Chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường các khu công nghiệp

08:04, 04/04/2016

Phát triển công nghiệp bền vững là một trong những yêu cầu quan trọng để bảo đảm hiệu quả toàn diện của hoạt động đầu tư phát triển, đặc biệt đối với các địa phương có xuất phát điểm thấp. Do đó, tỉnh rất quan tâm giải quyết những tồn đọng về môi trường và đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường (BVMT) trong các KCN trên địa bàn và đã đạt những bước tiến đáng kể.

Công nhân Nhà máy Xử lý nước thải KCN Bảo Minh vận hành thiết bị xử lý nước thải.
Công nhân Nhà máy Xử lý nước thải KCN Bảo Minh
vận hành thiết bị xử lý nước thải.

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý Nhà nước về việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp tại các KCN. Hằng năm, Ban quản lý các KCN tỉnh đều tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật BVMT cho các doanh nghiệp KCN; xây dựng các pa-nô tuyên truyền về công tác BVMT tại các KCN Hòa Xá (TP Nam Định), Bảo Minh (Vụ Bản) để tăng hiệu quả tuyên truyền, tác động trực quan. Ban quản lý các KCN tỉnh sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đầu tư máy đo, thiết bị khảo sát, quan trắc nước thải, khí thải tại các KCN. Đối với các dự án đầu tư mới trong các KCN, Ban quản lý các KCN tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT được Sở TN và MT thẩm định, phê duyệt trước khi đề nghị cấp, điều chỉnh giấy phép đầu tư. Ban quản lý các KCN tỉnh chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường của các doanh nghiệp; phát hiện và lập biên bản về các tồn tại, thiếu sót của các đơn vị và hướng dẫn, yêu cầu khắc phục tồn tại nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật BVMT của doanh nghiệp trong các KCN. Các biện pháp tăng cường quản lý đã tạo sự chuyển biến tích cực trong các KCN, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chú trọng gắn sản xuất với BVMT. Đến nay, hầu hết các dự án tại các KCN của tỉnh đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký cam kết BVMT được thẩm định, phê duyệt, cấp phép theo đúng quy định. Các doanh nghiệp đã chủ động quan trắc môi trường định kỳ để tự giám sát hoạt động BVMT của đơn vị; đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và được Sở TN và MT cấp sổ theo dõi; ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý thu gom chất thải rắn sản xuất và chất thải rắn sinh hoạt với các Cty môi trường. Những doanh nghiệp chỉ phát sinh nước thải sinh hoạt đều đầu tư xây dựng bể tự hoại 3 ngăn kiểu mới, có thể tích phù hợp với số lượng người dùng, vận hành đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng nước thải đầu ra đảm bảo. Các đơn vị có nước thải sản xuất cũng đã xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước thải và nước mưa riêng. Theo đại diện Cty Phát triển hạ tầng Vinatex, đơn vị quản lý hạ tầng KCN Bảo Minh cho biết: Hiện nay, nhằm xây dựng KCN sinh thái, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, hầu hết các doanh nghiệp trong KCN đều chủ động, tự giác chấp hành nghiêm các quy chuẩn pháp luật về BVMT, đáp ứng tối đa mọi yêu cầu khắt khe của bạn hàng quốc tế. Tại hai Cty may mặc TNHH PADMAX thuộc Tập đoàn Paddock’s-JeansGmbH (Đức), Cty TNHH May mặc ZUNZEN đều xác định yếu tố môi trường là sự sống còn nên đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, chất thải hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường trong các khu vực sản xuất nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm chất lượng sản phẩm xuất khẩu được khách hàng quốc tế chấp nhận. Không những thế cả hai doanh nghiệp đều lắp đặt hệ thống xử lý nước thải riêng bảo đảm đạt loại A theo tiêu chuẩn quốc gia (QCVN 40:2001/BTNMT) trước khi thải ra môi trường… Tại KCN Hòa Xá, các doanh nghiệp đều xác định bên cạnh việc đầu tư thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại, công tác BVMT phải được thực hiện nghiêm ngặt mới có thể sản xuất ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng yêu cầu về sản phẩn an toàn, thân thiện, BVMT. Cty CP Bia NaDa, chuyên sản xuất đồ uống tổng hợp đã chủ động xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải sản xuất, nên các thông số đánh giá mẫu nước thải hằng năm của Cty đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Cty TNHH Sungnam Knitting Mills hoạt động trong lĩnh vực dệt, nhuộm và hoàn tất các sản phẩm dệt may đã chủ động xây dựng hạ tầng, thiết bị xử lý sơ bộ nước thải của đơn vị gồm nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt, trước khi thải vào hệ thống xử lý chung của KCN Hòa Xá. Cty CP Dệt may Sơn Nam đã đầu tư xây dựng hệ thống bể phốt để xử lý nước thải trước khi đổ vào hệ thống xử lý chung của KCN Hòa Xá, vì vậy các thông số giám sát trong nhiều năm đều nằm trong giới hạn cho phép.

