Tăng cường lồng ghép mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển

04:10, 19/10/2018

Những năm qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang trở thành thách thức nghiêm trọng của tỉnh ta, không chỉ làm chậm lại mà còn gây nhiều tổn thất đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm suy giảm hệ sinh thái rừng, chủ yếu ở các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng.

Cụ thể các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều như: nắng nóng, hạn hán, mưa rét kéo dài, lượng mưa ít nhưng cường độ lớn, bất thường; bão nhiều; triều cường thay đổi đột ngột… Theo dự báo, mực nước biển dâng giai đoạn 2020-2100 sẽ tăng và gây nguy cơ ngập lụt trên diện rộng, trong đó 3 huyện ven biển ngập nhiều nhất. Ngành Nông nghiệp chịu tác động trực tiếp nhất vì bị giảm diện tích đất canh tác khi hạn hán kết hợp với triều cường làm đất canh tác của các huyện ven biển bị nhiễm mặn; gia tăng dịch bệnh vật nuôi, cây trồng, nhất là cây lúa khiến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp giảm và gia tăng chi phí sản xuất. Nước biển dâng ảnh hưởng đến vùng đất ngập nước ven biển, nhất là khu vực rừng ngập mặn làm giảm đa dạng sinh học vùng bờ và nguồn lợi thủy hải sản. Các hệ sinh thái vùng bờ quan trọng bị suy thoái và thu hẹp diện tích. Các quần đàn có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển, thay đổi tương tác sông - biển ở vùng cửa sông ven bờ. BĐKH gây nên tình trạng khô hạn kéo dài, mùa khô dài hơn mùa mưa, kết hợp sự chặn dòng của các đập thủy điện trên thượng nguồn cộng với sự dâng lên của mực nước biển nên dòng chảy kiệt càng ngày càng thấp hơn, hệ thống thủy lợi đòi hỏi cần được đầu tư cao hơn. Thực trạng xâm nhập mặn sâu thì hệ thống kiểm soát mặn chưa được triệt để và chưa được chủ động. Bên cạnh đó, khả năng cấp nước ngọt hạn chế ở vùng xa, đặc biệt là hệ thống kênh mương nội đồng chưa đủ để có thể dự trữ nước ngọt. Công nghiệp chịu thiệt hại gián tiếp của BĐKH qua việc thiếu điện phục vụ sản xuất. Cơ sở hạ tầng đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng bị các hiện tượng BĐKH cực đoan làm đổ nhà cửa, cây cối, gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của nhân dân. Tình trạng hạn hán dẫn đến sự thiếu điện là nguyên nhân gây hư hại các nguyên liệu, hàng hóa trong lĩnh vực thực phẩm. Hệ thống công trình giao thông trên địa bàn tỉnh phải chịu một số ảnh hưởng mang tính cục bộ và nhất thời khi bão lũ xảy ra gây sạt lở đê dẫn tới ngập đường thôn, xã. Bão lũ, mưa kéo dài dẫn đến sạt lở taluy nền đường khiến nền mặt đường nhanh chóng hư hỏng, rạn nứt, xuất hiện thêm nhiều ổ gà, cao su, giao thông đường bộ xuống cấp, gây mất ATGT, giảm năng lực khai thác, gây khó khăn hạn chế công tác cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân vùng ven biển khi ngập lụt xảy ra… Tác động của BĐKH dẫn đến một số dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến tâm lý của khách du lịch; bão, nhiệt độ, độ ẩm và hơi mặn là những yếu tố ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch. Các khu du lịch biển của tỉnh như Thịnh Long, Quất Lâm phải đối mặt với hiện tượng nước biển xâm thực. Thị trấn Quất Lâm đã bị nước biển làm sạt lở toàn bộ phần đất bồi làm cho đê tiếp xúc trực diện với biển. Bãi biển Thịnh Long trước kia nằm cách bãi biển hiện tại khoảng 1km. Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy là khu du lịch tự nhiên đang đối mặt với nguy cơ mất đất do nước biển dâng và suy giảm đa dạng sinh học. Từ việc chỉ rõ những tác động thiên tai do BĐKH, các quy hoạch, kế hoạch đã đưa ra các giải pháp cần ưu tiên thực hiện nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng BĐKH vào quá trình phát triển ngành, kinh tế - xã hội. Quan tâm quy hoạch và tổ chức đầu tư xây dựng, phát triển các vùng sản xuất ven biển theo hướng phù hợp xu thế nước biển dâng, tăng cường đầu tư kiện toàn mạng lưới cống đập ngăn mặn; tích cực chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng mở rộng nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn thay cho trồng trọt để ứng phó BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao hiệu quả bảo vệ đời sống và sản xuất. Công tác dự báo, cảnh báo sớm tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi toàn tỉnh, diễn biến các đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại, nắng nóng gay gắt được kịp thời. Công tác bảo vệ cơ sở hạ tầng cụm, tuyến dân cư, khu neo đậu tàu thuyền, kè chống sạt lở, trồng rừng cũng được thực hiện tốt...

