Nông dân Thị trấn Cát Thành phát triển đa dạng ngành nghề

08:11, 21/11/2016
Hội Nông dân (HND) Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) có trên 1.500 hộ hội viên nông dân sinh hoạt ở 26 chi hội. Những năm qua, thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, hưởng ứng các phong trào thi đua do HND các cấp phát động, nông dân trong thị trấn đã tích cực chuyển dịch ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển đa dạng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
 
Với hệ thống giao thông thủy, bộ thuận tiện cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, ngoài việc duy trì, phát triển nghề truyền thống như nghề làm nón ở thôn Hương Cát, nghề đóng mới và sửa chữa tàu, thuyền pha sông biển ở thôn Phú An đã tạo điều kiện cho nhiều nông dân phát huy thế mạnh, lợi thế để phát triển sản xuất, kinh doanh có việc làm và thu nhập ổn định. Trong đó riêng nghề vận tải thủy, Thị trấn Cát Thành đã có hàng chục phương tiện có khả năng vận chuyển hàng hóa nội địa và vươn ra lãnh hải khu vực các nước Đông Nam Á. Nghề vận tải thủy ở thị trấn đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân hàng chục triệu đồng mỗi người/năm. Song song với thế mạnh tổ chức dịch vụ vận tải thủy, trên địa bàn thị trấn có 10 hộ gia đình làm đầu mối cung ứng nguyên phụ liệu và thu gom sản phẩm nón lá do các hộ dân trong thị trấn sản xuất. Mặc dù mức thu nhập từ nghề làm nón chỉ từ 50-80 nghìn đồng/người/ngày nhưng đã tận dụng được lao động nhàn rỗi và phát triển được nghề thủ công truyền thống của ông cha. Nghề may công nghiệp ở địa phương cũng đang hình thành và phát triển. Hiện, trên địa bàn thị trấn đã có 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng, xí nghiệp may tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 1.000 lao động với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng được mở rộng; nghề mộc và nghề thợ xây đang thu hút nhiều lao động tham gia, góp phần đưa hoạt động sản xuất nghề tại đây phát triển mạnh mẽ. Sản xuất ổn định, thương mại dịch vụ phát triển, người dân thị trấn có điều kiện đầu tư xây mới nhà ở, ủng hộ kinh phí xây dựng các công trình xã hội như cổng làng, đường giao thông, nhà văn hóa thôn, xóm và đồ dùng, trang thiết bị cho các trường tiểu học, trường mầm non… tạo diện mạo khang trang cho thị trấn.
Mô hình cải tạo vườn tạp sang trồng quất của gia đình anh Trần Văn Luân, chi HND tổ dân phố Bắc Cát, Thị trấn Cát Thành.
Mô hình cải tạo vườn tạp sang trồng quất của gia đình anh Trần Văn Luân, chi HND tổ dân phố Bắc Cát, Thị trấn Cát Thành.
Để hỗ trợ các hộ nông dân phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền thị trấn đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất du nhập nghề mới phù hợp với điều kiện sản xuất, lao động tại địa phương. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất tập trung gồm: Khu vực phát triển thương mại dịch vụ bố trí sát trục đường chính của thị trấn gồm các khu dân cư thôn Trực Cát; khu dân cư thôn Hương Cát phát triển nghề khâu nón lá truyền thống và khu dân cư Phú An, CCN Cát Thành tập trung phát triển nghề dịch vụ vận tải pha sông biển và công nghiệp đóng tàu. Để hỗ trợ hội viên nông dân, HND thị trấn đã tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và trang bị kiến thức; dạy nghề và truyền nghề cho hội viên. Trong năm 2016, được sự hỗ trợ của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (HND tỉnh), HND Thị trấn Cát Thành đã tổ chức đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 35 hội viên là các hộ hội viên gia đình chính sách, hộ nghèo. Ngoài ra, HND thị trấn còn phối hợp với các Cty, doanh nghiệp tổ chức dạy nghề thủ công mỹ nghệ và cơ khí cho hàng trăm lao động địa phương. Đây là cơ sở giúp người lao động có đủ trình độ tự tổ chức sản xuất, kinh doanh tại gia đình hoặc có điều kiện tham gia sản xuất trong các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, HND thị trấn còn đứng ra tín chấp, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với nguồn vốn vay mở rộng dịch vụ và phát triển sản xuất. Trong đó, vốn vay từ ngân hàng CSXH có dư nợ trên 4 tỷ 367 triệu đồng, tạo điều kiện cho 163 hộ vay. Điển hình như hộ gia đình anh Phan Văn Viễn, chi HND tổ dân phố Bắc Cát được HND hỗ trợ vay từ ngân hàng CSXH 50 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư xây dựng mô hình gia trại VAC. Với diện tích trên 2 sào, gia đình anh Viễn đã tập trung vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi 5 con lợn nái giống Hậu bị và trên 100 con lợn thịt, xuất bán 2-3 lứa lợn thịt. Diện tích còn lại anh quy hoạch trồng rau màu như su hào, đậu, cải bắp… theo phương thức gối vụ “mùa nào thức nấy”. Nhờ vậy, kinh tế gia đình phát triển, thu nhập bình quân hằng năm của gia đình anh cũng ổn định với mức 90-100 triệu đồng. Nhiều hộ trong tổ dân phố Bắc Cát cũng tận dụng đất vườn tạp chuyển đổi sang trồng hoa hòe, trồng quất, trồng gừng… cho thu nhập ổn định. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Hà, với 2 sào vườn đã tập trung trồng hoa hòe xen canh trồng gừng. Hộ anh Trần Văn Luân, trồng 2 sào quất cảnh với trên 500 gốc quất, dự kiến cho thu hoạch vào Tết Đinh Dậu 2017. Nếu thời tiết thuận lợi, với giá bình quân 300-500 nghìn đồng/gốc, vườn quất sẽ mang lại cho gia đình anh 200 đến 300 triệu đồng. 
 
Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển đa dạng ngành nghề tại địa phương, HND thị trấn đã phối hợp tham mưu với cấp ủy, chính quyền thị trấn ban hành nhiều cơ chế, chính sách như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Ngoài ra, thị trấn còn tạo điều kiện cho các cơ sở, hộ làm nghề vay vốn từ các tổ chức tín dụng; phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện nay, các nghề mới du nhập vào thị trấn đang có xu hướng phát triển tốt, góp phần đưa giá trị sản xuất từ nghề ngày càng cao. Nghề và làng nghề đang góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tích cực, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương./.
 
Bài và ảnh: Thanh Tuấn
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com