Nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp

08:09, 19/09/2017

Để tăng cường quản lý việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) của doanh nghiệp, nhiều địa phương đã tích cực vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lập cam kết, đề án BVMT đơn giản và triển khai thực hiện các biện pháp BVMT, đầu tư các công trình xử lý rác thải tập trung. Công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường từng bước được nâng cao.

Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài KCN, CCN đã đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung, được cấp phép xả thải theo tiêu chuẩn về nước thải công nghiệp. Trong giai đoạn 2012-2016, Sở TN và MT đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với 224 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thương mại; phối hợp với Tổng Cục môi trường, Ban Quản lý các KCN tỉnh kiểm tra 47 cơ sở. Lực lượng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) đã tham mưu cho UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh xử phạt và trực tiếp xử phạt hành chính 269 vụ vi phạm các quy định về BVMT. Một số dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đã được triển khai như: dự án xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường của 4 làng nghề, bao gồm làng Phượng xã Nam Phong và Phong Lộc, phường Cửa Nam (TP Nam Định); Cổ Chất xã Phương Định (Trực Ninh); Văn Anh xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng). Dự án “Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề cơ khí Bình Yên xã Nam Thanh huyện Nam Trực” đã hoàn thành các gói thầu giai đoạn I, gồm: thu gom, xử lý tro xỉ tồn dư, xây dựng trạm xử lý nước thải, nhà trung chuyển chất thải nguy hại, nhà điều hành xử lý và hệ thống thu gom nước thải về trạm xử lý. Các dự án đã bước đầu hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường của các làng nghề trên. Năm 2016 Sở TN và MT đã lập đề án điều tra, đánh giá ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh làm cơ sở đề xuất các giải pháp trong công tác quản lý môi trường làng nghề.

Vận hành hệ thống xả thải tại Trạm xử lý nước thải KCN Hoà Xá.
Vận hành hệ thống xả thải tại Trạm xử lý nước thải KCN Hoà Xá.

Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn thực hiện tương đối đầy đủ các thủ tục về môi trường và có các biện pháp, công trình BVMT. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ sản xuất nằm xen kẽ trong các khu dân cư chưa quan tâm đến vấn đề BVMT, có huyện chỉ có khoảng 10% hộ sản xuất đảm bảo thủ tục về môi trường. Chất thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hầu hết đều do các cơ sở này tự xử lý rồi thải ra môi trường tự nhiên hoặc chưa được thu gom, phân loại riêng với rác thải sinh hoạt. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các CCN chưa có thủ tục về môi trường còn cao 57%. Việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế như: chưa quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo quy định, chưa báo cáo quản lý chất thải nguy hại, chưa thu gom, lưu giữ và thuê đơn vị có đủ chức năng xử lý chất thải nguy hại. Qua khảo sát thực tế của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, có hiện tượng một số cơ sở sản xuất xả thải bừa bãi chất thải rắn, chất thải nguy hại ra môi trường xung quanh; khí thải, bụi thải của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ được xử lý sơ bộ hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Không chỉ trong các KCN, CCN, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài KCN, CCN ít quan tâm đến việc BVMT, chưa thực hiện các quy định này. Việc thiết kế, vận hành công trình BVMT tại các cơ sở sản xuất còn một số tồn tại như thiết kế không đúng so với báo cáo đánh giá tác động môi trường ban đầu; thiết kế đúng nhưng vận hành không đúng. Nhiều cơ sở sản xuất, trong đó có cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa có biện pháp hữu hiệu khắc phục ô nhiễm về tiếng ồn, khói bụi, mùi hóa chất; chưa đảm bảo về diện tích cây xanh trồng trong khuôn viên của doanh nghiệp theo quy định. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật BVMT của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng còn thiếu thường xuyên, sáng tạo, chưa đa dạng phong phú. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc lập kế hoạch và tổ chức theo dõi, trao đổi thông tin, tiếp nhận, giải quyết tin báo về vi phạm BVMT còn hạn chế. Chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh trong công tác BVMT. Công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thường xuyên. Việc xử lý các vi phạm về môi trường còn thiếu kiên quyết, nhiều địa phương chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, rút kinh nghiệm hoặc phạt nhưng cho tồn tại đối với các cơ sở vi phạm. Chưa áp dụng những biện pháp xử lý mạnh như: buộc phải di dời ra khỏi khu vực gây ô nhiễm, đình chỉ hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm hoặc tiến hành xử lý hình sự đối với vi phạm nghiêm trọng. Đội ngũ làm công tác BVMT tại nhiều địa phương chưa được quan tâm; số lượng cán bộ có kiến thức chuyên môn về BVMT còn rất ít. Việc xây dựng báo cáo môi trường định kỳ hằng năm chưa được UBND các cấp thực hiện.

Để nâng cao trách nhiệm BVMT của các doanh nghiệp, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ kiên quyết không tiếp nhận các dự án đầu tư có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng các quy định của pháp luật môi trường. Sở TN và MT tham mưu kịp thời ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về BVMT để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt, xác nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường; chú trọng đến khâu xác nhận hoàn thành công trình, nội dung liên quan đến công tác BVMT của các dự án. Yêu cầu các dự án có mức độ phát thải lớn phải đầu tư hệ thống giám sát môi trường chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường việc quan trắc, giám sát môi trường; tổ chức thực hiện quan trắc theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành kiểm tra, thanh tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về BVMT. UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, tập trung hoàn thiện các thủ tục môi trường đối với các CCN và các xã có làng nghề. Trên cơ sở quy hoạch các CCN đã được phê duyệt, chủ động tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực để đầu tư hạ tầng, đồng thời có giải pháp di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề hoặc trong các khu dân cư có ngành nghề sản xuất không thuộc danh mục ngành nghề được khuyến khích phát triển và chưa có các biện pháp BVMT theo quy định vào CCN. Trường hợp không chấp hành việc di dời thì cần có các biện pháp kiên quyết yêu cầu chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc chấm dứt hoạt động. Cùng với việc tăng cường nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước từ các cấp, ngành chức năng, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động khắc phục những bất cập trong công tác BVMT, nghiêm túc thực hiện các biện pháp BVMT như đã cam kết; thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về công tác BVMT, nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp cũng như tuyên truyền, giúp người lao động nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia BVMT trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh vì sự phát triển xanh, bền vững./.

Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com