Nâng cao chất lượng sản xuất giống gia súc, gia cầm

08:08, 13/08/2018

Những năm gần đây, xu hướng chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại ở tỉnh ta phát triển khá nhanh, là hướng đi phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo thêm điểm tựa, giúp người dân có điều kiện đổi mới, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngoài việc khuyến khích tăng trưởng, thay đổi quy mô sản xuất còn nhiều vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là từ khâu nâng cao chất lượng con giống.

Cán bộ Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh chăm sóc đàn lợn đực giống ông bà.  Bài và ảnh: Ngọc ánh
Cán bộ Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh chăm sóc đàn lợn đực giống ông bà.

Theo định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh xây dựng bộ giống gia súc, gia cầm thương phẩm có chất lượng cao cụ thể là: bộ giống lợn nuôi lấy thịt gồm các giống Yorkshire, Landrace, con lai 1/2 hoặc 3/4 máu ngoại (đực Duroc, Pietrain, Pidu, Yorkshire, Landrace). Bộ giống chuyên sản xuất lợn sữa gồm các giống nái Móng Cái, nái Móng Cái lai và đực ngoại (Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain). Bộ giống gà nuôi lấy thịt gồm các giống CP707, Ros308, Ros 508, Tam Hoàng, Kabie, Lương Phượng. Bộ giống gà nuôi lấy trứng gồm các giống ISA Brown, Ai Cập. Bộ giống thủy cầm nuôi lấy thịt gồm các giống: Super M, vịt bầu cánh trắng. Bộ giống thủy cầm nuôi lấy trứng gồm các giống vịt Khakicapell và vịt Triết Giang. Bộ giống bò nuôi lấy thịt gồm các giống lai Zebu và lai Sind. Hằng năm, nhu cầu của các hộ chăn nuôi trong tỉnh cần khoảng 2 triệu con giống lợn thịt, 36 nghìn lợn giống mẹ, trên 13 triệu con gà, 2 triệu con giống thủy cầm và 23 nghìn con giống trâu, bò. Tuy nhiên về năng lực sản xuất giống vật nuôi của tỉnh so với yêu cầu để thực hiện các mục tiêu trên vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị công ích sản xuất giống gia súc, gia cầm quy mô lớn là Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh và Cty CP Gà giống Châu Thành. Ngoài ra, có hơn 40 nghìn hộ cá thể nuôi lợn nái với khoảng 130 nghìn con lợn nái; 34 cơ sở khai thác tinh để thụ tinh nhân tạo quy mô mỗi cơ sở có từ 3-5 con đực; 298 cơ sở chăn nuôi lợn đực giống nhảy trực tiếp với gần 1.000 con lợn đực; gần 108 cơ sở ấp nở giống gia cầm với 182 máy ấp. Là cơ sở sản xuất giống thuộc Sở NN và PTNT quản lý, hằng năm, Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh cung cấp ra thị trường 900 con lợn giống bố, mẹ (đáp ứng 2,5% nhu cầu lợn bố mẹ toàn tỉnh); 2.300 con lợn thương phẩm, gần 40 nghìn liều tinh lợn ngoại (đáp ứng khoảng 15% nhu cầu về tinh lợn). Lượng con giống để nuôi thương phẩm và số liều tinh còn lại do gần 1.200 con lợn đực, 130 nghìn con lợn nái được nuôi lẻ trong dân cơ bản đáp ứng đủ số lượng với khoảng 2 triệu con giống thương phẩm/năm. Về giống gia cầm, Cty CP Gà giống Châu Thành là một trong 12 Trung tâm giống gốc quốc gia trực thuộc Bộ NN và PTNT đặt trên địa bàn tỉnh có nhiệm vụ sản xuất, nuôi giữ và nhân thuần các bộ giống gốc dòng thuần giữ gen các bộ giống gia cầm quý hiếm cho Nhà nước. Hiện Cty có 34 nghìn con gà giống (trong đó có 3.500 giống gà cụ kỵ Kabir và 1.000 giống gà ông bà Ross 308), với 15 nghìn gà mái khai thác, hằng năm Cty cung cấp ra thị trường 1,5 triệu con giống gà lông màu 1 ngày tuổi thương phẩm và 200 nghìn con gà giống bố mẹ. Với sản lượng trên, Cty đã cung cấp cho các trang trại và gia trại tại tỉnh là 800 nghìn con giống lông màu thương phẩm và 100 nghìn con gà giống bố mẹ, đáp ứng 5% nhu cầu giống gà của tỉnh (tương đương 15% nhu cầu giống gà lông màu). Lượng con giống còn lại các hộ chăn nuôi phải nhập từ tỉnh ngoài như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương… hoặc tự nhân giống. Các loại giống thủy cầm như vịt, ngan, ngỗng phải nhập từ tỉnh ngoài hoặc dân tự để giống theo kinh nghiệm truyền thống. Nằm trong xu thế chung của chăn nuôi cả nước, tỉnh ta gần như hoàn toàn bị động về con giống gia cầm, đặc biệt là giống gà, vịt. Về giống trâu, bò, Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh là đơn vị duy nhất trong tỉnh thực hiện việc thụ tinh nhân tạo bò và cung ứng được 600 liều tinh bò với số lượng bò cái giống được thụ tinh là 500 con. Toàn bộ số trâu, bò còn lại do người dân tự nhân giống và mua từ tỉnh ngoài. Những con số thống kê ở trên cho thấy hệ thống sản xuất giống vật nuôi của tỉnh ta hiện nay nhìn chung còn thiếu và yếu. Ngoài giống lợn, nhiều loại giống vật nuôi khác ở tỉnh chưa hình thành được hệ thống sản xuất giống đồng bộ. Năng lực sản xuất, năng lực nghiên cứu chọn tạo giống còn hạn chế. Nhiều loại con nuôi chủ lực vẫn chưa sản xuất đủ giống ở trong tỉnh, còn phải nhập số lượng lớn từ nơi khác. Nói về nguyên nhân của những tồn tại trên, đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật của các cơ sở sản xuất giống của tỉnh đã lạc hậu, xuống cấp hoặc còn thiếu, chưa được quan tâm đầu tư nên chưa đáp ứng được yêu cầu chọn lọc, nâng cao năng suất, chất lượng giống. Trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu và công nhân kỹ thuật còn hạn chế, chưa đủ năng lực tiếp thu kỹ thuật, công nghệ mới. Một số doanh nghiệp chuyên sản xuất con giống chưa quan tâm tìm hiểu xu thế và nhu cầu thị trường, chưa mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, sản xuất chọn tạo giống. Sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước chưa tương xứng với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác giống trong ngành chăn nuôi. Hiện nay, vẫn còn thiếu chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giống vật nuôi.

