vắc-xin phòng bệnh và thuốc đặc trị. Một giải pháp được tính đến qua thực tiễn công tác phòng, chống dịch và những kinh nghiệm của những cơ sở, trang trại chăn nuôi vẫn an toàn trong thời gian qua mà tại các hội nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ tổ chức hồi tháng 7 vừa qua đã chỉ ra là phát triển nuôi lợn an toàn sinh học. Đó là giải pháp căn cơ, người chăn nuôi không khó khăn để áp dụng và có thể đảm bảo sự phát triển sản xuất bền vững.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Văn Đại

 

 

 

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com