Công nghiệp dệt may vững vàng trên đường hội nhập

08:02, 26/02/2015

Sau gần 30 năm đổi mới cùng đất nước, ngành Dệt may đang có những bước chuyển mình ấn tượng, hội nhập mạnh mẽ không ngừng, khẳng định vị thế trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Nam Định là cái nôi của ngành Dệt may. Quy hoạch phát triển công nghiệp dệt may Việt Nam luôn xác định tỉnh ta là một trong những trung tâm dệt may lớn của cả nước.

Những doanh nghiệp đi đầu

Trong tiết trời xuân se lạnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty CP Dệt lụa Nam Định Đào Văn Phương đưa chúng tôi đi tham quan Nhà máy Nhuộm mới xây dựng trên diện tích 3ha tại KCN Hoà Xá. Hơi ấm từ các nồi hơi, dây chuyền nhuộm lan toả, vấn vít không gian. Anh Phương giới thiệu, đây là nhà máy có thiết kế và quy mô hiện đại cùng dây chuyền máy móc thiết bị sử dụng công nghệ tiên tiến bậc nhất hiện nay, đạt công suất nhuộm 7 triệu mét vải và 100 tấn sợi mỗi năm, tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 100 tỷ đồng. Trong khuôn viên nhà máy có hệ thống xử lý nước thải công suất 500m3/ngày đêm, bảo đảm xử lý an toàn nước thải trước khi xả ra môi trường. Hoàn thành đầu tư xây dựng, kịp đưa nhà máy vào hoạt động ngay trước thềm Xuân mới Ất Mùi là bước tiến vượt bậc của Cty. Như vậy, đến nay Cty CP Dệt lụa Nam Định đã có 5 đơn vị thành viên gồm: Nhà máy kéo sợi TC công suất 1.000 tấn/năm; Nhà máy kéo sợi len công suất 1.000 tấn/năm; Nhà máy dệt vải với 80 máy dệt Picanol hiện đại công suất 6 triệu mét vải/năm; Nhà máy se sợi công suất 1.000 tấn/năm và Nhà máy nhuộm mới đưa vào hoạt động cuối năm 2014.

Trưởng thành từ cái nôi của ngành Dệt trên đất Thành Nam; qua nhiều thăng trầm cùng ngành dệt địa phương nhưng thương hiệu Dệt lụa Nam Định vẫn luôn khẳng định vị thế trên thương trường, đến nay Cty đã lớn mạnh vượt bậc về quy mô, chất lượng lẫn tiềm lực nội sinh. Nếu như từ năm 2007 trở về trước, khi chưa tiến hành sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hoá, Cty liên tục thua lỗ, thu nhập của người lao động vừa thấp lại bấp bênh. Sau 7 năm cổ phần hoá theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, doanh thu của doanh nghiệp đã tăng gấp hơn 3,5 lần, từ 100 tỷ đồng năm 2007 lên hơn 350 tỷ đồng năm 2014; mức thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động tăng gần 4 lần, đạt hơn 5 triệu đồng. Trước đây, mỗi năm Cty chật vật chỉ nộp ngân sách được từ 3 đến 4 tỷ đồng thì hiện nay mức đóng góp vào ngân sách đã đạt trên 20 tỷ đồng. Thành công hôm nay một lần nữa khẳng định sức sáng tạo, sự quyết liệt, dám nghĩ, dám làm của thế hệ cán bộ lãnh đạo và tập thể cán bộ CNLĐ Cty đã hội nhập tích cực, vượt qua khó khăn, tranh thủ được cơ hội để gìn giữ và phát triển thương hiệu Dệt lụa Nam Định.

Vận hành dây chuyền máy dệt Picanol hiện đại sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tại Cty CP Dệt lụa Nam Định.
Vận hành dây chuyền máy dệt Picanol hiện đại sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tại Cty CP Dệt lụa Nam Định.

