Huy động tiết kiệm để cho vay ưu đãi tại điểm giao dịch xã

07:10, 22/10/2018

Qua gần 2 năm triển khai chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã đã thu hút đông đảo dân cư khu vực nông thôn gửi tiền, tạo thói quen tích lũy tài chính cho người dân, đồng thời có thêm nguồn vốn tại chỗ để Ngân hàng CSXH cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn.

Người dân xã Nam Thanh (Nam Trực) gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng CSXH huyện tại điểm giao dịch xã.
Người dân xã Nam Thanh (Nam Trực) gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng CSXH huyện tại điểm giao dịch xã.

Chúng tôi có dịp được chứng kiến buổi giao dịch hằng tháng của Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực tại điểm giao dịch xã Nam Toàn. Tại đây, đội ngũ cán bộ tín dụng, kế toán, kiểm soát, giao dịch của Ngân hàng CSXH huyện đồng thời thực hiện nghiệp vụ giải ngân các hợp đồng cho vay; thu tiền gốc, tiền lãi định kỳ và nhận tiền gửi tiết kiệm của người dân địa phương. Bà Hoàng Thị Bốn, 58 tuổi ở xóm 7, là 1 trong những người tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH thông qua điểm giao dịch tại xã. Qua trao đổi bà Bốn cho biết: Qua nghe Ngân hàng CSXH tuyên truyền, vận động, tôi đã quyết định gửi tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH. Tôi nhận thấy, việc gửi tiền tiết kiệm tại đây được thực hiện rất thuận tiện, thủ tục nhanh chóng, an toàn và đáng tin cậy. Trước đây muốn gửi tiết kiệm tôi thường phải nhờ con cháu đưa xuống trung tâm huyện để gửi, vừa mất thời gian đi lại vừa “nơm nớp” lo không an toàn khi cầm tiền đi đường. Nhưng từ khi Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực triển khai dịch vụ huy động tiền gửi tiết kiệm tại xã, cứ đến ngày giao dịch theo lịch thông báo tôi tự đạp xe đi gửi mà không phải phiền con cháu, thông tin cá nhân vẫn được bảo đảm bí mật. Chính vì thế, không chỉ có tôi mà nhiều người khác trong xóm, trong thôn cũng tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm và cũng rất phấn khởi bởi những tiện lợi mà chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm tại xã mang lại... Không chỉ ở xã Nam Toàn mà hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH đã và đang mở rộng ở khắp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đồng chí Trần Thị Thanh My, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Thái (Vụ Bản) cho biết: Thực hiện chương trình gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH thông qua điểm giao dịch tại xã, Hội Phụ nữ xã phối hợp với cán bộ Ngân hàng CSXH huyện đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp tại các tổ tiết kiệm và vay vốn; tham mưu cho Ngân hàng CSXH viết bài, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã và trong các buổi giao dịch tại xã giúp nhiều hộ dân thấy được lợi ích thiết thực của việc gửi tiền tiết kiệm tại điểm giao dịch xã và chủ động tham gia. Hơn nữa đối với bà con nông dân ở khu vực nông thôn, chủ yếu thu nhập từ nông nghiệp, do đó với mức gửi tối thiểu từ 500 nghìn đồng đã được Ngân hàng CSXH chấp nhận là rất phù hợp với những hộ gia đình có thu nhập thấp mà muốn gửi tiết kiệm... Nhờ đó chương trình đã khích lệ đông đảo người dân ở vùng nông thôn tham gia gửi tiền. 

Đánh giá về những lợi ích mà chương trình huy động tiền gửi tại điểm giao dịch xã mang lại đối với hoạt động cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đang được triển khai, đồng chí Phạm Thành Hưng, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Ngày 30-9-2016, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã có Văn bản số 3815/NHCS-KHNV hướng dẫn quy trình huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã. Điểm thuận lợi của hình thức huy động tiết kiệm này ở mức tiền gửi tiết kiệm tối thiểu là 500 nghìn đồng một lần/sổ và khách hàng gửi tiền tại điểm giao dịch xã nhưng khi cần rút tiền thì có thể rút tại điểm giao dịch xã hoặc tại trụ sở Ngân hàng CSXH nơi mở sổ tiết kiệm. Vì vậy người nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp đều có thể tham gia. Khi gửi tiền tiết kiệm tại điểm giao dịch xã của Ngân hàng CSXH, khách hàng vẫn được hưởng mức lãi suất tiền gửi tương đương với lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn với cùng kỳ hạn và được Nhà nước đảm bảo khả năng thanh toán. Việc triển khai hình thức huy động vốn này hết sức cần thiết vì có thể tận dụng được mạng lưới rộng khắp của các điểm giao dịch xã hiện nay và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng CSXH để huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. Để bảo đảm thực hiện thành công chương trình này, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tổ chức tập huấn các quy chế nghiệp vụ, hướng dẫn quy trình, thủ tục huy động cho tất cả đội ngũ cán bộ, nhân viên Ngân hàng CSXH. Phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức phù hợp để người dân nắm bắt và tiếp cận và tham gia chương trình này. Sau gần 2 năm triển khai, hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã đã phát huy được những ưu điểm, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của dân cư nông thôn. Đến nay 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã phát sinh nghiệp vụ gửi tiền tiết kiệm tại các điểm giao dịch cấp xã. Tính đến hết tháng 9-2018, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã là hơn 55 tỷ 386 triệu đồng, tăng 10 tỷ 081 triệu đồng so với đầu năm. Kết quả huy động tuy chưa nhiều nhưng đã giúp Ngân hàng CSXH tỉnh có bước chủ động về nguồn vốn để cho vay các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, đồng thời đáp ứng được nhu cầu và tạo thói quen tiết kiệm tích lũy cho người dân ở các vùng nông thôn.

Từ kinh nghiệm 2 năm triển khai chương trình, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố phối hợp với các xã, phường, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, quảng bá chương trình. Đồng thời tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới tác phong giao dịch thân thiện, trách nhiệm của các cán bộ, nhân viên tham gia các buổi giao dịch tại địa bàn nhằm thu hút ngày càng nhiều người đến gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com