Dự án củi ép sinh học tiết kiệm nhiên liệu cho vùng nông thôn

04:08, 10/08/2018

Dự án củi ép sinh học, ứng dụng bếp đun tiết kiệm nhiên liệu cho vùng nông thôn được đại diện cho nông dân Nam Định tham gia cuộc thi “Tôi là Nông dân 4.0” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Tác giả dự án là anh Lê Trường An, sinh năm 1990, ở xóm 1, xã Giao Long (Giao Thủy). Sản phẩm bếp đun tiết kiệm nhiên liệu do Lê Trường An sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền về một loại bếp “có một không hai” với nhiều tính năng độc đáo. Hiện tại anh là chủ của một doanh nghiệp chuyên cung cấp chất đốt sinh học như: củi trấu ép, viên nén mùn cưa, than hoạt tính...

Nền kinh tế thế giới đang trên đà phát triển, nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng trong khi nguồn năng lượng trong tự nhiên như than, dầu khí… đang dần cạn kiệt. Vì vậy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Trăn trở với vấn đề này, dù tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá, ra trường đi làm với mức lương khởi điểm 4,5 triệu đồng/tháng ở Hà Nội nhưng An đã bỏ việc để về quê nghiên cứu và phát triển sản xuất củi ép sinh học. Chia sẻ với chúng tôi, An cho biết: “Công việc tiếp thị thị trường cho phép An được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều mô hình kinh doanh độc đáo. Trong một lần đi công tác vào miền Tây, thấy bà con nông dân sử dụng chất đốt sinh học trong đun nấu khá hiệu quả, tôi nảy ra ý định bắt tay vào việc thành lập Cty chuyên phân phối sản phẩm này”. Nghĩ là làm, anh nộp đơn xin nghỉ việc chỉ sau 6 tháng đi làm. Quyết định này của An vấp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình. Bố mẹ anh nhất quyết “bắt” An trở lại thành phố “an phận” làm công việc văn phòng với mức lương ổn định. Với mọi người, quyết định của An khi ấy là một sự liều lĩnh, thậm chí điên rồ. Một sinh viên vừa ra trường, tiền không có, kinh nghiệm cũng không nhưng lại muốn làm ông chủ thì thành công gần như là điều không tưởng. Thế nhưng, với lý tưởng của tuổi trẻ, có lợi thế là sự nhanh nhẹn, nhiệt huyết và sáng tạo, An luôn nghĩ: “Mình đi làm văn phòng dù lương có cao đến đâu cũng chỉ là người làm thuê, làm giàu cho người khác. Tại sao lại không sử dụng “chất xám” của bản thân để làm giàu và tạo sự nghiệp cho chính mình?”. Nghĩ là làm, An kiên trì thuyết phục bố mẹ, đồng thời đứng ra vay mượn bạn bè, người thân khoảng 200 triệu đồng để đầu tư kinh doanh. Vốn ít nên An cố gắng tính toán để giảm chi phí một cách tối đa. Anh phân chia thành từng khoản, một phần anh sử dụng vào việc mua máy ép công nghiệp, một phần làm vốn để đảm bảo quay vòng sản phẩm. Trong thời gian sản xuất củi ép sinh học, An nảy ra ý tưởng sáng chế một loại bếp an toàn, tiết kiệm nguyên liệu và phù hợp với bà con nông dân. Anh lên mạng tìm hiểu thông tin, đọc các tài liệu nước ngoài rồi lặn lội lên các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, có khi lại vào tận các tỉnh miền Tây, Thanh Hóa, Nghệ An… để tìm hiểu các loại bếp mà bà con sử dụng. “Mỗi chuyến đi, mình đều mua về đến hàng chục loại bếp, rồi nghiên cứu, tìm hiểu cơ chế hoạt động, cũng như ưu, nhược điểm của từng loại bếp. Mình nhận thấy rằng, hầu hết các loại bếp này đều có thời gian đun nấu dài, tốn nguyên liệu, lại có cấu tạo sơ sài nên chỉ dùng được một thời gian ngắn là hỏng”, An cho biết thêm.

