Các huyện ven biển chủ động ứng phó với bão mạnh, siêu bão

07:05, 28/05/2019

Những năm gần đây, thiên tai nói chung, bão mạnh và siêu bão nói riêng đã ngày càng diễn biến phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh ta. Trong đó, các huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng là những địa bàn phải gánh chịu nhiều thiệt hại, tổn thất nặng nề về sản xuất và tài sản của người dân. Do đó, việc chủ động phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, đặc biệt là cơn bão mạnh và siêu bão đã và đang được các huyện ven biển tích cực triển khai nhằm giảm tối đa những tác động tiêu cực đối với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Khẩn trương thi công hoàn thiện kè Cồn Ba, kè Cồn Tư thuộc địa bàn xã Hồng Thuận (Giao Thủy) trong tháng 5-2019 để kịp thời phòng, chống bão lũ năm nay.
Khẩn trương thi công hoàn thiện kè Cồn Ba, kè Cồn Tư thuộc địa bàn xã Hồng Thuận (Giao Thủy) trong tháng 5-2019 để kịp thời phòng, chống bão lũ năm nay.

Tỉnh ta có 91km đê biển qua 3 huyện Hải Hậu (33km), Giao Thủy (32km) và Nghĩa Hưng (26km). Phần lớn bờ biển thuộc vùng biển lấn, bãi thoái nghiêm trọng. Trong toàn tuyến đê biển có trên 50km đi qua khu vực nền cát, đất đắp đê là cát và cát pha; khoảng 45km đê một mặt trực diện với biển, phía trong đồng là thùng đào, thường xuyên chịu tác động gây hại của sóng do triều cường, gió mạnh, áp thấp nhiệt đới và bão. Ngoài hệ thống đê, kè biển, các huyện ven biển còn được bao bọc bởi các tuyến đê sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ và sông Đáy với tổng chiều dài khoảng 200km. Năm 2018, tỉnh ta chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 và mưa lũ kéo dài và 5 đợt triều cường, gió mạnh trên biển làm sạt sập một số vị trí đê, kè… ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản của nhân dân. Là huyện có tuyến đê biển dài nhất, năm nay huyện Hải Hậu tập trung triển khai xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể với mọi tình huống, trong đó chú trọng công tác sơ tán dân và phương án phòng, chống bão mạnh và siêu bão. Trong đó, trước hết huyện tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng tránh tâm lý chủ quan; tổ chức diễn tập phương án phòng, chống thiên tai và sơ tán dân, nhất là công tác chuẩn bị và ứng phó với siêu bão. Chủ động xây dựng lực lượng đảm bảo năng lực ứng phó với các tình huống thiên tai lớn, sẵn sàng phối kết hợp giữa lực lượng tại chỗ với lực lượng tăng cường của cấp trên. Kiên quyết sơ tán dân khỏi khu vực ảnh hưởng của nước dâng trước khi bão đổ bộ, sơ tán tàu thuyền khỏi khu vực bão đi qua hoặc có biện pháp hiệu quả để tránh thiệt hại cho các phương tiện tàu thuyền. Bên cạnh đó, huyện cũng đã củng cố khu tránh trú neo đậu tàu thuyền tại khu vực cửa sông Ninh Cơ và sông Sò, chuẩn bị khu vực sơ tán dân tập trung ở các xã, thị trấn phía trong Quốc lộ 21. Tổ chức rà soát các công trình hạ tầng thiết yếu như: trường học, trạm y tế, nhà kiên cố đảm bảo an toàn khi sơ tán dân đến tránh trú bão. Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc dự phòng, các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn phục vụ công tác phòng, chống bão. Đối với phương án sơ tán dân khi có bão mạnh, siêu bão, huyện Hải Hậu xác định sơ tán triệt để nhân dân ở các xã, thị trấn ven biển phía ngoài Quốc lộ 21 đến đê biển, chỉ để lại lực lượng xung kích, lực lượng hộ đê. Đối với các xã ven sông Sò, sông Ninh Cơ tiến hành sơ tán nhân dân ở các vùng ven đê, người dân sống ở các vùng trũng, thấp đến nơi cao, đảm bảo an toàn đề phòng lũ. Các xã nội đồng tổ chức sơ tán dân không có nhà kiên cố, nhà tạm, lợp mái Fibro xi măng sang các hộ có nhà mái bằng kiên cố trong thôn, xóm. Để việc sơ tán dân được thực hiện triệt để, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu các xã, thị trấn lập danh sách những người thuộc diện sơ tán theo từng xóm, thôn, tổ dân phố, khu dân cư; tổ chức phân công cụ thể cán bộ kiểm tra, theo dõi công tác di dân trước khi bão đổ bộ. Thường xuyên thông báo cụ thể trên các phương tiện thông tin hướng di chuyển và nơi cư trú cho người đi sơ tán nhằm đảm bảo an toàn và an ninh trật tự. Khi có lệnh sơ tán của huyện, thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn phải trực tiếp xuống các thôn, xóm, tổ dân phố được phân công phụ trách để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác di dân của các thôn, xóm. Đối với các trường hợp không sơ tán theo lệnh thì có biện pháp cưỡng chế sơ tán theo quy định nhằm đảm bảo an toàn về người.

