Điều chỉnh quy hoạch cấp nước sạch nông thôn ứng phó với biến đổi khí hậu

07:05, 12/05/2016
Là tỉnh ven biển, hằng năm, tỉnh ta chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Theo Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam do Bộ TN và MT xây dựng công bố để phục vụ các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, tại tỉnh ta mỗi năm mực nước biển tăng lên khoảng 2,15mm. Cùng với đó, đường bờ biển bị lấn vào trung bình 10m; Giai đoạn 2020-2100, tổng diện tích bị ngập của tỉnh là 61,7km 2. Trong đó huyện Giao Thủy ngập 34,27km 2, Hải Hậu ngập 20,9km 2, Nghĩa Hưng ngập 6,54km 2. Qua thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có 56 công trình cấp nước sạch phục vụ cho Thành phố Nam Định và các địa phương thuộc 9 huyện. Trong đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 38 nhà máy nước tập trung; Cty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn quản lý 15 nhà máy, Cty TNHH một thành viên Cấp nước Nam Định quản lý, khai thác 3 nhà máy. Tuy nhiên, theo cơ quan chuyên môn, do BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn, suy thoái về môi trường đất trong thời gian qua khiến cho nguồn nước ngầm sụt giảm mạnh gây ảnh hưởng không ít đến chất lượng nguồn nước. Bên cạnh đó, do thời gian đầu tư đã lâu, hạ tầng cơ sở của các nhà máy nước dù đã được bảo dưỡng, duy tu thường xuyên nhưng khó có thể đáp ứng được yêu cầu cấp nước sạch trong tương lai do BĐKH ngày càng diễn biến bất thường và phức tạp hơn. 
Vận hành van điều tiết nước tại bể lắng ở Nhà máy nước sạch Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy).
Vận hành van điều tiết nước tại bể lắng ở Nhà máy nước sạch Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy).
Trước thực trạng đó, để tăng cường quản lý các công trình cấp nước sạch đảm bảo an sinh xã hội, tài nguyên và bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro do tác động xấu của BĐKH và nước biển dâng, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng tránh thiên tai, khai thác sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Trong đó, chú trọng khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên nước; tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch là 100% ở thành thị và 95% ở nông thôn; đến năm 2030 là 100% dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt chuẩn Bộ Y tế là một trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn tới. Với nỗ lực phối hợp, chủ động tham mưu của các cấp, ngành địa phương, ngày 3-3-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-UBND phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch cấp nước sạch nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong điều kiện BĐKH. Theo đó, UBND tỉnh định hướng giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư xây dựng mới 12 công trình cấp nước tập trung, công suất trên 44 nghìn m 3/ngày đêm; cấp bổ sung cho khoảng 368.600 người. Đồng thời, tiến hành cải tạo đấu nối 38 công trình cấp nước tập trung, công suất tăng thêm 49.510 m 3/ngày đêm, cấp bổ sung cho khoảng 412.700 người. Giai đoạn 2021-2030, sẽ tiến hành nâng cấp, cải tạo, đấu nối 15 công trình cấp nước tập trung, tăng thêm công suất khoảng 24.220 m 3/ngày đêm cấp bổ sung cho khoảng 202 nghìn người. Tổng nguồn vốn để thực hiện quy hoạch khoảng 2.086 tỷ đồng từ ngân sách (vốn từ chương trình xây dựng NTM, vốn ODA, vốn hỗ trợ xã hội hóa của tỉnh), vốn doanh nghiệp và người dân đóng góp. Các giải pháp cấp nước trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng cũng được đề xuất xác định rõ. Đối với vùng chịu tác động mạnh của xâm nhập mặn - nước biển dâng bao gồm toàn bộ huyện Giao Thủy, Hải Hậu; 16 xã thuộc huyện Nghĩa Hưng; 2 xã thuộc huyện Xuân Trường, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nước ngầm, xây dựng các nhà máy xử lý khai thác nước mặt với công suất phù hợp. Đảm bảo vị trí nguồn cấp nước an toàn và áp dụng công nghệ xử lý nước thích hợp; đáp ứng tốt yêu cầu mở rộng mạng lưới cấp nước cho phạm vi lân cận trong giai đoạn tiếp theo. Đối với vùng chịu tác động trung bình của xâm nhập mặn - nước biển dâng gồm 9 xã phía trên huyện Nghĩa Hưng, 18 xã huyện Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh, phương án cấp nước sinh hoạt cho vùng này là xây dựng các nhà máy quy mô liên xã, khai thác nước mặt tại các sông lớn và có công nghệ xử lý nước phù hợp, hạn chế khai thác nước ngầm. Đối với vùng ít chịu tác động của BĐKH như Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và các xã ngoại thành Thành phố Nam Định, sử dụng nước từ các nhà máy quy mô liên xã và có công nghệ xử lý nước ô nhiễm.
 
Thời gian tới, UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp tích cực với các sở, ngành của tỉnh trong việc triển khai thực hiện quy hoạch; kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn. Kết hợp tăng cường tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ an toàn nguồn nước, bảo vệ công trình cấp nước tập trung và sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Rà soát, bổ sung các công trình cấp nước sạch tập trung có trong quy hoạch vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020 và giai đoạn từ năm 2021-2030. Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được giao quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung quản lý, sử dụng và khai thác công trình theo quy định, đảm bảo cung cấp nước cho khách hàng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ theo quy định./.
 
Bài và ảnh:  Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com