Xuân Trường phát triển công nghiệp, làng nghề

08:09, 04/09/2018

8 tháng đầu năm 2018, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất CN-TTCN của huyện Xuân Trường vẫn ổn định với kết quả khả quan: giá trị sản xuất CN-TTCN (giá hiện hành) ước đạt 3.591,3 tỷ đồng, tăng 10,41% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm, chủ lực của huyện như: cơ khí, dệt may, chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến gỗ; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu… đạt tốc độ tăng trưởng khá và tạo việc làm cho 29 nghìn lao động. 

Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Cty CP May Sông Hồng, Thị trấn Xuân Trường.
Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Cty CP May Sông Hồng, Thị trấn Xuân Trường.

Để đạt được kết quả trên, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, khi xây dựng kế hoạch năm 2018 huyện Xuân Trường đã xác định nhiệm vụ phát triển sản xuất CN-TTCN là: phát triển công nghiệp cơ khí; đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy làm trọng tâm, đồng thời khuyến khích phát triển các nghề: mây, tre đan, đồ sơn mài gia dụng, dệt may, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển công nghiệp phụ trợ cho các huyện xung quanh như: Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh. Các xã chưa có nghề chủ động đưa các nghề mới phù hợp với khả năng, thế mạnh phát triển của địa phương. Phòng Công thương huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện sử dụng linh hoạt nguồn vốn từ Quỹ Khuyến công quốc gia kết hợp với nguồn vốn từ Đề án 1956 tập trung đào tạo ngắn hạn các nghề: may công nghiệp, sửa chữa cơ khí, sản xuất mây, tre đan... cho lao động địa phương để vừa tiết kiệm thời gian, vừa liên tục bổ túc kỹ thuật mới cho công nhân. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong các CCN, làng nghề; tích cực thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa bàn, huyện Xuân Trường đã tập trung triển khai các dự án, công trình nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: dự án cải tạo, nâng cấp đường Bắc - Phong - Đài; lập chủ trương xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường Xuân Thủy - Nam Điền dài 2,6km; triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực chân cầu Lạc Quần; tập trung giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 498C (tuyến nhánh). Đồng thời, UBND huyện cũng chỉ đạo Phòng Công thương phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng các CCN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và đã được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt. Theo đó, đến năm 2020 huyện Xuân Trường được quy hoạch 7 CCN với tổng diện tích 158,11ha. Trong đó có 5 CCN nằm trong quy hoạch cũ gồm các CCN: Xuân Tiến, huyện lỵ Xuân Trường, Xuân Bắc, Xuân Tân, cơ khí đóng tàu Thị trấn Xuân Trường; 2 CCN mới bổ sung là các CCN: Nam Điền (tổng diện tích 21ha) và Thượng Thành (tổng diện tích là 50ha)... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất CN-TTCN, đến nay, toàn huyện Xuân Trường đã phát triển được trên 400 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc đa dạng ngành nghề như: cơ khí, dệt may, chế biến gỗ, chế biến lương thực - thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu... 4 CCN tập trung của huyện đã thu hút được 55 dự án đầu tư thuộc nhiều ngành công nghiệp chủ lực như: CCN cơ khí đóng tàu Thị trấn Xuân Trường có 14 doanh nghiệp chuyên đóng mới và sửa chữa các phương tiện vận tải thủy; CCN Xuân Bắc có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ, cơ khí... đang hoạt động; CCN huyện lỵ Xuân Trường có 4 nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất các ngành công nghiệp chủ lực như: may công nghiệp, da giày... Các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện như: cơ khí (Xuân Tiến, Xuân Kiên); chế biến lương thực - thực phẩm (xóm 6, 7 xã Xuân Tiến); dệt chiếu (Xuân Ninh); thêu xuất khẩu và chế biến gỗ (Phú Nhai, Trà Đông - Trà Đoài của xã Xuân Phương)… đều hoạt động ổn định với gần 1.600 cơ sở, hộ cá thể tham gia sản xuất; thu hút hàng nghìn lao động địa phương tham gia với mức thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, từ nay đến cuối năm 2018 và các năm tiếp theo, huyện Xuân Trường chủ trương tiếp tục phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề theo quy hoạch. Hình thành các CCN mới gắn liền với các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Trong thời gian tới, huyện chủ trương tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (bằng nguồn vốn xã hội hóa) và tái cơ cấu sản xuất tại 4 CCN hiện có. Thực hiện dự án mở rộng CCN Xuân Tiến theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề vào CCN. Tích cực triển khai xây dựng các CCN mới: Thượng Thành, Nam Điền, Xuân Tân để tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Chú trọng thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từng bước hình thành các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, quy trình công nghệ tiên tiến trong các làng nghề cũng như ngoài làng nghề, ban hành các cơ chế chính sách để thu hút khuyến khích đầu tư vào địa phương, trong đó hỗ trợ một phần cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, dạy nghề, du nhập nghề mới bằng nguồn ngân sách của huyện; sử dụng hiệu quả quỹ khuyến công, khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề sản xuất, cải tiến công nghệ mới; tạo điều kiện, ưu tiên giao đất và miễn thuế đất cho các doanh nghiệp về đầu tư sản xuất tại các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn huyện. Phấn đấu trong năm 2018 thực hiện và hoàn thành vượt mức mục tiêu giá trị sản xuất CN-TTCN (giá so sánh năm 2010) đạt 4.007 tỷ đồng; giá trị hàng xuất khẩu quy đổi đạt 35 triệu USD./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com