Sau khoảng 3 tháng tổng hợp tư liệu, mày mò, chàng kỹ sư cơ khí đã cho ra đời bản vẽ đầu tiên. An cho biết, so với những loại bếp trên thị trường, chiếc bếp sinh học này có những cải tiến và đột phá hơn hẳn. Nguyên lý của bếp được áp dụng công nghệ khí hóa, lớp vỏ bằng inox và khoảng 5 lớp cách nhiệt, không nóng nên an toàn cho người sử dụng. Bếp bao gồm: hệ thống lòng bếp chứa nguyên liệu, quạt gió, hộp điện với các nút điều chỉnh tốc độ nhiệt. Đặc biệt, bếp có hệ thống bình ắc quy nên có thể sử dụng ngay cả khi mất điện. Thời gian đun không cần tiếp nhiên liệu vào khoảng 1,2-1,5 tiếng đồng hồ. Để tiết kiệm chi phí, các công đoạn gia công một số bộ phận của bếp được An linh động đặt sản xuất ở các xưởng gia công đồ cơ khí theo dây chuyền hiện đại. Phương pháp này giúp An tiết kiệm được chi phí sản xuất vì không phải đầu tư dây chuyền riêng biệt vẫn có được những sản phẩm đảm bảo chất lượng nhờ độ chuyên nghiệp của đội ngũ thợ cơ khí có tay nghề. Nói về chiếc bếp đặc biệt của mình, An cho biết: “Bếp có thể thích hợp với mọi loại nguyên liệu từ thực vật: Củi trấu, củi mùn cưa, viên nén, cành cây, lõi ngô…, từ nguyên liệu khô cho đến những nguyên liệu ướt. Đặc biệt, bếp cháy không khói, không mùi nên có dễ dàng đun nấu, thậm chí bếp có thể cho vào ba lô tiện cho những chuyến đi du lịch. Nếu so với các loại bếp trên thị trường hiện nay, bếp có thời gian giữ nhiệt và tiết kiệm nguyên liệu từ 30-40%. Giá thành dao động từ 395-450 nghìn đồng/chiếc”. Vừa tiết kiệm chi phí lại thân thiện với môi trường, tuy nhiên những ngày đầu tung ra thị trường, sản phẩm này của An lại tiêu thụ khá chậm. Nhiều đại lý từ chối phân phối bởi mặt hàng này “quá mới mẻ”, chưa có ai sử dụng. Không nản chí, An quyết tâm đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Chàng kỹ sư cơ khí xây dựng một đội ngũ tiếp thị, phân phối bếp sinh học trực tiếp đến từng hộ gia đình. Bên cạnh đó, anh cũng tung ra các chương trình khuyến mại, dùng thử miễn phí cho bà con. Để sản phẩm được biết đến rộng rãi, anh thành lập website giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến. An cũng thường xuyên đưa sản phẩm của mình giới thiệu, trưng bày ở các hội chợ, triển lãm ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Nhờ có chiến lược kinh doanh hợp lý nên chỉ trong một thời gian ngắn, doanh số bán hàng tăng lên đáng kể. Nhiều đại lý đã liên hệ nhận làm cơ sở phân phối loại bếp sinh học này.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng nhờ sự đam mê, nhiệt huyết và sáng tạo, chỉ sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Cty Lam An của Lê Trường An đã cho doanh thu không hề nhỏ, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động với thu nhập ổn định và 10 lao động thời vụ. An cho biết anh đang nghiên cứu, nâng cấp các tính năng của bếp sinh học và dự định sẽ liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để đưa sản phẩm của mình ra nhiều nước trên thế giới. Với gần 12 đại lý phân phối trải dọc khắp cả nước, mỗi năm cơ sở của anh cung cấp ra thị trường gần 2.400 tấn củi ép, hơn 900 bếp tiết kiệm nguyên liệu, đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm.

Không chỉ được biết đến là một trong những tỷ phú trẻ sớm thành công trong kinh doanh, Lê Trường An còn là chủ nhân của vô số những giải thưởng lớn nhỏ. Năm 2014, An được Trung ương Đoàn Thanh niên trao giải thưởng Lương Đình Của cho những thanh niên trẻ có thành tích lao động điển hình. An cũng vinh dự là 1 trong 10 gương mặt trẻ xuất sắc, tiêu biểu giai đoạn 2009-2014 của tỉnh Nam Định. Sản phẩm bếp sinh học do An sáng chế cũng được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng sở hữu trí tuệ năm 2015 và được chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu huyện Giao Thủy (Nam Định)./.

Thanh Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com