Giao Xuân xây dựng hạ tầng đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu

08:10, 03/10/2018

Những năm gần đây, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu (BĐKH), cả nước đã nỗ lực đẩy mạnh hỗ trợ công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và BĐKH cho các địa phương tuyến biển. Là xã giáp biển, hằng năm xã Giao Xuân (Giao Thủy) thường hứng chịu từ 3-5 cơn bão. Do vậy Đảng ủy, UBND xã đã chủ động lồng ghép nhiều mục tiêu PCTT và chống BĐKH trong xây dựng hạ tầng NTM theo hướng xây dựng mô hình xã an toàn PCTT.

Đường dong ngõ tại xóm Xuân Tiên, xã Giao Xuân (Giao Thủy) được nâng cấp đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa bão.
Đường dong ngõ tại xóm Xuân Tiên, xã Giao Xuân (Giao Thủy) được nâng cấp đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa bão.

Đồng chí Trần Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Giao Xuân cho biết: “Cùng với đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã cũng chủ động ưu tiên lồng ghép các kế hoạch, mục tiêu về ứng phó với thiên tai và BĐKH vào định hướng xây dựng hạ tầng trên địa bàn xã. Trong đó, chủ động ưu tiên xây dựng lĩnh vực giao thông, thủy lợi, kiên cố các công trình nhà ở, trạm y tế, trường học công trình hỗ trợ cảnh báo về thiên tai, rừng phòng hộ ven biển đảm bảo phục vụ tốt PCTT và BĐKH”. Theo đó, mạng lưới hạ tầng giao thông nông thôn của xã được triển khai nâng cấp đồng bộ từ đường trục, đường liên thôn xóm, dong ngõ xóm đến đường trục chính nội đồng. Năm 2017, xã đã hoàn thành xây dựng 2,4km đường liên xã từ nguồn vốn hỗ trợ của dự án vườn quốc gia Xuân Thủy, 2,4km đường Bình Xuân giai đoạn 2 phía tây sông CA21; 1,7km đường liên xã từ Giao Xuân - Giao Hải. Các hộ dân tự nguyện hiến đất làm đường nội đồng với tổng diện tích 162.386m2; tổ chức đào đắp 28,1km đường giao thông nội đồng. Ngoài ra, nhân dân các xóm cũng đóng góp vốn để kiên cố hóa 20,7km đường dong ngõ xóm với giá trị hơn 4 tỷ đồng và 710m đường nội đồng với số tiền hơn 200 triệu đồng. Chủ động kiên cố hóa 1,9km đường vành đai phòng chống bão lũ xóm Xuân Minh - Xuân Châu. Xã hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống thoát nước tại khu dân cư trung tâm xóm Thị Tứ và các xóm lân cận đảm bảo không bị ngập úng trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, với đặc thù xã ven biển, hệ thống thủy lợi cũng được xã đặc biệt quan tâm củng cố nhằm đảm bảo tiêu thoát úng tốt, chủ động ngăn ngừa tốt thiên tai và chống xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Hằng năm, xã chủ động làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, cải tạo 23,2km kênh mương cấp 3. Đồng thời, xây dựng mới, sửa chữa 25 cầu, cống gồm cầu Vạn Xuân, 3 cầu liên xã (ở xóm Xuân Thắng, Xuân Thọ, Thị Tứ), 4 cầu trên đường Bình Xuân, nâng cấp cầu liên xã Giao Xuân - Giao Lạc. Tuyến sông tiêu chính CA21 dài 2,8km chạy dọc xã mới được cải tạo nâng cấp kè hai bên bờ với tổng mức đầu tư gần 14 tỷ đồng đã góp phần không nhỏ nâng cao năng lực tưới tiêu, cải tạo cảnh quan môi trường dọc hai bên sông. Đây được coi là công trình trọng điểm hỗ trợ xã giảm thiểu rủi ro về thiên tai, nâng cao năng lực phòng chống bão và tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó, xã đã lắp đặt bổ sung và thay mới 5 trạm biến áp hạ thế tại các xóm Xuân Tiến, Xuân Thọ, Thị Tứ, Xuân Tiên và Xuân Hùng đảm bảo nguồn điện phục vụ cho hoạt động sản xuất ngao và chiếu sáng công cộng tại đường dong ngõ xóm. Các nhà văn hóa xóm: Xuân Thắng, Xuân Hùng, Xuân Châu, Xuân Hoành, Thị Tứ cũng được đầu tư trên 1,6 tỷ đồng nâng cấp về hạ tầng và cơ sở vật chất. Chợ Thị Tứ cũng đã được cải tạo đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư 907 tỷ đồng. Hệ thống loa truyền thanh được xã tiến hành nâng cấp trang thiết bị và lắp đặt phù hợp ở các khu dân cư, đặc biệt là khu dân cư có nguy cơ cao trong thiên tai, thảm họa đảm bảo yêu cầu truyền thông cảnh báo giúp cộng đồng nắm bắt thông tin kịp thời về thiên tai thảm họa liên quan tới địa phương để chủ động phòng ngừa cũng như tham gia công tác PCTT của địa phương. Về hạ tầng trường học, xã đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng công trình nhà học 2 tầng 8 phòng học trường mầm non với tổng giá trị công trình là 5,5 tỷ đồng, 23 phòng học trường tiểu học tổng kinh phí 6,6 tỷ đồng; phối hợp xây dựng mô hình trường học an toàn tại trường mầm non và trường tiểu học, thành lập ban quản lý rủi ro thảm họa trường học có sự tham gia của giáo viên và phụ huynh. Các công trình đều đạt tiêu chuẩn về chất lượng kỹ thuật, bố trí hợp lý trong các khu dân cư, đảm bảo đầy đủ thiết bị, không gian tránh trú bão an toàn. Đối với công tác môi trường, xã xây dựng lò đốt rác đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật với tổng giá trị đầu tư ước thực hiện 1,8 tỷ đồng; phát động phong trào và đầu tư trang bị hệ thống thùng rác đảm bảo phân loại rác vô cơ và hữu cơ ngay từ nguồn dọc các tuyến đường trục chính trong các khu dân cư. 100% các hộ dân trong xã đã được sử dụng nước sạch cung cấp từ Nhà máy nước Giao Tiến. Triển khai bổ sung trồng hằng năm 200-300 cây cho rừng phòng hộ ven biển, đồng thời trồng cây xanh trên các trục đường chính khu trung tâm xã, các trục liên thôn xóm ở Xuân Ninh, Xuân Châu, nâng cao năng lực PCTT.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng với người dân, năm 2017 xã đã được công nhận là xã NTM với hạ tầng đáp ứng tốt các tiêu chí xã an toàn thiên tai. Thời gian tới, xã tiếp tục tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh và các nguồn vốn khác hoàn thiện hạ tầng đầu tư nhà văn hóa trung tâm xã, khởi công xây dựng khu dân cư tập trung mới tại xóm Thị Tứ, hỗ trợ tái định cư cho dân cư tại vùng có nguy cơ cao về thiên tai. Nâng cấp cơ sở hạ tầng trường học đảm bảo tất cả các trường học đều an toàn về thiên tai. Tiến tới quy hoạch khu sản xuất ngao tập trung. Phát triển hạ tầng du lịch sinh thái cộng đồng bền vững tại các xóm./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com