Mỹ Thắng tập trung khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề

05:07, 26/07/2019

Xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) có nghề truyền thống làm chăn bông lâu đời ở làng Sắc. Khi nhu cầu thị trường thay đổi, các hộ làm nghề nơi đây đã nhanh nhạy chuyển đổi sang làm hàng may mặc, quy mô sản xuất ngày một phát triển. Từ sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, các cơ sở sản xuất đã từng bước thiết lập các chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh từ cung ứng nguyên liệu, phụ kiện đến khâu hoàn thiện sản phẩm tạo ra giá trị hàng hoá lớn. Sản phẩm của làng nghề nằm trong phân khúc thị trường tiêu dùng giá rẻ phục vụ nhóm khách hàng có mức thu nhập thấp; khai thác các mẫu mã được ưa chuộng trên thị trường, cắt giảm tối đa các chi tiết sản phẩm, sử dụng chất liệu phù hợp. Do đó, nhu cầu tiêu thụ cả hai nhóm sản phẩm xuất xứ từ làng nghề Mỹ Thắng là quần áo thời trang và chăn, ga, gối, đệm ngày một tăng cao tại thị trường trong nước, đồng thời có sản phẩm xuất khẩu sang cả thị trường Lào, Campuchia. Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc và chăn, ga, gối, đệm và khoảng 600 hộ chuyên gia công các mặt hàng may mặc tạo việc làm ổn định cho gần 5.400 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5-5,5 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất từ nghề may chiếm phần lớn trong cơ cấu GDP của xã.

Sản xuất hàng may mặc tại xưởng may Huy Dung, xóm Đoài, xã Mỹ Thắng.
Sản xuất hàng may mặc tại xưởng may Huy Dung, xóm Đoài, xã Mỹ Thắng.

Tuy nhiên, sản xuất phát triển cũng kéo theo những tác động môi trường phức tạp. Các công đoạn trải vải, cắt, dập định hình, may… đều phát sinh bụi vải trong khi các cơ sở sản xuất chưa quan tâm xử lý, khắc phục, cộng thêm việc nhiều hộ sản xuất không đầu tư cho việc xử lý chất thải rắn (vải vụn thừa, chỉ...) mà thường tự đốt phế liệu, vải vụn dẫn tới phát sinh mùi khét lẹt và khói mù độc hại, làm ô nhiễm không khí. Trước đây, khi đi quanh xã, bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy rất nhiều bao vải vụn xếp thành đống, thành kè dọc các bờ ao, bờ kênh, sông; trên các bãi đất trống có nhiều đống vải vụn âm ỉ cháy bốc khói khét lẹt, hoặc những khối tro dày, đen sì. Đặc biệt, do các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư khiến cho người dân trong xã còn phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn từ các hoạt động sản xuất, bốc xếp, vận chuyển hàng hóa. Đáng chú ý là rác thải công nghiệp ở đây không chỉ xuất phát từ làng nghề mà phần lớn phát sinh từ 15 hộ chuyên làm dịch vụ dọn rác thải cho các nhà máy, xí nghiệp may lớn trong và ngoài tỉnh. Các hộ này thu gom phế liệu từ các doanh nghiệp về và phân loại, tận dụng những phần có thể sử dụng cung ứng cho các hộ sản xuất quần áo may các chi tiết trang trí còn lại tự xử lý theo cách thủ công. Ngoài rác thải sinh hoạt, trên toàn xã bình quân mỗi năm phát thải 100-150 tấn rác công nghiệp. Lượng rác thải không thể tận dụng, thậm chí không thể chôn hay đốt tồn tại tương đối nhiều và ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc thu gom, xử lý rác do các thôn, xóm tự lo bằng cách tự tìm và xác định điểm tập kết, các hộ dân tự vận chuyển rác đến điểm tập kết để xử lý bằng phương thức phân loại, chôn lấp hoặc đốt; tình trạng xử lý thô sơ, không đúng kỹ thuật đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe người dân. Đó là bức tranh về môi trường ở xã Mỹ Thắng trước đây.

Trước tình hình trên, từ năm 2016, xã Mỹ Thắng đặc biệt chú trọng đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề. UBND xã đã tập trung xây dựng và triển khai Đề án thu gom, xử lý rác thải; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của từng cá nhân và vai trò trách nhiệm của các ban, ngành, địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường; đưa công tác bảo vệ môi trường và thu gom xử lý rác thải thành tiêu chí thi đua của các cấp, các ngành, các đơn vị và các hộ gia đình. Ngay sau khi tham vấn và thống nhất được tư tưởng đồng thuận từ phía nhân dân, xã đã tổ chức thành lập các tổ, đội, doanh nghiệp dịch vụ thu gom, xử lý rác thải tại địa phương đảm bảo chuyên nghiệp, đủ năng lực để hoạt động bảo vệ môi trường và thu gom rác thải theo các nguyên tắc: rác được thu gom và phân loại tại nguồn, tiến đến tái chế, tái sử dụng triệt để bằng các công nghệ tiên tiến và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, hạn chế tối đa lượng rác thải chôn lấp nhằm tiết kiệm quỹ đất. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã xây dựng mô hình “Chi hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới” huy động các hội viên tham gia trồng hoa, trồng cây xanh tại các trục đường liên thôn, liên xã, đảm nhận quản lý một đoạn đường; thành lập mô hình “Chi hội Phụ nữ chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường” tại chi hội 8 với 120 hội viên phụ nữ tham gia để vận động, kêu gọi người dân, các hộ sản xuất trong xã hạn chế phát sinh chất thải nhựa, không đốt phế liệu, vải vụn dư thừa trong quá trình sản xuất. Xã khuyến khích và định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tập trung đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển sản xuất theo hướng đa dạng hóa các loại sản phẩm, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư các loại máy móc thiết bị mới, ứng dụng công nghệ cao vào chế biến sản xuất bông, vải, sợi, quần áo thời trang, ga, gối, rèm mành và chăn bông, đệm mút để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiếng ồn, giảm nguyên liệu dư thừa, bụi vải gây ô nhiễm môi trường. Nhờ tham khảo internet, một số hộ sản xuất trong làng nghề đã sử dụng vải vụn làm nguyên liệu sản xuất thú nhồi bông, đồ chơi trẻ em. Đặc biệt, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư kinh phí ký hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng thu gom, tiêu huỷ các loại phế liệu, vải vụn dư thừa đảm bảo an toàn môi trường. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã đã giảm tối đa tình trạng vứt bỏ bừa bãi và đốt vải vụn, phế liệu sản xuất, không khí, cảnh quan được trả lại vẻ trong lành, sạch đẹp.

Hiện nay, UBND xã Mỹ Thắng đang tích cực kêu gọi, đồng thời đề xuất tỉnh hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Mỹ Thắng, đây là cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với quy mô khoảng 34,9ha. Khi hoàn thành đưa vào khai thác, Cụm công nghiệp Mỹ Thắng sẽ tạo mặt bằng đáp ứng nhu cầu di chuyển làng nghề vào khu vực sản xuất tập trung; giúp các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, nước thải trong quá trình sản xuất, trả lại không gian yên bình và môi trường sạch, an toàn cho khu dân cư./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com