Nghề mộc ở Mỹ Hà

08:09, 26/09/2016

Theo đồng chí Phạm Quang Vụ, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc), nghề mộc du nhập vào xã từ đầu thế kỷ 20. Sau thời gian trầm lắng, khoảng 3 thập kỷ “đổi mới” gần đây nghề này từng bước phục hồi và phát triển. Hiện nay, toàn xã có khoảng 35 cơ sở sản xuất lớn, mỗi cơ sở có 5-10 lao động trở lên và hàng chục cơ sở gia đình nằm rải rác trong các khu dân cư. Nghề mộc đã thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động với mức thu nhập từ 4-6,5 triệu đồng/người/tháng.

Sản xuất các sản phẩm mộc nội thất xây dựng, dân dụng tại cơ sở của ông Trần Văn Vạn, xóm 11, xã Mỹ Hã.
Sản xuất các sản phẩm mộc nội thất xây dựng, dân dụng tại cơ sở của ông Trần Văn Vạn, xóm 11, xã Mỹ Hã.

Tìm hiểu từ các cụ cao niên ở xã được biết nghề mộc do người dòng họ Trần như các cụ: Trần Văn Lập, Trần Văn Tuất, Trần Văn Thành… phát triển kết hợp với các cụ: Trần Văn Phùng, Trần Văn Hảo (là những thợ nề có tay nghề cao) đều  ngụ ở thôn Bảo Long, chuyên nhận dựng nhà, đóng các loại đồ dùng sinh hoạt cho nhân dân trong xã và vùng lân cận. Hiệp thợ “liên kết” giữa hai nghề mộc và nề với tài hoa, kỹ xảo tinh tế trong một thời gian dài đã tạo dựng được uy tín, thường xuyên được mời đi dựng nhà, đóng đồ. Ngoài sản xuất các sản phẩm gia dụng như giường, tủ, bàn ghế và các sản phẩm mỹ nghệ sập gụ, tủ chè... nhóm thợ của các cụ đã thi công nhiều ngôi nhà 5 gian với lối kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Khi 5 người thợ cả tài hoa dần khuất bóng hiệp thợ cũng không còn, nhưng tài năng và các “ngón nghề” đã được truyền lại cho con cháu trong dòng họ và những người trong làng có tâm huyết. Cụ Trần Văn Lập có 10 người con thì 7 người con trai là: Vỵ, Tạo, Thiên, Vạn, Triệu, Trị, Trực… đều theo nghề. Ông Trần Văn Vạn, một trong những con trai của cụ Lập với gần 40 năm trong nghề hiện là chủ cơ sở sản xuất đồ mộc có 7-8 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 200-300 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài các đơn hàng đặt đóng các loại đồ dùng sinh hoạt cơ sở của ông Vạn còn thường xuyên nhận được các hợp đồng sản xuất, thi công đồng bộ các hạng mục nội thất công trình xây dựng (từ cửa, sàn, trần, cầu thang…) với trị giá từ 300 triệu đến trên 1 tỷ đồng. Tiêu biểu như hợp đồng xấp xỉ 1 tỷ đồng thi công toàn bộ phần gỗ cho 1 công trình xây dựng 4 tầng, trên 600m2 sàn ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc). Hợp đồng được 4 thợ cả, hàng chục thợ phụ thi công liên tục trong gần 1 năm mới hoàn thành 120m2 cửa các loại; gần 500m2 sàn, hàng trăm mét cầu thang… đạt chất lượng tốt, thẩm mỹ cao. Để nhận được những hợp đồng lớn như trên, ông Vạn cho biết: ngoài những kỹ xảo về nghề, người thợ còn phải tinh tế, sáng tạo để tư vấn, góp ý cho gia chủ phương án thiết kế, sử dụng nguyên liệu phù hợp, tối ưu… trong thi công các hạng mục để công trình xây dựng có tính thẩm mỹ, bố cục hài hòa, kéo dài thời gian sử dụng chậm lỗi mốt. Để duy trì và phát triển nghề mộc, nhiều hộ sản xuất ở thôn Bảo Long và trong các thôn khác đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu sản phẩm trên thị trường cộng với sự nỗ lực, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, mẫu mã sản phẩm nên các mặt hàng ngày càng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Sản phẩm sử dụng các loại nguyên liệu như: dổi, đinh hương, huỳnh đàn, chò, lim, gụ… được thị trường đánh giá là chắc chắn, bền, đẹp ngày càng tinh xảo hơn, không chỉ đa dạng về chủng loại, kiểu dáng sản phẩm mà giá cả cũng rất hợp lý. Vì thế, sản phẩm đồ mộc của xã có thể theo chân những thợ mộc tài hoa đi khắp nơi trong huyện, trong tỉnh. Ngoài các loại đồ mộc gia dụng, đồ gỗ mỹ nghệ, thợ mộc làng Bảo Long hiện phát triển sang cả mảng thi công nội thất công trình xây dựng như: sàn, trần, cửa, cầu thang... nên số lượng các cơ sở mộc cũng phát triển mạnh. Nghề mộc không còn bó gọn trong gia đình con cháu dòng họ Trần và phạm vi thôn Bảo Long mà mở rộng ra các thôn Nghĩa Lễ, Quang Xán và thu hút nhiều hộ tham gia, trong đó thôn Bảo Long xưa (nay thành 3 thôn nhỏ là Bảo Long trong, Bảo Long ngoài, Bảo Long bãi thuộc các xóm 10, 11) là có nhiều cơ sở sản xuất nhất. Có gần chục xưởng quy mô trên 10 lao động, còn lại hàng chục hộ tận dụng diện tích vườn, nhà dựng lán trại để sản xuất. Nghề mộc của xã có sự phân công chuyên môn hóa cao: một số cơ sở có tiềm lực kinh tế mạnh như cơ sở của ông Trần Văn Vỵ, xóm 10, thôn Bảo Long bãi có tiền đầu tư hàng máy xẻ CD và các loại máy móc chuyên dụng chuyên xẻ gỗ để cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất... Có cơ sở chuyên sản xuất các loại đồ gia dụng, nội thất xây dựng như xưởng của các ông: Lê Mạnh Hoằng, xóm 11, thôn Bảo Long ngoài, Trần Văn Vạn, xóm 11, thôn Bảo Long bãi... Anh Lê Mạnh Hoằng, chủ cơ sở sản xuất các loại đồ gia dụng và con tiện cầu thang, tủ bếp, tủ tường được đầu tư các loại máy móc hiện đại như: máy chà, máy soi… hiện có 4 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 180-220 nghìn đồng/người/ngày.

Không chỉ đảm bảo việc làm cho khoảng 500 lao động thường xuyên, mỗi năm, nghề mộc còn mang lại nguồn thu nhập “cứng” từ tiền công lao động cho người dân Mỹ Hà 1,5-2 tỷ đồng. Năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN và dịch vụ của xã đã đạt trên 53 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 50% trong tổng thu nhập toàn xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,89%. Nghề mộc phát triển tạo việc làm tại chỗ và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là yếu tố quan trọng giúp xã Mỹ Hà thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com