Từ thực trạng nêu trên, các địa phương, cơ sở và người chăn nuôi đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp khắc phục khó khăn nên nhiệm vụ nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh vẫn đạt được những kết quả khả quan. Hiện các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống vật nuôi được áp dụng như: giống lợn sử dụng các giống lợn ngoại Landrace,  Yorkshire,  Pietrain, Duroc,  Pidu, Pi75… để tạo con lai có 1/2 đến 3/4 và 100% máu ngoại; giống gà: ISA Brown, Lương Phượng, Ai Cập…; giống vịt chuyên thịt Super M, chuyên trứng Triết Giang... được nuôi phổ biến ở các trang trại, gia trại. Đàn bò được cải tạo cơ bản theo hướng Sind hóa. Tỉnh đã đầu tư kinh phí cho Trung tâm Giống gia súc, gia cầm xây dựng cơ sở mới ở xã Nam Cường (Nam Trực) để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu sản xuất cung cấp con giống chất lượng tốt cho người chăn nuôi trong tỉnh. Đồng chí Cao Xuân Thắng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Vừa qua, tỉnh đầu tư thêm cho Trung tâm 100 con lợn giống ông bà. Trước đó, cuối năm 2017, Trung tâm đã chủ động nhập 74 con, nâng tổng đàn ông bà của Trung tâm lên 374 con, trong đó có 359 con nái, 15 con đực. Đặc biệt trong số đó có dòng lợn mới cho năng suất cao như: Landrace Mỹ, Landrace Đài Loan, Yorkshire Đài Loan, Yorkshire Mỹ, Duroc Đài Loan... để nâng cao chất lượng đàn lợn của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đang tiếp tục đầu tư trên 60 tỷ đồng xây dựng thêm trại giống ở xã Hải Sơn (Hải Hậu) thuộc Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh. Với sự giúp đỡ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Cty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông đang đầu tư xây dựng Trung tâm giống lợn chất lượng cao tại Hải Hậu chuyên cung cấp giống lợn cho Nam Định và các tỉnh lân cận. Để nâng cao năng lực nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống của các đơn vị, doanh nghiệp, nhằm cơ bản chủ động được nguồn cung ứng giống vật nuôi chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi hàng hóa và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong những năm tới, Sở NN và PTNT đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, hỗ trợ phát triển các vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao; bố trí kịp thời nguồn kinh phí hằng năm để hỗ trợ các dự án xây dựng hoàn thiện hệ thống sản xuất giống của một số con nuôi chủ lực; tiếp tục hỗ trợ đầu tư về hạ tầng sản xuất và cơ sở vật chất kỹ thuật cho một số doanh nghiệp có tiềm năng về sản xuất giống. Đầu tư bổ sung trang thiết bị cần thiết cho Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh đáp ứng yêu cầu nhân và truyền giống. Tập trung đầu tư, phát triển nhanh các giống lợn lai kinh tế có 3-4 máu ngoại với tỷ lệ máu ngoại trên 80%; bò lai Zebu và lai Sind hướng thịt; gà công nghiệp chuyên thịt, chuyên trứng, gà thả vườn, gà địa phương; vịt, ngan chuyên thịt và trứng. Hỗ trợ, tạo điều kiện về quỹ đất và hạ tầng cho các vùng chăn nuôi trang trại tập trung. Hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ thống sản xuất giống lợn, gia cầm và bò; đầu tư, nâng cấp và nâng cao năng lực sản xuất giống cho Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh và 2-3 trang trại sản xuất giống vật nuôi trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com