Thu gom rác thải sinh hoạt tại bờ sông Đào thuộc địa phận phường Trần Tế Xương (TP Nam Định).
Thu gom rác thải sinh hoạt tại bờ sông Đào thuộc địa phận phường Trần Tế Xương (TP Nam Định).

Để giảm thiểu những thiệt hại do BĐKH gây ra, tỉnh đã chỉ đạo triển khai những giải pháp ứng phó, trong đó tích cực lồng ghép vấn đề BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cụ thể như "Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" đã định hướng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường (BVMT), chủ động ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững không những trong địa bàn tỉnh mà còn cả khu vực các tỉnh, thành phố có liên quan, hướng tới hình thành một tỉnh xanh, sạch về môi trường vào cuối những năm 2020, đầu những năm 2030. Trong Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015), Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2015-2020) của tỉnh đã tích hợp rất chi tiết, toàn diện những đánh giá tác động của BĐKH đối với mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra các giải pháp ưu tiên để các ngành, các địa phương có hướng sử dụng quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phòng ngừa, thích ứng BĐKH.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả trên, công tác lồng ghép BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn một số khó khăn, tồn tại. Nội dung lồng ghép còn chưa cụ thể hóa một cách toàn diện. Nhu cầu về nguồn vốn thực hiện các nội dung ứng phó BĐKH trong các quy hoạch, kế hoạch rất lớn trong khi sự hỗ trợ của Trung ương và ngân sách tỉnh còn hạn chế khi phải cân đối vốn cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhận thức của cộng đồng về công tác này chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn chưa coi trọng phát triển bền vững ảnh hưởng đến công tác ứng phó BĐKH. Chất lượng công tác dự báo và quy hoạch còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Tổ chức bộ máy, quản lý Nhà nước và việc phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ. Việc tổ chức thực hiện chủ trương xã hội hóa chưa chủ động, cương quyết nên chưa huy động được sự tham gia của các đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.

Để nâng cao hiệu quả lồng ghép vấn đề BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cần đề ra các giải pháp ứng phó với BĐKH có tính hệ thống, đồng bộ, liên ngành, liên vùng, trọng tâm, trọng điểm, dựa trên cơ sở khoa học, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống và kiến thức bản địa, tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội và các yếu tố rủi ro của BĐKH. Cụ thể là nghiên cứu xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật về lồng ghép vấn đề BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp với từng giai đoạn, hài hòa với các chính sách quốc gia. Đồng thời tăng cường sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong tổ chức chỉ đạo, phối hợp liên ngành về ứng phó với BĐKH. Nghiên cứu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức và nguồn nhân lực để ứng phó hiệu quả với BĐKH và hội nhập quốc tế. Xây dựng và triển khai hệ thống theo dõi, báo cáo, thẩm định trong các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong nước và quốc tế. Thiết lập cơ chế hỗ trợ cộng đồng dân cư, khuyến khích tổ chức phi Chính phủ tham gia vào các hoạt động này./. 

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com