Hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong cải cách hành chính cấp xã

08:07, 24/07/2019

Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 và ISO 9001:2015 (ISO) trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính. Theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 5-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ, việc áp dụng ISO ở cấp xã là không bắt buộc, tuy nhiên vẫn khuyến khích các địa phương áp dụng, hỗ trợ cho công tác cải cách hành chính từ cơ sở.

Hướng dẫn người dân tra cứu thủ tục hành chính tại UBND Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh).
Hướng dẫn người dân tra cứu thủ tục hành chính tại UBND Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh).

Để triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng này đến cấp xã, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức tập huấn cho gần 300 cán bộ là các thành viên trong Ban chỉ đạo ISO xã, phường, thị trấn về các nội dung: tổng quan về hệ thống quản lý chất lượng ISO; lợi ích của việc áp dụng ISO; các bước thực hiện xây dựng và áp dụng bộ công cụ ISO ở cấp xã; phương pháp viết, soát xét tài liệu; hướng dẫn áp dụng hệ thống tài liệu; hoàn thiện quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hỗ trợ tư vấn, xây dựng hệ thống ISO cho các xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn tỉnh có 20 xã, phường, thị trấn đã xây dựng, áp dụng và công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với TCVN ISO. Trong đó có 13 đơn vị áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và 7 đơn vị áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Để áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO đạt hiệu quả cao, UBND xã Lộc An (Thành phố Nam Định) đã cử cán bộ, nhân viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về ISO. Đến nay, nhận thức của cán bộ, công chức xã được nâng lên rõ rệt, vận hành hệ thống quản lý chất lượng mang lại hiệu quả cao trong chương trình cải cách hành chính. Qua đó, tạo thuận lợi cho lãnh đạo xã trong công tác chỉ đạo điều hành; cán bộ, công chức được phân công trách nhiệm rõ ràng trong quá trình xử lý công việc, giảm sai sót trong thực thi công vụ… Tại phường Hạ Long (Thành phố Nam Định), sau khi rà soát đánh giá thực trạng tại đơn vị, UBND phường cùng đơn vị tư vấn đã xây dựng hệ thống tài liệu trên cơ sở 20 thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ thường xuyên gồm: chính sách chất lượng và mục tiêu chất lượng; sổ tay chất lượng; 77 quy trình, trong đó đã bao phủ 70/92 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, qua đó đã giảm được những thủ tục hành chính phát sinh nhiều hồ sơ, qua nhiều công đoạn, hạn chế sự chồng chéo, phục vụ người dân tốt hơn. Đồng chí Đoàn Xuân Thuần, Chủ tịch UBND phường cho biết: Nhận thức được ý nghĩa và hiệu quả của việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, trong thời gian tới UBND phường Hạ Long sẽ bố trí nguồn kinh phí đào tạo cán bộ thường xuyên về việc nâng cao nhận thức, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng. Với hơn 76,1% số thủ tục hành chính đã được xây dựng quy trình xử lý ISO, trong năm 2019, UBND phường sẽ tiếp tục xây dựng quy trình ISO nhằm phủ kín 100% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được thực hiện theo bộ tiêu chuẩn ISO. Có thể nói, thông qua áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO đã đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong đơn vị, góp phần hình thành phương pháp làm việc khoa học, tham mưu và phục vụ hiệu quả hoạt động của UBND cấp xã. Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức được tăng lên rõ rệt từ việc không hiểu ISO dùng để áp dụng vào những công việc cụ thể nào thì sau các lớp đào tạo, tập huấn đã hiểu rõ ISO là gì và đã vận hành thuần thục vào xử lý công việc hàng ngày. Thông qua các đợt đánh giá nội bộ, chất lượng công việc được nâng lên rõ rệt, chất lượng công việc của các cán bộ chuyên môn thực hiện đã được lãnh đạo nắm rõ và chỉ ra những điểm hạn chế, tồn tại, nâng cao năng lực hiệu quả công tác, tránh được sai sót trong thực thi công vụ. Hệ thống tài liệu được xây dựng giúp cán bộ công chức xã, phường, thị trấn làm đúng nhiệm vụ được giao, đồng thời cũng là tài liệu giúp cho việc đào tạo cán bộ, công chức mới tuyển hoặc luân chuyển. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong các hoạt động chuyên môn của đơn vị; quản lý chặt chẽ, thống nhất các hoạt động trong đơn vị; tạo được mối liên hệ phối hợp, chia sẻ với các cơ quan khác trong hệ thống các cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO còn giúp UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức thuần thục kiến thức chuyên môn và có kỹ năng giải quyết công việc, biết nhẫn nại và kiềm chế trong ứng xử nơi công sở, thái độ thân thiện, kịp thời và linh hoạt, khắc phục sự thờ ơ lãnh đạm, máy móc, nôn nóng thiếu tế nhị, không tôn trọng người dân. Kết quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin (ISO điện tử) trong việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã làm cho việc luân chuyển và xử lý hồ sơ trong nội bộ cơ quan một cách rành mạch, rõ ràng hơn, thời gian giải quyết nhiều loại hồ sơ đã được rút ngắn hơn nhiều so với thời gian theo quy định, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch và hoạt động có hiệu quả theo mục tiêu chương trình cải cách hành chính chung của tỉnh. Trên cơ sở kết quả của các mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO đã triển khai thực hiện, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tổng hợp, đánh giá hiệu quả, nhận diện kịp thời những hạn chế để khắc phục, rút ra những bài học kinh nghiệm từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai để mở rộng phạm vi áp dụng. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO cho 80 xã, phường, thị trấn, nâng tỷ lệ số đơn vị ở cấp xã áp dụng hệ thống lên 43,3%; phấn đấu đến hết năm 2020 có 78,6% đơn vị cấp xã hoàn thành nâng cấp chuyển đổi phiên bản TCVN ISO 9001:2015 theo mô hình khung của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Để đạt được mục tiêu trên, một số vấn đề cần được Sở Khoa học và Công nghệ, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan sớm quan tâm giải quyết, đó là chuẩn bị đủ nguồn kinh phí hỗ trợ nhân rộng mô hình; có biện pháp kiểm soát đảm bảo cán bộ, nhân viên, công chức cấp xã nghiêm túc tuân thủ quy trình ISO trong giải quyết công việc chuyên môn. Các địa phương đã áp dụng cần duy trì và thường xuyên rà soát cải tiến hệ thống phù hợp với thực tiễn, trên cơ sở đảm bảo quy trình, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi; xây dựng mục tiêu chất lượng trên cơ sở kết quả kiểm điểm đánh giá cơ quan, đơn vị và cán bộ lãnh đạo quản lý hàng năm./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com