Sáng mãi tinh thần "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt"

06:04, 27/04/2018

Thành Nam, những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi lại về Tổng Cty CP Dệt may Nam Ðịnh, cái nôi cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam, là nơi chi bộ Ðảng được sớm thành lập ngay từ những ngày đầu Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời và cũng là chi bộ Ðảng đầu tiên của tỉnh Nam Ðịnh. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh của dân tộc, đặc biệt là kháng chiến chống Mỹ, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, khốc liệt của hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” tập thể cán bộ, công nhân viên Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Ðịnh (tiền thân của Tổng Cty CP Dệt may Nam Ðịnh), đã vững vàng “Tay búa tay súng, tay thoi tay súng” vừa sản xuất, vừa chiến đấu; đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Sản xuất sợi nguyên liệu tại Nhà máy Sợi, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, KCN Hòa Xá (TP Nam Định).
Sản xuất sợi nguyên liệu tại Nhà máy Sợi, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, KCN Hòa Xá (TP Nam Định).

Những năm kháng chiến chống Mỹ, Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Ðịnh chiếm tới 1/6 diện tích Thành phố Nam Ðịnh; là một trong những cơ sở sản xuất công nghiệp quan trọng của cả miền Bắc. Theo lịch sử Ðảng bộ Nhà máy, thực hiện chủ trương của cấp trên, đảm bảo sản xuất trong điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, từ năm 1963, Ðảng uỷ Nhà máy chủ trương chuyển dần các bộ phận gián tiếp ra khỏi khu vực Nhà máy với khoảng cách từ 200-1.000m; chuyển hết nhà trẻ, lớp mẫu giáo, lớp bổ túc văn hoá của cán bộ và công nhân đến nơi an toàn. Bệnh viện, các phân xưởng cũng được phân tán thành nhiều trạm hoặc bộ phận đặt rải rác ở nhiều địa điểm. Thiết bị, máy móc được phân loại cụ thể, hợp lý để có kế hoạch di chuyển về các vùng an toàn; thành lập thêm các xí nghiệp mới như Xí nghiệp dệt bạt Hà Tây, Xí nghiệp cơ khí Nam Bình... Bổ sung và kiện toàn lực lượng tự vệ của nhà máy với số quân là 1.370 người, được trang bị vũ khí, biên chế và tổ chức theo đơn vị sản xuất. Năm 1965, khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Thành phố Nam Ðịnh là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt. Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Ðịnh đã sơ tán thành 10 đơn vị sản xuất (ký hiệu là B) đi các nơi trong và ngoài tỉnh như: Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Bắc, Thái Bình, Lạng Sơn để tiếp tục sản xuất. Riêng B2 với một phần ba máy móc và 4.610 cán bộ, nhân viên duy trì cùng lúc hai nhiệm vụ chiến đấu và sản xuất tại Thành phố Nam Ðịnh. Giữa lúc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày càng ác liệt, ý chí, tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt” đã được lan tỏa không chỉ ở B2 mà còn ở tất cả các B. Ðể đảm bảo vừa sản xuất, vừa chiến đấu, Ðảng ủy Nhà máy đã phát động phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để giảm cường độ lao động, đảm bảo sản xuất trong điều kiện nhà xưởng chật chội thời chiến. Nhiều sáng kiến như: cải tiến máy guồng chạy điện thành máy guồng thủ công; hãm máy dệt nhanh khi có báo động… đã được áp dụng vào thực tế sản xuất. Các thành viên Ðội tự vệ trực chiến của Nhà máy tranh thủ những lúc máy bay giặc ngừng đánh phá thì làm việc, khi có còi báo động thì sẵn sàng chiến đấu, vận chuyển máy móc, thu dọn các điểm bị máy bay địch bắn phá. Các phong trào “tay thoi, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “đội bom mà sản xuất”, “địch đánh ngày, ta sản xuất đêm”, “địch đánh cả đêm ta sản xuất cả ba ca”… diễn ra sôi nổi. Với ý chí “địch đến là đánh, địch chạy lại sản xuất”, trong điều kiện gần 80% nhà xưởng, hầm hào; 20% máy móc, thiết bị bị phá hủy…, B2 vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất. Năm 1967, Nhà máy đã hoàn thành vượt chỉ tiêu trên 81,5 nghìn mét vải; năm 1968 hoàn thành vượt mức kế hoạch 10,2%. Trong quá trình vừa sản xuất, vừa chiến đấu, Nhà máy đã phát triển được hàng trăm tổ, đội lao động xung kích; hàng trăm công nhân điển hình được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng các loại huân, huy chương và danh hiệu như: Tổ lao động XHCN, Tổ thanh niên làm theo lời Bác, Anh hùng Lao động… Trong đó có 1 tập thể là tổ 1 sợi con ca A Sợi I và thợ dệt Ðào Thị Hào được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Trong số hơn 4.000 công nhân ở lại Nhà máy đã có gần 600 người được khen thưởng. Không chỉ đóng góp trên mặt trận sản xuất, Nhà máy đã động viên hàng trăm cán bộ, công nhân nhập ngũ tham gia chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, bảo vệ Tổ quốc. Sau 6 năm sơ tán vừa sản xuất vừa chiến đấu, đến năm 1970 theo lệnh của Chính phủ, Nhà máy Liên hợp Dệt được tập kết về vị trí cũ với nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, trở lại quy mô trước khi bước vào cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, sẵn sàng sơ tán, đánh trả khi Mỹ tiếp tục leo thang đánh phá miền Bắc. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Nhà máy đã nhanh chóng hoàn thành công tác tập kết, phục hồi và phát triển sản xuất, tổ chức tổng kết và phổ biến kinh nghiệm xây dựng và phát triển các “tổ tự quản”. Công nhân các xưởng nô nức, phấn khởi thực hiện khẩu hiệu “ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thao diễn kỹ thuật, bật điển hình, trở thành thợ giỏi” qua các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi từ cấp tổ, buồng máy, xưởng và toàn Nhà máy. Nhờ đó, đầu năm 1972, Nhà máy đã phục hồi và đạt năng suất bằng 75% so với trước khi sơ tán. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu trong điều kiện thiết bị, nhà xưởng bị bom đạn tàn phá hư hỏng nhiều, lại thiếu lực lượng lao động, nhưng với khí thế thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”, với phong trào “10 triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt” năm nào Nhà máy cũng hoàn thành và vượt kế hoạch cả về sản phẩm và giá trị. Liên tục 3 năm (1973-1975), mỗi năm Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Ðịnh đều vượt kế hoạch từ 1 triệu đến 1,5 triệu mét vải và 18 nghìn tấm chăn kịp thời phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân cả trong tỉnh, ngoài tỉnh và phục vụ quốc phòng.

