Hỗ trợ xóa lò gạch thủ công truyền thống

08:04, 27/04/2018

Thực hiện Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 10-6-2014 của UBND tỉnh về kế hoạch lộ trình và mức hỗ trợ xóa bỏ lò gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền kết hợp chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc xóa lò gạch thủ công truyền thống. Tuy nhiên, đến hết quý I năm 2018, quá lộ trình đã đề ra, các lò gạch thủ công vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn trên địa bàn tỉnh.

Đến thăm ông Trần Đình Kế ở thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc), chúng tôi tận mắt chứng kiến đổi khác ở nơi đây. Thay vì những lò gạch thủ công truyền thống nhả khói, bụi gây ô nhiễm là xưởng sản xuất vật liệu xây dựng không nung nhộn nhịp xe vào, ra tấp nập. Tiếp chúng tôi, ông hồ hởi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có xây dựng 3 lò vòng đốt gạch thủ công truyền thống trên diện tích 1 mẫu ngay gần khu nhà ở. Với hơn 40 lao động, bình quân mỗi lần đốt được hơn 10 vạn viên. Tuy nhiên, công việc vất vả lại ô nhiễm môi trường xung quanh nên ngay khi UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ xóa bỏ lò gạch thủ công truyền thống, gia đình chúng tôi đã bàn bạc, quyết định chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung”. Được biết, ngay trong năm 2014, gia đình ông đã đầu tư 30 triệu đồng để thuê máy xúc, máy đào san phẳng 3 lò vòng, đồng thời đầu tư thêm 1 tỷ đồng để xây dựng dây chuyền sản xuất mới. Hiện tại, bình quân mỗi tháng cơ sở của ông Kế sản xuất được hơn 1,2 vạn viên gạch tiêu chuẩn, tạo việc làm ổn định cho 18 lao động với thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Gạch không nung của ông đã từng bước được người dân tin tưởng sử dụng trong xây dựng nhà cửa, các công trình của xã như trường mầm non, tiểu học Mỹ Tiến, xây dựng hệ thống cống rãnh thoát nước trên Quốc lộ 10 ở địa bàn Thị trấn Mỹ Lộc. Đây được xem là điển hình trong mô hình chuyển đổi từ lò gạch thủ công truyền thống sang hướng sản xuất mới đạt hiệu quả cao của huyện Mỹ Lộc.

Từ làm gạch thủ công truyền thống, ông Trần Đình Kế (bên trái) ở thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đã chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung thu hiệu quả kinh tế cao.
Từ làm gạch thủ công truyền thống, ông Trần Đình Kế (bên trái) ở thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đã chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung thu hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Trần Văn Mịch, Trưởng phòng Công thương huyện Mỹ Lộc chia sẻ: “Đến nay, với sự vào cuộc của các cấp, các ban, ngành của huyện, toàn bộ 35 lò gạch thủ công truyền thống trên địa bàn huyện đã được xóa bỏ hoàn toàn. Có 16 lò/9 hộ đã được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 13 với tổng kinh phí là 201,6 triệu đồng. Còn lại 19 lò không được hưởng hỗ trợ, trong đó có 14 lò thực hiện xóa bỏ không đúng theo lộ trình đã cam kết và 5 lò thực hiện xóa bỏ sau năm 2015”. Tương tự, huyện Vụ Bản cũng đã xóa hoàn toàn được 58 lò gạch thủ công truyền thống. Tuy nhiên, ngoài 2 huyện Mỹ Lộc và Vụ Bản đã hoàn thành kế hoạch, các địa phương khác vẫn còn rải rác lò gạch thủ công. Thống kê nhanh tại các huyện: Nghĩa Hưng còn 6/102 lò gạch thủ công; Trực Ninh còn 26/131 lò; Hải Hậu còn 4/60 lò; Giao Thủy còn 3/12 lò; Nam Trực còn 6 lò; Ý Yên còn 25/113 lò. Như vậy, trên toàn tỉnh còn 70 lò gạch thủ công truyền thống chưa được xóa hoàn toàn theo Quyết định 13 (phần lớn các lò đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn trả lại mặt bằng ban đầu theo quy định do thiếu kinh phí). Đây cũng là thách thức lớn nhất đối với mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như tại huyện Nam Trực chỉ còn 6 lò gạch ở 4 cơ sở của các ông: Hoàng Văn Thạnh, Vũ Văn Cường (3 lò - xã Nam Lợi); Nguyễn Văn Cường (1 lò - xã Nam Hải) và ông Lê Văn Hiện (2 lò - Thị trấn Nam Giang). Cả hai ông Vũ Văn Cường, thôn Ngọc Thượng và ông Hoàng Văn Thạnh, thôn Đồng Bản (Nam Lợi) đều đã ngưng đốt lò gạch nung truyền thống từ rất lâu, tuy nhiên do chi phí phá dỡ quá lớn, gia đình lại thuộc diện khó khăn nên cả hai hộ đều đề xuất hỗ trợ thêm kinh phí hoặc cho phép giữ khung lò để chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi gia trại VAC. Huyện Nam Trực cũng đang tích cực đề xuất phương án: UBND huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ pháp lý, tổ chức cưỡng chế phá dỡ theo đúng quy định. Kinh phí tổ chức cưỡng chế sẽ được cấp trực tiếp từ nguồn hỗ trợ cho chính cơ sở sản xuất gạch thủ công không tự tháo dỡ. 

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, Sở Xây dựng đang trình UBND tỉnh phương án tiếp tục bổ sung kinh phí hỗ trợ cho các chủ cơ sở có lò gạch thủ công đã xóa bỏ nhưng không đúng lộ trình theo Quyết định 13. Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ theo công suất thực tế đối với các lò gạch thủ công đã được phê duyệt tại Quyết định 13. Đối với lò vòng, lò đứng liên tục có danh sách trong Quyết định 13 và có đơn xin gia hạn thời gian xóa bỏ, đề nghị UBND tỉnh cho phép gia hạn nhưng không được hưởng kinh phí hỗ trợ. Đối với các lò thủ công đã được phê duyệt trong Quyết định 13 chưa thực hiện xóa bỏ, đề nghị UBND tỉnh cho phép UBND các huyện sử dụng kinh phí hỗ trợ để thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ hoàn trả mặt bằng theo quy định. Đối với lò gạch thủ công không có tên trong Quyết định 13, đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ theo quy định cho các hộ đã tháo dỡ; còn các hộ chưa tháo dỡ sẽ giao UBND huyện thực hiện việc tháo dỡ từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các hộ này. Các lò gạch thủ công xây dựng sau thời điểm ban hành Quyết định 13 sẽ không hỗ trợ kinh phí tháo dỡ, các huyện phải kiên quyết tổ chức cưỡng chế theo quy định. 

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn 70 lò gạch thủ công còn lại trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường đối thoại, tuyên truyền, vận động các chủ hộ cùng bàn bạc, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính tiến hành kiểm tra, thẩm định các hồ sơ đảm bảo cấp kinh phí hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng và báo cáo với UBND tỉnh để được hướng dẫn phương án xử lý kịp thời đối với các trường hợp trên. Các địa phương cần thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ, thường xuyên tổ chức họp bàn giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com