Chung tay cải thiện chất lượng không khí

07:06, 03/06/2019

Ngày Môi trường thế giới (5-6) hàng năm là một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng mà Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 với nhiều hoạt động rộng khắp trên cả nước, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Theo báo cáo của Liên hợp quốc vào cuối năm 2018, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch; mỗi năm gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5.000 tỷ đô la và đang là một thách thức lớn đối với toàn xã hội. Để từng bước giải quyết vấn đề này, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã đưa ra chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2019 là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.

Sản xuất nhựa là một trong những ngành có nguy cơ phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường. (Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm nhựa gia dụng tại Công ty Cổ phần Đỗ Gia, Cụm công nghiệp An Xá, Thành phố Nam Định).
Sản xuất nhựa là một trong những ngành có nguy cơ phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường. (Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm nhựa gia dụng tại Công ty Cổ phần Đỗ Gia, Cụm công nghiệp An Xá, Thành phố Nam Định).

Theo kết quả tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, những năm qua, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường không khí, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường không khí; tập trung kêu gọi, huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xử lý khí thải, sử dụng hiệu quả nhiên liệu trong các ngành công nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh khí thải. Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó riêng quan trắc môi trường không khí, tiếng ồn đã quy hoạch và triển khai thực hiện quan trắc tại 94 điểm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và các địa phương đã tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó quan tâm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không khí. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện việc thu gom, xử lý khí thải tại nguồn phát sinh. Trong đó, các đơn vị sản xuất mặt hàng bông công nghệ đã áp dụng xử lý khí thải theo quy trình: điều không thông gió tại xưởng sản xuất, lọc và nén bụi bông để tái sử dụng, điều hòa và làm mát không khí. Các cơ sở sản xuất phát sinh nhiều bụi đều áp dụng biện pháp thông gió, lọc bụi tại nguồn phát sinh. Đối với các cơ sở sử dụng than để vận hành lò hơi đều đã xây dựng ống khói có hệ thống lắng, lọc bụi để xử lý khí thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Một số cơ sở sử dụng phế thải nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải và thực hiện các biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại. Vì vậy, tới thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra sự cố nào liên quan đến tái chế phế liệu nhập khẩu. Hiện tại, mặc dù môi trường không khí trên toàn tỉnh chưa bị ô nhiễm, chất lượng không khí tương đối tốt; tuy nhiên qua kết quả quan trắc hàng năm tại một số nút giao thông trên địa bàn Thành phố Nam Định, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt là một số làng nghề, có sự gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm. Các làng nghề có hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường không khí gồm: làng nghề Bình Yên phát sinh khí thải do đốt than, mùi hóa chất; làng nghề Tống Xá đúc đồng phát sinh khí thải nấu từ lò luyện kim loại; làng nghề cơ khí Vân Chàng, làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn. Hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề không đầu tư hệ thống xử lý khí thải nên gây ô nhiễm môi trường không khí cục bộ tại khu vực làng nghề. Khí phát sinh do đốt than và các hơi hóa chất độc hại như axit, dung môi, hơi kim loại... thải vào môi trường không khí làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động. Ngoài ra, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp làm phát sinh hóa chất vào không khí ở các dạng khác nhau như: dạng khí NH3, Phốt phát..., dạng hơi dung môi. Trong những năm gần đây, người dân thường đốt các phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch như rơm rạ ngay trên đồng ruộng gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Từ thực trạng kể trên, ngày 23-5-2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 78/KH-UBND yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý khí, bụi để giải quyết tốt các vấn đề môi trường. Các ngành chức năng, địa phương đã tập trung tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về bảo vệ môi trường, mục đích, ý nghĩa của Ngày Môi trường thế giới nhằm nhắc nhở các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ môi trường không khí bằng những hành động thiết thực, cụ thể; tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường không khí có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: lễ mít tinh, ra quân làm vệ sinh môi trường, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu, tạo video, clip, chương trình phát thanh, truyền hình có nội dung về công tác bảo vệ môi trường, các biện pháp giảm thiểu khí thải, bụi thải. Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung quản lý khí thải từ các hoạt động sản xuất, xây dựng, giao thông, sinh hoạt của con người như: kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; tăng cường kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn, làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đổi mới công nghệ, quy trình, thiết bị, đồng thời tăng cường xây dựng, lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp nhằm hạn chế phát sinh khí, bụi thải, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường không khí. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: tổ chức đợt tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động, đồng thời thực hiện nghiêm Nghị định 38/2015/NĐ-CP, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống thiết bị xử lý, giảm thiểu khí, bụi thải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường không khí hiện hành. Sở Công thương đẩy mạnh khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát sinh khí, bụi thải. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng và các nguồn khí thải khác; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com