Phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Thị trấn Cổ Lễ

08:11, 22/11/2016
Là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện Trực Ninh, lại liền kề với các làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi như Dịch Diệp, Nhự Nương, Cự Trữ (dệt truyền thống); Cổ Chất (ươm tơ); Trung Lao (mộc mỹ nghệ)…, những năm gần đây, Thị trấn Cổ Lễ đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Trong đó sản xuất CN-TTCN đã trở thành mũi nhọn kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các làng nghề phát triển, góp phần tích cực vào quá trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Đặc biệt các nghề: sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ; da giày, may công nghiệp, dệt truyền thống, xây dựng ngày càng phát triển nhờ sự đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng. 

 Được sự quan tâm chỉ đạo của huyện, Đảng ủy, UBND Thị trấn Cổ Lễ đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển CN-TTCN và tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh trật tự cho các hộ dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất. Trên địa bàn thị trấn có 1 CCN huyện với tổng diện tích gần 10ha, thu hút 19 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề: tái chế phôi thép, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt, may công nghiệp… với tổng mức đầu tư trên 55,2 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp tại CCN Cổ Lễ đều sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.500 lao động. Để khuyến khích đẩy mạnh sản xuất CN-TTCN, Đảng ủy thị trấn chủ trương hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực, kích cầu đầu tư. Đối với các hộ sản xuất, kinh doanh, ngoài việc tạo điều kiện về thủ tục pháp lý, đất đai mở rộng sản xuất, tổ chức dịch vụ, khuyến khích truyền dạy nghề, UBND thị trấn còn tạo thuận lợi để nhân dân có thể vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH, Quỹ tín dụng nhân dân và các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của các tổ chức Hội Nông dân, Hội LHPN. Nhờ đó, trong giai đoạn 2011-2015 và những tháng đầu năm 2016, sản xuất CN-TTCN của thị trấn luôn giữ tốc độ tăng trưởng từ 15-17% năm. Thị trấn Cổ Lễ hiện đã phát triển được 44 doanh nghiệp với đa dạng các ngành nghề: mộc mỹ nghệ; dệt may; xây dựng… Ngoài ra, trong năm 2015, thị trấn còn thu hút được một dự án nước ngoài với tổng mức đầu tư trên 540 tỷ đồng của Cty TNHH Da giày AMARA. Hiện tại, Cty đã đi vào sản xuất ổn định, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động. Trước đây nghề mộc mỹ nghệ và dệt khăn truyền thống chỉ có ở các thôn Kênh, Song Khê, Nghĩa Sơn, Đình Cựu… nhưng nay đã phát triển ra 10 khu phố của thị trấn, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương. Nhiều cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình trong các làng nghề, phát triển thành Cty chuyên doanh các sản phẩm nghề dệt như: Doanh nghiệp tư nhân Lương Anh, Cty CP Dệt may Vĩnh Giang... Cty TNHH Minh Tăng, Lương Văn Quyết... chuyên doanh đồ gỗ dân dụng, mỹ nghệ. Ông Mai Trường Giang, Giám đốc Cty CP Dệt may Vĩnh Giang cho biết: “Cty hiện có 30 máy dệt cải tiến và 30 máy giao cho các hộ dân làm tại nhà chuyên dệt khăn, 40 máy may công nghiệp với trên 100 lao động. Mỗi ngày, Cty sản xuất được từ 450-500 sản phẩm khăn xuất khẩu. Cty hiện thu hút trên 100 lao động thường xuyên, trong đó phần lớn là người địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của Thị trấn Cổ Lễ phát triển mạnh mẽ ở khu vực đường Hữu Nghị, làng nghề Mộc Kênh, thôn Đông Đò. Đến nay, làng Mộc Kênh đã có hơn 300 hộ mở xưởng sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề Mộc Kênh đã được UBND tỉnh công nhận đủ tiêu chí làng nghề của Bộ NN và PTNT năm 2014. Cty TNHH Điện tử Minh Tăng (đường Hữu Nghị) trước đây chuyên kinh doanh thiết bị trong lĩnh vực công nghệ thông tin - điện tử. Năm 2009, khi thị trường sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử có dấu hiệu bão hòa, Cty đã đầu tư vào chế biến lâm sản và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Anh Đinh Minh Tăng, Giám đốc Cty cho biết: Để đầu tư lĩnh vực mới, anh đã đi học hỏi kinh nghiệm ở các làng nghề truyền thống và đã đầu tư trên 200 triệu đồng mua 1 máy chạm khắc gỗ sử dụng công nghệ CNC-3D. Nhờ được lập trình và điều khiển bằng máy tính, công đoạn chạm khắc thủ công các chi tiết hay các cấu trúc 3 chiều phức tạp đều được máy móc xử lý, đạt độ chính xác cao, đảm bảo thẩm mỹ, mẫu mã sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại nên các sản phẩm tinh xảo như: tràng kỷ, sập gụ, tủ chè, các đồ thờ… của Cty có sức cạnh tranh cao. Hiện tại, Cty đã có 4 máy chạm khắc gỗ sử dụng công nghệ CNC-3D với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng và hàng chục máy móc chuyên dụng tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Thôn Đông Đò có trên 20 hộ gia đình làm nghề mộc với 6, 7 xưởng mộc lớn, 15 xưởng vừa và nhỏ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân đạt 3-5 triệu đồng/người/tháng. Sử dụng các loại gỗ như: dổi, đinh hương, huỳnh đàn, chò, lim, gụ… để đóng hàng nên đồ gỗ của thôn hiện được khách hàng ưa chuộng vì độ chắc chắn, bền, đẹp. Sản phẩm của làng vì thế có thể theo chân những thợ mộc tài hoa đi nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc như: Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương hay vào tận các tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… Bên cạnh các nghề truyền thống, các nghề mới như: xây dựng (dân dụng và công nghiệp), cơ khí, may công nghiệp… của thị trấn cũng phát triển mạnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

 
Phát triển sản xuất CN-TTCN trở thành bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng xây dựng NTM, năm 2016, giá trị sản xuất CN-TTCN của Thị trấn Cổ Lễ ước đạt trên 200 tỷ đồng. Thời gian tới Thị trấn Cổ Lễ tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển CN-TTCN và ngành nghề phù hợp quy hoạch chung và thực tế ở địa phương; tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh về mặt bằng, thủ tục đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có dự án mới đầu tư mở rộng sản xuất. Tích cực triển khai các chương trình đào tạo, dạy nghề từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và của huyện, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN của thị trấn đạt từ 15%/năm trở lên./.
 
Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com