Kinh nghiệm phát triển chăn nuôi trang trại ở Hiển Khánh

08:04, 12/04/2016
Những năm qua, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại đạt kết quả khá toàn diện. Nhiều trang trại chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường được phát triển, đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật… đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân trong xã.
 
Khi xã Hiển Khánh có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, ông Triệu Văn Tấn ở xóm Triệu đã chuyển đổi 8.500m 2 đất lúa xây dựng trang trại nuôi gà thương phẩm. Ông đầu tư 1,2 tỷ đồng xây chuồng nuôi gà khép kín với quy mô mỗi lứa từ 8.000-10 nghìn con, có hệ thống thông gió, hệ thống làm ẩm, làm ấm, hệ thống cho ăn, uống bán tự động và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh… Những năm đầu, ông nuôi gia công cho Cty TNHH Japfa Việt Nam, sau khi nắm vững kỹ thuật, công tác phòng chống dịch bệnh cho gà, ông đã tách ra nuôi độc lập. Từ đó đến nay, ông xây dựng thêm 2 dãy chuồng: 1 dãy quy mô nuôi 8.000-10 nghìn con, 1 dãy nuôi 3.000 con và nuôi thêm gà đẻ. Hiện trang trại gà của ông phát triển lên 8.000 con gà thịt/lứa và 12 nghìn con gà đẻ. Ông Tấn cho biết, nhằm đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, ông tuân thủ nghiêm từ việc chọn giống. Đối với gà thịt, ông chọn các giống gà Phổ Yên, Hòa Bình, Lương Mỹ, Japfa, CP; gà đẻ chọn giống gà Ai Cập, tỷ lệ đẻ bình quân đạt 50-60%, mặc dù tỷ lệ đẻ không cao nhưng trứng loại này rất dễ bán. Bên cạnh đó, ông còn chú trọng từ thức ăn chăn nuôi đến vệ sinh, xử lý chuồng trại sau mỗi lứa nuôi. Mỗi lứa gà, ông thường chủ động mua các loại vắc-xin Niu-cát-sơn, tụ huyết trùng gia cầm, Gumboro, đậu gà... cho uống và tiêm đầy đủ. Trong quá trình nuôi, gà còn được bổ sung thức ăn đủ chất như: Vitamin C, Glueco… nhằm tăng cường sức đề kháng, khả năng sinh trưởng cũng như năng suất đẻ trứng. Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong và ngoài chuồng trại được thực hiện định kỳ nên từ nhiều năm nay đàn gà của ông Tấn luôn được đảm bảo an toàn về dịch bệnh và hiệu quả ngày càng cao. Mỗi năm, ông xuất bán 2,2-3 triệu quả trứng, 120 tấn gà thịt, trừ chi phí thu lãi 300-500 triệu đồng. Hiện trang trại gà của ông còn tạo việc làm cho 7 lao động địa phương với mức lương từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi lợn của anh Nguyễn Đình Hiệu, thôn Hậu Nha. Trang trại mỗi lứa nuôi 100-130 con lợn. Với phương châm phát triển bền vững, lâu dài, anh không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cải tạo, nâng cấp chuồng trại, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh... Anh Hiệu cho biết: Mỗi con lợn ngay từ khi bắt đầu nuôi được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để phòng bệnh. Định kỳ anh phun khử trùng toàn bộ khu chuồng nuôi 1 lần/tuần, đồng thời quét dọn chuồng trại để giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh. Để có nguồn thức ăn đảm bảo, anh Hiệu ký hợp đồng chặt chẽ với hãng thức ăn gia súc có uy tín. Nhờ vậy mà trang trại chăn nuôi của gia đình anh Hiệu 5 năm trở lại đây không xảy ra dịch bệnh. Hiện trang trại của anh đang áp dụng phương pháp nuôi gối lứa nên tháng nào cũng có lợn thịt xuất chuồng, trung bình từ 4-5 tấn lợn thịt/tháng, mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho chuyển đổi 3.000m 2 ở khu quy hoạch chăn nuôi tập trung Cồn Bạc, anh Hiệu đang đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn thịt công nghiệp với 2 dãy chuồng kín, máng ăn và hệ thống uống nước tự động, có bể tắm cho lợn. Anh xây 2 dãy có tổng 22 ô, mỗi ô 25m 2, mở rộng quy mô nuôi lên hơn 400 con. Trang trại tổng hợp của gia đình ông Trần Quang Hùng, thôn Phú Đa có diện tích gần 1ha. Ông xây 3 ao rộng 7.200m 2 nuôi cá trắm cỏ giống, kết hợp nuôi 100 con vịt đẻ siêu trứng. Diện tích còn lại, ông xây dựng 2 dãy chuồng trại, gồm 1 dãy nuôi 100 con lợn thịt, 1 dãy chuồng nuôi 500 con gà ta. Với hướng đầu tư hiệu quả, mỗi năm trang trại của ông Hùng cho lãi trên dưới 300 triệu đồng. 
