Để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, bền vững

07:04, 07/04/2016
Những năm qua, nhờ việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất, đến nay tỉnh ta đã hình thành và mở rộng được nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy; vùng trồng rau màu ở một số địa phương như: xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng); xã Thành Lợi, Liên Minh, Minh Tân (Vụ Bản); xã Yên Đồng, Yên Nhân (Ý Yên); vùng nuôi trồng thủy sản ở các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng... Bên cạnh đó, cùng với hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhiều mô hình HTX, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được thành lập ở hầu khắp các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Điển hình như huyện Vụ Bản có 323 trang trại, gia trại; trong đó có 19 trang trại đạt tiêu chí do Bộ NN và PTNT quy định. Giá trị sản xuất các trang trại, gia trại của huyện đạt trên 240 tỷ đồng. Tại các xã: Hiển Khánh, Hợp Hưng, Tân Khánh, Tam Thanh, Kim Thái…, phong trào phát triển kinh tế trang trại hết sức sôi động. Nhiều trang trại có doanh thu trên 1 tỷ đồng như: trang trại nuôi gà sạch của ông Trần Văn Lương, xã Kim Thái, doanh thu đạt 1,57 tỷ đồng; trang trại tổng hợp của ông Chử Văn Mạnh, xã Cộng Hòa, đạt 1,2 tỷ đồng; trang trại chăn nuôi của ông Bùi Đình Vỹ, xã Thành Lợi, đạt 1,87 tỷ đồng… Các trang trại đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hạn chế tình trạng sản xuất phân tán, manh mún, tạo nên những vùng sản xuất quy mô lớn, hàng hóa tập trung với trình độ thâm canh cao. Ở huyện Xuân Trường, toàn huyện có 170 trang trại, gia trại; trong đó có 29 trang trại đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT đã được UBND huyện xét duyệt cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Trong số các trang trại đã được cấp chứng nhận có 7 trang trại đạt doanh thu từ 700 triệu - 1 tỷ đồng/năm, 11 trang trại có doanh thu từ 1-2 tỷ đồng/năm, 6 trang trại có doanh thu từ 2-3 tỷ đồng/năm, 4 trang trại có doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm. Để tạo điều kiện cho các hộ nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, năm 2015, huyện đã tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp vào đầu tư, trong đó điển hình như Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, xã Xuân Kiên đã đầu tư xây dựng cánh đồng lớn với quy mô gần 50ha. Mũi nhọn của doanh nghiệp là tập trung sản xuất lúa hàng hóa, trồng rau màu có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Hay mô hình trồng lúa hàng hóa của Cty TNHH Cường Tân (Trực Ninh). Cty đã liên kết để thuê lại đất của nông dân ở các xã thuộc huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực để xây dựng mô hình với quy mô sản xuất lên trên 300ha. 
Nông dân thôn Cốc Thành, xã Thành Lợi (Vụ Bản) chăm sóc rau màu.
Nông dân thôn Cốc Thành, xã Thành Lợi (Vụ Bản) chăm sóc rau màu.
Có thể thấy rõ hiệu quả và giá trị kinh tế của các mô hình kinh tế nông nghiệp được triển khai trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Song thực tế cũng cho thấy, quy trình sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp ở hầu hết các địa phương chưa thật bền vững: công đoạn sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính nông hộ và thâm canh truyền thống; chưa có nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao; các mô hình sản xuất mang tính tự cung tự cấp, chưa có đầu ra ổn định. Trong khi đó, việc nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cũng chưa thật nhiều và được chú trọng... Qua thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên bắt đầu từ công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch sản xuất nông, ngư nghiệp nói chung, quy hoạch vùng, đối tượng sản xuất hàng hóa tập trung nói riêng của các địa phương còn thiếu sự đầu tư tập trung, chưa trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ. Hiện nay, tại không ít địa phương đã xảy ra tình trạng khi triển khai mô hình, các hộ nông dân đều rất hồ hởi tham gia bởi họ được hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật, nhưng sau khi kết thúc mô hình, không có tiền hỗ trợ nữa thì không ít hộ đã bỏ dở chừng. Đã vậy, các mô hình, dự án còn dàn trải, thiếu tập trung và chưa đủ mạnh để kích thích phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, tập trung, công nghiệp. Đó là chưa kể đầu ra của sản phẩm không được bảo đảm ổn định nên các mô hình sau khi được nhân rộng, nông sản sản xuất dư thừa rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Theo nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp nếu tính đến lợi nhuận luôn sẽ thất bại ngay lập tức, mà phải tính đến dài hạn, phải có đủ tâm, trí, lực mới có thể làm được nông nghiệp. Là một doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào sản xuất nông nghiệp, ông Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Cty TNHH Cường Tân cho biết, để làm được nông nghiệp không thể chỉ nghĩ ngay đến lợi nhuận trước mắt, mà doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp phải có đủ tâm, trí, lực. Hơn 10 năm nay, Cty đã bắt tay được với nông dân ở các địa phương để sản xuất lúa. Muốn làm được điều đó, trong 3 năm đầu tiên, Cty đã chi tiền 10 tỷ đồng để mua bản quyền giống lúa TH3-3, mời chuyên gia có uy tín cầm tay chỉ việc cho người nông dân mình, mới thành công từng bước một. 
 
Trước mắt tỉnh cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, để ngày càng có nhiều mạnh thường quân giúp người nông dân trong bao tiêu sản phẩm. Đây là tiền đề để tỉnh ta tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, tạo đà cho công cuộc xây dựng NTM sớm về đích. Một trong những biện pháp để thúc đẩy nền nông nghiệp hàng hóa phát triển là phải thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo mối liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ là yếu tố quan trọng để nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, hiệu quả. Nhằm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Nghị quyết 01 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 cũng đã chỉ rõ, tỉnh tiếp tục tập trung thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện tỉnh đang thực hiện quyết liệt công việc liên quan đến đất đai, tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm triển khai thành công Dự án nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup tại huyện Xuân Trường. Xây dựng, triển khai toàn diện các nội dung thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa tỉnh Nam Định với tỉnh Miyazaki (Nhật Bản). Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp và trang trại; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Nâng cao hiệu quả công tác đánh bắt và nuôi trồng thuỷ, hải sản gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh những chính sách khuyến khích đầu tư, tỉnh tiếp tục thúc đẩy mối liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp và người nông dân nhằm đưa năng suất, sản lượng nông sản trở thành hàng hóa thế mạnh, đem lại lợi ích chung cho doanh nghiệp và người nông dân. Nếu giải quyết tốt các yếu tố như cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, nguồn tín dụng cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào các dự án phát triển nông nghiệp sẽ là chìa khóa để mở ra hướng đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn./.
 
Bài và ảnh: Thanh Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com