Những tháng ngày hào hùng, oanh liệt, với tinh thần xả thân, nỗ lực thực hiện phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt” vẫn là truyền thống quý báu, là hành trang quan trọng của lớp lớp cán bộ, công nhân Tổng Cty CP Dệt may Nam Ðịnh hôm nay. Phát huy truyền thống, vun đắp tương lai, Tổng Cty CP Dệt may Nam Ðịnh vẫn vững vàng ở vị trí doanh nghiệp đầu ngành của ngành Dệt may toàn quốc. Năm 2017, giá trị sản xuất của Tổng Cty CP Dệt may Nam Ðịnh đạt trên 1.040 tỷ đồng; tổng doanh thu đạt hơn 1.473,4 tỷ đồng, vượt kế hoạch 5,24% và tăng 12,46% so với năm 2016; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 507 tỷ đồng; thu nhập bình quân của công nhân được nâng lên mức trên 5,2 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2017, Tổng Cty đã đầu tư thực hiện dự án di dời các nhà máy ra KCN Hòa Xá, đầu tư mua sắm tài sản cố định (đầu tư thiết bị sợi; cải tạo hệ thống điều không…). Năm 2018, Tổng Cty phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.380 tỷ đồng; tổng doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng; doanh thu xuất khẩu đạt 750 tỷ đồng./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com