Trực Ninh thực hiện hiệu quả chương trình nhận ủy thác hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển kinh tế

09:05, 07/05/2016
Trong những năm qua, để giúp nông dân có thêm nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân (HND) các cấp huyện Trực Ninh đã tăng cường tiếp nhận nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Qua đó, giúp cho hàng nghìn hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng NN và PTNT, anh Vũ Đình Tú, chủ cơ sở Hoàng Tú - Trung Lao Vàng ở xóm 8, thôn Trung Lao, xã Trung Đông có thêm vốn đầu tư phát triển kinh doanh chế biến lâm sản.
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng NN và PTNT, anh Vũ Đình Tú, chủ cơ sở Hoàng Tú - Trung Lao Vàng ở xóm 8, thôn Trung Lao, xã Trung Đông có thêm vốn đầu tư phát triển kinh doanh chế biến lâm sản.
Chúng tôi đến thăm mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Trần Văn Điều, hội viên chi HND xóm 5, xã Trực Hưng (Trực Ninh) vừa kinh doanh thức ăn chăn nuôi vừa phát triển nuôi lợn nái, lợn thịt, đào ao thả cá truyền thống và chăn nuôi gia cầm. Năm 2010, anh Điều quyết định đầu tư vốn vào xây dựng trang trại nuôi lợn nái, lợn thịt kết hợp nuôi gà ta thả vườn, đào ao nuôi cá. Mô hình đòi hỏi đầu tư ban đầu để xây dựng chuồng trại khá lớn, tiềm lực không đủ, anh đã thế chấp tài sản vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT để hiện thực hóa kế hoạch làm trang trại chăn nuôi tổng hợp của mình. Có vốn, anh tập trung xây dựng chuồng trại với diện tích trên 3.000m 2, bao gồm khu chuồng lợn nái, khu vực nuôi lợn thịt được phân chia thành các ô chuồng hợp lý, phần diện tích chuồng trại còn lại nuôi gà ta. Để đảm bảo vệ sinh môi trường ngoài việc xây hầm bi-ô-ga, anh còn đào ao nuôi cá truyền thống trên 1.000 m 2, vừa tận dụng được thức ăn dư thừa của lợn, lại có thêm thu nhập từ nuôi cá. Hiện, trang trại của gia đình anh đang nuôi 50 con lợn nái, 2.000 con lợn thịt; 500-600 con gà ta; diện tích mặt nước nuôi cá truyền thống (trôi, trắm, mè, chép). Ngoài ra, gia đình anh còn làm dịch vụ xay xát thóc gạo cho các hộ dân trong xã với sản lượng bình quân 300 tấn thóc/năm trở lên, từ đó có thêm nguồn cám để chăn nuôi. Đối với hộ anh Vũ Đình Tú, chủ cơ sở Hoàng Tú - Trung Lao Vàng ở xóm 8, thôn Trung Lao, xã Trung Đông (Trực Ninh) vay 2 tỷ đồng từ Ngân hàng NN và PTNT để kinh doanh và chế biến lâm sản. Hiện, cơ sở của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động. Theo anh Tú, thời gian vay tuy chỉ có 6 tháng đáo hạn 1 lần nhưng thủ tục vay vốn đơn giản. Hiện anh đang vay vốn với lãi suất 0,8%/năm. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Minh Đức, Chủ tịch HND xã cho biết, tính đến hết tháng 4-2016, HND xã Trung Đông đang nhận ủy thác 16,1 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho 794 hộ nông dân vay; hỗ trợ hơn 800 hộ nông dân trong xã vay vốn Ngân hàng NN và PTNT trên 60 tỷ đồng với 827 món vay. Nhờ nguồn vốn trên đã giúp cho hàng trăm hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, số hộ hội viên có mức sống khá, giàu tăng nhanh, đến nay, đã chiếm hơn 40% tổng số hội viên trong toàn xã, nhiều hộ gia đình có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Để phát huy cao nhất hiệu quả nguồn vốn, HND xã thường xuyên phối hợp với Ngân hàng CSXH kiện toàn và củng cố hệ thống các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV); quy trình bình chọn, xét vay vốn đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Đồng thời, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế mới, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng vốn vay, thu hồi nợ, đảm bảo vốn quay vòng cho các đối tượng khác có nhu cầu cấp thiết hơn. Đồng chí Phạm Quốc Huy, Chủ tịch HND huyện Trực Ninh cho biết, để hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh từ Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT, HND huyện Trực Ninh phối hợp với 2 ngân hàng thành lập Ban Chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời phân công cán bộ theo dõi và quản lý công tác ủy thác của Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT, xây dựng các tổ TK và VV, từng bước củng cố và xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn vay. Các cấp HND huyện đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh huyện Trực Ninh thường xuyên kiện toàn các tổ TK và VV ở 21/21 xã, thị trấn; chỉ đạo HND các xã, thị trấn đôn đốc thu gốc, thu lãi, thu nợ đến hạn và quá hạn, giải ngân vốn mới, vốn quay vòng hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường, học sinh - sinh viên, triển khai kế hoạch huy động vốn và giải ngân năm 2016. Đến nay tổng số dư nợ từ Ngân hàng CSXH đạt 105,974 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 5.351 hộ vay. Bên cạnh đó, HND huyện xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho cơ sở về vận động phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) huyện; hướng dẫn HND Thị trấn Cát Thành hoàn thiện hồ sơ và phê duyệt cho vay vốn Quỹ HTND huyện và quỹ do Ban vận động Quỹ HTND thị trấn vận động được với tổng số tiền là 86 triệu đồng; hướng dẫn HND xã Trực Chính lập dự án Nuôi cá trắm đen tạo điều kiện cho nông dân vay vốn Quỹ HTND để phát triển sản xuất, tổng số vốn 500 triệu đồng, cho 13 hộ vay. Các cấp Hội từ huyện đến cơ sở đều phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách và ít nhất một cán bộ chuyên trách theo dõi vốn ủy thác. Hướng dẫn các tổ TK và VV xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động, tổ chức sinh hoạt định kỳ, tăng cường sự đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên tham gia tổ TK và VV. Các cấp Hội chủ động và phối hợp với các ngân hàng tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ được phân công quản lý, theo dõi chương trình ủy thác và tổ trưởng tổ TK và VV. Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả... Nhờ đó đã giúp các hộ nghèo tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
Thời gian tới, HND huyện tiếp tục triển khai lồng ghép công tác ủy thác cho hộ nghèo vay vốn với các chương trình dự án của Hội và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Mở rộng các mô hình cho hộ nghèo; hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vay vốn theo dự án có sự hướng dẫn, tư vấn của Hội, tạo điều kiện hỗ trợ đắc lực hơn cho người nông dân trong quá trình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững./.
 
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com