Đối với Cty CP May Nam Hà, bài toán luôn được Đảng uỷ, Ban giám đốc Cty đặt ra để tìm lời giải tối ưu trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế là năng suất và chất lượng. Sau 5 năm thực hiện chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" theo Quyết định 172 của Chính phủ, Cty CP May Nam Hà đã xây dựng, áp dụng thành công hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, đồng thời phát triển nguồn nhân lực cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 5 năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” song vẫn phải đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển, tạo thế và lực cho doanh nghiệp, mỗi năm Cty mạnh dạn đầu tư đổi mới 20% máy móc, thiết bị để bắt kịp với tiến bộ khoa học kỹ thuật đang thay đổi nhanh chóng nhằm tạo ra chất lượng sản phẩm tốt hơn, năng suất cao hơn, tiêu hao điện năng thấp hơn. Cty thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ bồi dưỡng, đào tạo cả đội ngũ quản lý và người lao động trực tiếp với yêu cầu mỗi công nhân phải sử dụng thành thạo hai loại máy móc, thiết bị. Đi đôi với nâng cao năng lực thiết bị kỹ thuật, Cty CP May Nam Hà luôn quan tâm đến đời sống, chế độ chính sách của 620 lao động, bảo đảm mức thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, Cty đều dành 10% quỹ lương, tương ứng với số tiền gần 4 tỷ đồng để thưởng cho người lao động đạt năng suất, chất lượng lao động cao và có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn. Áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ trong điều hành, quản trị doanh nghiệp, nên trong 5 năm gần đây lợi nhuận của đơn vị duy trì mức tăng bình quân 20% mỗi năm. Công tác xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp thường xuyên được quan tâm, các đoàn thể quần chúng Công đoàn, Đoàn Thanh niên hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ, phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi đoàn viên và đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chung của doanh nghiệp, tạo thành sức mạnh bền vững, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Đội ngũ những doanh nghiệp dệt may có quy mô lớn, số lượng hàng hoá xuất khẩu nhiều, đang có những bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu còn phải kể đến Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh, Cty TNHH Dệt may Hoàng Dũng... Được sự quan tâm, chăm lo, khích lệ về cơ chế, chính sách của tỉnh cùng nỗ lực nội tại của các doanh nghiệp, ngành công nghiệp dệt may tỉnh nhà đang khẳng định vị thế và xây dựng nền tảng vững chắc của một trung tâm công nghiệp dệt may.

Sẵn sàng hội nhập sâu rộng hơn

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định: Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp dệt may với thiết bị, công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Trên thực tế, trong các năm từ 2011-2014, giá trị sản xuất công nghiệp ngành Dệt may toàn tỉnh tăng bình quân mỗi năm 22,8%, cao hơn mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 đã đề ra là 19,5%/năm. Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp ngành Dệt may đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2010. Số cơ sở dệt may tăng từ 5.973 cơ sở (năm 2010) lên 6.235 cơ sở (năm 2014); trong đó số doanh nghiệp tăng từ 174 (năm 2010) lên 240 doanh nghiệp vào thời điểm hiện nay, phân bổ khắp các huyện, thành phố. Ngành Dệt may phát triển mở rộng đã giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động, nhất là ở khu vực nông thôn. Năm 2010, toàn tỉnh có 51.106 lao động dệt may, đến năm 2014 đã tăng lên 58.247 người.

Hiện nay, mặt hàng dệt may được xuất khẩu với số lượng lớn vào các thị trường châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và có kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 400 triệu USD, chiếm tỷ trọng hơn 80% trong cơ cấu xuất khẩu hàng hoá của tỉnh. Đứng trước sức ép của hội nhập kinh tế toàn cầu khi nước ta đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều nước và sắp tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); trong đó điểm đáng chú ý của TPP là 90% các loại thuế xuất, nhập khẩu giữa các nước thành viên sẽ được cắt giảm bằng 0% (bao gồm cả các sản phẩm dệt may). Đây là cơ hội không thể tốt hơn để ngành dệt may phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia Hiệp định, đặc biệt là thị trường Mỹ. Hiện tại, Mỹ đang áp dụng mức thuế suất 17,5% đối với hàng dệt may Việt Nam và số lượng mặt hàng này xuất khẩu vào Mỹ đã chiếm 50% tổng sản lượng xuất khẩu của ngành Dệt may. Do vậy, khi TPP được ký kết và có hiệu lực sẽ là cơ hội tốt để ngành Dệt may đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng như một số nước châu Âu, Nhật Bản. Nước ta hiện đang đứng thứ 5 thế giới về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may.