Các công trình BVMT chung trong tổng thể hạ tầng các KCN cũng được quan tâm đầu tư. Đến nay, KCN Hoà Xá đã cơ bản hoàn thành trồng cây xanh theo quy hoạch, đã xây dựng xong hồ điều hoà rộng gần 1ha làm diện tích mặt thoáng, điều hoà không khí; xây dựng trạm trung chuyển chất thải nguy hại; đầu tư hoàn chỉnh hai hệ thống thoát nước mưa và nước thải; đưa vào hoạt động trạm xử lý nước thải tập trung. Tại KCN Mỹ Trung đang triển khai trồng cây xanh trong KCN và xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và nước thải theo tỷ lệ lấp đầy; chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải với công suất dự kiến là 2.500 m3/ngày đêm. Tại KCN Bảo Minh đã xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ với mạng lưới đường giao thông nội bộ; nhà máy xử lý nước thải giai đoạn I đạt công suất 5.000 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư 74,4 tỷ đồng, chất lượng nước sau xử lý đạt loại A; xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch 20 nghìn m3/ngày đêm với tổng vốn 87 tỷ đồng phục vụ cho sản xuất. Để tiếp tục đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Bảo Minh, hiện tại Cty Phát triển hạ tầng Vinatex đang chuẩn bị các điều kiện để tháng 6-2016 tiến hành nâng cấp, tăng công suất của nhà máy xử lý nước thải giai đoạn I lên 8.000 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng. Đồng thời Cty sẽ thay đổi công nghệ xử lý nước thải bằng công nghệ ô-zôn là công nghệ sạch, thân thiện với môi trường nhờ giảm đến 30% lượng hóa chất cần sử dụng trong quá trình xử lý nước thải; giảm tối đa mức độ ô nhiễm thứ cấp. Cũng áp dụng công nghệ ô-zôn, tháng 8-2016, Cty Phát triển hạ tầng Vinatex sẽ đầu tư 60 tỷ đồng xây dựng nhà máy xử lý nước thải giai đoạn II đạt công suất 5.000 m3/ngày đêm nhằm đáp ứng nhu cầu lấp đầy toàn bộ KCN Bảo Minh của các doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm, thành công trong quá trình đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý hạ tầng, BVMT tại KCN Bảo Minh, Cty CP Đầu tư Vinatex tiếp tục được tin tưởng giao đầu tư phát triển hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) với quy mô đầu tư 1.500ha, với các yêu cầu cao về BVMT, phù hợp với quy định quốc tế và tiên tiến nhất hiện nay. Theo đó, Cty CP Đầu tư Vinatex phải chấp hành khung pháp lý của các luật liên quan, cũng như các quy định của địa phương trong quá trình xây dựng hạ tầng KCN Rạng Đông, bảo đảm xây dựng đầy đủ hệ thống: cống thoát nước thải, nước mặt KCN, nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 110 nghìn m3/ngày đêm đạt chuẩn theo quy định của Bộ TN và MT cũng như tiệm cận với thông lệ ở các nước Nhật Bản, Xinh-ga-po, bảo đảm nguồn nước xả thải ra môi trường luôn đạt mức A. Về xử lý chất thải rắn, nhà đầu tư dự kiến xây dựng nhà máy đốt rác công suất 20-30 tấn/ngày đêm, xử lý triệt để nguồn rác thải công nghiệp và rác sinh hoạt của KCN Dệt may Rạng Đông./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com