Bước vào mùa mưa bão năm nay, huyện Giao Thủy đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện; tổ chức tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng toàn bộ hệ thống 51,5km đê, 27 cống dưới đê, 4.955m kè sông và 13.492m kè biển để xây dựng phương án cụ thể với từng vị trí công trình phòng, chống thiên tai. Theo đánh giá của huyện, hiện một số đoạn đê chất đất nền là đất cát và cát pha, thân đê chứa nhiều ẩn họa; phía trong đồng của một số đoạn đê có nhiều thùng, ao gần chân đê, phía sông một số đoạn không còn bãi hoặc bãi hẹp, diễn biến lòng và bãi phức tạp, dòng chảy áp sát chân đê, nguy hiểm nhất là tại K215+790 đến K215+850 đê sông Hồng thuộc địa bàn xã Hồng Thuận. Kè Cống Chúa của Thị trấn Ngô Đồng, kè Cồn Nhì, Cồn Ba, Cồn Tư, Hồng Thuận, kè Giao Hương bãi đầu và cuối kè đang bị sạt lở do biến động của lòng sông và dòng chảy sát bờ… Đối với tuyến đê biển đoạn từ xã Giao Hải đến Thị trấn Quất Lâm cao trình bãi đang bị hạ thấp, bãi ngoài không có cây chắn sóng, thường xuyên chịu tác động của sóng triều. Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng, chống thiên tai của địa phương, đồng chí Doãn Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết: Quan điểm chỉ đạo của huyện là tập trung cao thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các phòng, ban, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống thiên tai. Tăng cường kiểm tra, quản lý, bảo vệ, tu bổ các công trình đê điều, thủy lợi. Thực hiện tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó thực hiện phòng tránh là chính” nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Mục tiêu của huyện là: đê sông Hồng chống được mực nước lũ tương ứng mức nước thiết kế tại Hà Nội là +13,10m; tuyến đê biển những đoạn đã tu bổ, nâng cấp chống được bão cấp 10 gặp triều tần suất P=5%, những đoạn còn lại chống được bão cấp 9 gặp triều cường tần suất P=5%. Trên cơ sở loại hình và cấp độ rủi ro thiên tai, huyện đã xây dựng các phương án ứng phó tương ứng với bão mạnh, siêu bão, phương án hộ đê, phương án phòng, chống thiên tai, lũ lụt, phương án sơ tán dân nhằm đảm bảo cho người và phương tiện tàu thuyền.

Biển và hệ thống sông, ngòi mang đến nhiều tiềm năng và nguồn lợi cho phát triển kinh tế, dân sinh; đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức đe dọa đời sống, sản xuất do thiên tai, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Chủ động các phương án ứng phó với thiên tai nói chung, bão mạnh và siêu bão nói riêng sẽ giúp các huyện ven biển phòng tránh hiệu quả những ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai đối với đời sống, sinh hoạt và sản xuất, góp phần giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão năm nay./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com