Tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý cụm công nghiệp

08:09, 20/09/2016
Tỉnh ta hiện có 20 cụm công nghiệp (CCN). Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025 thì đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ phát triển thêm 11 CCN mới, đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có 45 CCN với tổng diện tích 697ha. Để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và phát triển bền vững các CCN theo đúng quy hoạch, UBND tỉnh đã quyết định thành lập 7 Trung tâm phát triển CCN của các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản và Thành phố Nam Định. Trung tâm Phát triển CCN là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện do UBND tỉnh ra quyết định thành lập, có chức năng tổ chức xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong CCN.
Sản xuất băng gạc y tế tại Cty TNHH Đầu tư và Thương mại An Lành, CCN An Xá (TP Nam Định).
Sản xuất băng gạc y tế tại Cty TNHH Đầu tư và Thương mại An Lành, CCN An Xá (TP Nam Định).
Đến nay, trong số 20 CCN đã có 15 CCN được lấp đầy diện tích. 6 tháng đầu năm 2016, tổng số dự án đầu tư vào các CCN là 472 dự án, tổng vốn đầu tư 2.983 tỷ đồng, thu hút 18.200 lao động; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 2.785 tỷ đồng. Bên cạnh những nỗ lực của UBND tỉnh, UBND các huyện và ngành chức năng, công tác quản lý Nhà nước ở các CCN tập trung trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Trước hết là vấn đề xây dựng quy chế quản lý CCN ở nhiều địa phương mới chỉ đề cập được một số nội dung chính, chưa bao quát được toàn diện tất cả các mặt hoạt động của CCN gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện. Một số Trung tâm Phát triển CCN chưa phát huy được hiệu quả của đơn vị kinh doanh hạ tầng và đầu mối quản lý các CCN tại địa phương. Thứ hai là vấn đề chuyển giao chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động của các CCN từ UBND các xã, thị trấn về Trung tâm Phát triển CCN chưa được thực hiện triệt để. Tại các huyện Ý Yên, Vụ Bản, mặc dù Trung tâm Phát triển CCN đã được thành lập và chính thức hoạt động theo Quyết định của UBND tỉnh nhưng mọi hoạt động quản lý của 5 CCN tập trung trên địa bàn 2 huyện vẫn do UBND các xã, thị trấn thực hiện. Huyện Ý Yên có 3 CCN ở Thị trấn Lâm và các xã Yên Xá, Yên Ninh với tổng số 198 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đăng ký đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các CCN đạt 395.629 triệu đồng; tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 của các CCN đạt 890,6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động. Công tác quản lý vẫn do các Ban quản lý CCN xã, thị trấn đảm nhiệm nhưng hầu hết các thành viên trong Ban quản lý CCN đã nghỉ hưu, vì vậy công tác quản lý CCN bị bỏ ngỏ, việc nắm bắt, quản lý hoạt động của cụm gặp nhiều vấn đề phức tạp khó khăn. UBND các xã, thị trấn hiện tại chỉ quản lý về mặt hành chính chứ chưa đi sâu vào công tác chuyên môn thúc đẩy phát triển CCN quản lý việc thực hiện các quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất của CCN; công tác xây dựng hạ tầng CCN; là “đầu mối” vận động, thu hút đầu tư, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định dự án, giám sát hoạt động đầu tư của doanh nghiệp theo dự án được phê duyệt và từng bước giải quyết những thắc mắc của doanh nghiệp về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư… Do đó, trong các CCN tập trung của huyện còn xảy ra các vấn đề như: chuyển nhượng đất, sử dụng đất không đúng mục đích, phá vỡ quy hoạch ban đầu; chưa quan tâm xử lý chất thải các loại dẫn đến ô nhiễm môi trường; xây dựng nhà ở kiên cố trong CCN. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các CCN của huyện chưa xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường theo quy định. Việc xây dựng đề án bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy còn mang tính chất đối phó. Có trường hợp sau khi được cấp đất sản xuất trong CCN lại xẻ nhỏ bán cho các đơn vị khác kiếm lợi. Trên địa bàn huyện Vụ Bản có 2 CCN tập trung là: CCN Quang Trung có tổng diện tích xấp xỉ 6,2ha và CCN Trung Thành có tổng diện tích 5,9ha. Hiện nay, CCN Trung Thành đã lấp đầy 100% diện tích với 5 doanh nghiệp và 8 cơ sở sản xuất với tổng diện tích đăng ký trên 46,1 nghìn m 2. CCN Quang Trung hiện mới chỉ có 1 doanh nghiệp (Cty TNHH Sơn Tùng - Trọng Đô) và 7 cơ sở sản xuất đã hoàn thành các thủ tục đầu tư và được giao đất lâu dài (50 năm) với diện tích lần lượt là trên 5.700m 2 và 2.250m 2; còn lại UBND xã mới làm thủ tục tạm giao đất cho 44 cơ sở sản xuất kinh doanh với tổng diện tích trên 31,2 nghìn m 2. Cho đến thời điểm hiện tại, sau gần 3 năm Trung tâm Phát triển CCN huyện được thành lập vẫn chưa được chuyển giao chức năng quản lý Nhà nước do chủ đầu tư CCN là UBND 2 xã Trung Thành, Quang Trung vẫn chưa hoàn thành công tác thanh, quyết toán dứt điểm nợ đọng kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng các CCN. Hiện tại, CCN Trung Thành (tổng mức đầu tư 12,45 tỷ đồng) đã hoàn thành các hạng mục: san lấp mặt bằng, giao thông, thoát nước, điện với tổng kinh phí trên 4,77 tỷ đồng. Nhiều hạng mục của CCN Trung Thành chưa hoàn thành như: nhà điều hành, cấp nước, trạm xử lý nước thải; hệ thống đường gom và đường xương cá. CCN Quang Trung (tổng mức đầu tư trên 22,1 tỷ đồng) đã thực hiện được 19,08 tỷ đồng (gồm các hạng mục: san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường, hè, rãnh thoát nước, hồ điều hòa, cây xanh, nhà điều hành, tường bao, cấp điện), còn hạng mục khu xử lý nước thải chưa được đầu tư. Hiện tại, UBND xã Quang Trung còn nợ các đơn vị thi công 1,283 tỷ đồng. Do lúng túng, chồng chéo trong công tác quản lý CCN, gần như vô hiệu hóa vai trò của Trung tâm phát triển CCN huyện nên còn nhiều bất cập trong hoạt động của các CCN chưa được xử lý; nổi cộm là tình trạng ô nhiễm môi trường trong các CCN vẫn còn phổ biến, không đảm bảo mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp bền vững. Toàn tỉnh mới có 3/20 CCN đang hoạt động là các CCN Xuân Tiến (Xuân Trường), Tống Xá (Ý Yên) và An Xá (TP Nam Định) đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 27,5 tỷ đồng. Ngoài ra, hiện cũng chưa có quy định cụ thể về kinh phí vận hành các công trình đảm bảo vệ sinh môi trường và một số hoạt động chuyên môn khác cho các Trung tâm Phát triển CCN thực hiện. 
 
Việc Trung tâm Phát triển CCN các huyện khó khăn trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước do thiếu quy định hoặc do những tồn tại “lịch sử” vừa không phát huy được hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khó kiểm soát hoạt động của các cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động trong CCN như việc xả thải tự do gây ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự… CCN là mô hình sản xuất công nghiệp tập trung thuộc thẩm quyền cấp huyện nên việc để các Ban quản lý thuộc UBND cấp xã quản lý là không phù hợp, không thể thực hiện được một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cấp huyện. Trước thực trạng trên, Sở Công thương đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức rà soát thực trạng, tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế, chính sách giải quyết vướng mắc nêu trên, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các CCN huyện; hoàn thiện, trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN trên địa bàn tỉnh./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com