Các doanh nghiệp dệt may tỉnh nhà đã làm gì để đón bắt cơ hội này? Đối với Cty CP Dệt lụa Nam Định, ban lãnh đạo Cty đã chuẩn bị chiến lược “đi tắt, đón đầu” để khai thác các lợi thế mà TPP sẽ mang lại. Sau nhiều năm nghiên cứu, để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, Cty đã chọn giải pháp thành lập liên doanh giữa 3 bên Việt Nam - Nhật Bản - Trung Quốc với 70% số vốn góp là của Cty Dệt lụa. Liên doanh này có mục đích tập trung sản xuất vải len và vải pha len xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Dệt lụa Nam Định dựa vào liên doanh này để tái cơ cấu đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác để đáp ứng các điều kiện của TPP. Hiện nay Cty CP Dệt lụa Nam Định đã có thể sản xuất và cung ứng nguyên liệu chính từ khâu sợi đến vải thành phẩm cho các doanh nghiệp dệt may hàng đầu để xuất khẩu vào các nước tham gia Hiệp định TPP... Cty CP May Sông Hồng được xếp loại là một trong 15 doanh nghiệp có quy mô nhân lực và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước. Hiện tại, Cty có hơn 8.300 công nhân làm việc tại 14 phân xưởng hiện đại đạt những chuẩn mực quốc tế về môi trường làm việc, chất lượng sản phẩm, kỷ luật lao động tại Thành phố Nam Định và các huyện Xuân Trường, Hải Hậu. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Cty đạt trên 134 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt trên 88 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước 57 tỷ đồng. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tăng lên 145 triệu USD, trong đó hàng xuất khẩu trực tiếp đạt gần 60%. Sau năm 2015, quy mô nhân lực của Cty sẽ tăng lên hơn 10 nghìn người, kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD, tổng doanh thu đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng... Ở Cty CP May Nam Hà, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trước đây là áo giắc-két sang thị trường châu Âu và hiện nay là quần áo bơi co dãn 4 chiều xuất khẩu sang Mỹ. Đồng chí Đoàn Tiến Dũng, Giám đốc Cty khẳng định: Sở dĩ doanh nghiệp xuất khẩu được hàng vào thị trường Mỹ bởi đơn vị đã sớm tập trung đầu tư cho các yêu cầu chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và phương thức quản lý riêng biệt. Sau gần 10 năm chuyển sang sản xuất quần áo bơi xuất khẩu, Cty CP May Nam Hà đã xây dựng được niềm tin vững chắc với khách hàng... Tại KCN Bảo Minh, do cơ sở hạ tầng cùng hệ thống xử lý nước thải được Cty CP Đầu tư Vinatex xây dựng khá đồng bộ theo tiêu chí KCN sinh thái nên đã có hàng loạt doanh nghiệp dệt may xây dựng nhà máy với quy mô lớn để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo thêm sức cạnh tranh cùng thương hiệu cho tỉnh Nam Định. Cty TNHH Sunrise Spinning đã đưa vào vận hành nhà máy kéo sợi, công suất 3.207 tấn/năm với tổng vốn đầu tư gần 19 triệu USD. Cty CP Dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise hoàn thành xây dựng, đưa vào sản xuất chuỗi nhà máy dệt nhuộm có công suất 3.600 tấn vải dệt kim và 18 triệu mét vải dệt thoi mỗi năm. Cty TNHH Smart Ventures USA xây dựng nhà máy sản xuất quần, áo sơ mi nam, nữ, đồng phục và một số nhóm hàng khác, công suất 8 triệu sản phẩm/năm. Cty CP May Duy Minh sản xuất 100% hàng xuất khẩu. KCN Dệt may Rạng Đông có diện tích 600ha đang được tỉnh phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam nỗ lực xây dựng nhằm thu hút chuỗi doanh nghiệp ở các nước tiên tiến vào đầu tư sản xuất khép kín các công đoạn sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất nhằm đón bắt cơ hội của TPP khi được ký kết.

Hội nhập kinh tế quốc tế và các Hiệp định thương mại không chỉ tạo ra cơ hội mà cũng luôn kèm theo nhiều thách thức đối với mỗi doanh nghiệp. Theo quy định của TPP, thuế suất bằng 0% đối với mặt hàng dệt may chỉ được áp dụng trong vòng 3 năm sau khi TPP được ký kết và có hiệu lực. Sau 3 năm, muốn được hưởng mức thuế suất này, các nước tham gia TPP phải tuân thủ các nguyên tắc không đơn giản của TPP như tỷ lệ nội địa hóa "từ sợi trở đi", có nghĩa là các công đoạn từ kéo sợi, nhuộm, hoàn tất và may phải được làm từ các nước thành viên. Như vậy, để có thể tranh thủ được các cơ hội do TPP mang lại thì ngành Dệt may của tỉnh đã phải tính đến yêu cầu này và chuẩn bị sớm. Là trung tâm dệt may lớn của cả nước, với nhiều bài học kinh nghiệm trong suốt quá trình phát triển, nhất là trong 30 năm đổi mới và những năm kinh tế đầy biến động gần đây, công nghiệp dệt may tỉnh nhà chắc chắn sẽ tận dụng tốt các cơ hội của TPP và các hiệp định thương mại liên quan để vượt "sóng cả" phát triển cùng những mùa Xuân hội nhập./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com