Trang trại nuôi gà của ông Triệu Văn Tấn, xóm Triệu, xã Hiển Khánh.
Trang trại nuôi gà của ông Triệu Văn Tấn, xóm Triệu, xã Hiển Khánh.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh, của huyện, Đảng ủy, UBND xã Hiển Khánh đã quy hoạch và chuyển đổi gần 20ha đất cấy lúa tại những vùng trũng năng suất thấp để phát triển trang trại chăn nuôi, trang trại tổng hợp. Xã triển khai hiệu quả việc cho thuê đất ưu đãi ở các vùng chuyển đổi; hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng. Tại vùng chuyển đổi, nhiều hộ đã tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm, thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Sự hình thành, phát triển của các mô hình kinh tế ở vùng chuyển đổi đã làm thay đổi nhận thức, thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán của nông dân trong xã. Nhiều hộ gia đình ở Hiển Khánh đã dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư, từng bước xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với thu nhập từ trồng lúa. Để đạt được những kết quả trên, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình từng bước ứng dụng công nghệ, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Do đó, các hộ nông dân ở Hiển Khánh luôn thực hiện, tuân thủ các quy trình, nguyên tắc trong chăn nuôi. Hầu hết các hộ nuôi lợn đều xây bể bi-ô-ga để xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm ở cả 2 vụ xuân và thu, xã luôn đạt trên 80% kế hoạch được giao. Việc thực hiện vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc, dùng vôi sát trùng… được tuân thủ triệt để theo định kỳ và sự chỉ đạo của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, xã còn tạo điều kiện hướng dẫn các hộ chăn nuôi lớn thành lập CLB trang trại, gia trại để tạo môi trường trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi và hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật giữa các thành viên. CLB đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các thành viên; kết hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện xây dựng mô hình nuôi gà an toàn sinh học; tổ chức tham quan, học tập mô hình sản xuất hiệu quả ở các địa phương. Ngoài việc trao đổi về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, xử lý dịch bệnh, CLB còn cử thành viên có năng lực tham gia tìm kiếm thị trường để thực hiện liên kết theo chuỗi từ việc tìm đầu vào như: con giống, thức ăn, thuốc thú y… đến đầu ra cho sản phẩm sản xuất. Vì vậy, các hoạt động sản xuất của các trang trại ở Hiển Khánh luôn đạt hiệu quả cả về sản lượng và giá trị thu nhập.
 
Trong thời gian tới, xã Hiển Khánh tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại tập trung theo quy hoạch, không xây dựng mới khu chăn nuôi nằm trong khu dân cư. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi, nhất là các trang trại lớn xây dựng hầm bi-ô-ga, sử dụng đệm lót chuồng sinh thái và các biện pháp kỹ thuật khác bảo đảm môi trường. Xã tiếp tục khuyến khích hình thành một số trang trại kiểu mẫu về hiệu quả sản xuất, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, bảo đảm phát triển chăn nuôi hiệu quả./. 
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com