Đổi mới hoạt động khuyến công năm 2014

09:07, 14/07/2014

Ngày 29-5-2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-UBND phê duyệt nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện 29 chương trình, đề án khuyến công đợt một năm 2014 với tổng kinh phí 2,108 tỷ đồng. Các chương trình, đề án khuyến công được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đợt này gồm: 5 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; 5 đề án bình chọn sản phẩm CN-TTCN nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2014 cho các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Ý Yên, Trực Ninh, Nam Trực; 1 đề án bình chọn sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014; 4 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về triết lý kinh doanh, xây dựng hệ thống phân phối bán hàng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại KCN Hòa Xá, Mỹ Trung và các huyện Xuân Trường, Nam Trực; hỗ trợ kinh phí cho 14 lớp đào tạo nghề.

Sản xuất than sinh học từ nguyên liệu mùn cưa, trấu của cơ sở Lê Trường An, xã Giao Long (Giao Thủy).
Sản xuất than sinh học từ nguyên liệu mùn cưa, trấu của cơ sở Lê Trường An, xã Giao Long (Giao Thủy).

Để nguồn kinh phí khuyến công năm 2014 được sử dụng hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN nông thôn phát triển sản xuất, ngay từ đầu năm 2014 Sở Công thương đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố nghiên cứu, đề xuất các biện pháp đổi mới phương thức thực hiện và sử dụng nguồn kinh phí khuyến công. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp với Phòng Công thương các huyện, Phòng Kinh tế thành phố triển khai rà soát, xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp thực hiện có hiệu quả các đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức… Trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố làm “đầu mối” liên kết với các doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người lao động ngay tại doanh nghiệp. Hình thức đào tạo này vừa phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, giúp người lao động tiếp cận, làm quen với hoạt động sản xuất thực tế của doanh nghiệp vừa bảo đảm sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đúng đối tượng. Nếu như các năm trước, các địa phương đều chờ có kinh phí tỉnh cấp mới triển khai dạy nghề, dẫn đến tình trạng “no dồn, đói góp”, ồ ạt mở lớp, trong đó nhiều lớp không theo nhu cầu của doanh nghiệp, không phát huy hết hiệu quả. Năm nay căn cứ vào nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2014, các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Vụ Bản, Nghĩa Hưng đã tổ chức được 14 lớp đào tạo các nghề: thêu ren, đan cói, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu… cho gần 500 lao động nông thôn với tổng kinh phí 558 triệu đồng. Sau khi tham gia lớp học nghề, hầu hết lao động nông thôn đã nắm vững nghề và có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp. Các lớp dạy nghề được tổ chức sớm giúp cho các doanh nghiệp chủ động nguồn nhân lực để thực hiện các dự án, kế hoạch sản xuất. Một điểm mới nữa trong sử dụng nguồn kinh phí khuyến công năm nay là các cơ sở sản xuất, hộ cá thể có tiềm năng phát triển cũng được xét đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ triển khai thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật, sản xuất sản phẩm mới. Theo đó, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới cho 4 doanh nghiệp và 1 cơ sở sản xuất với tổng kinh phí 1,140 tỷ đồng. Cả 4 doanh nghiệp tham gia đều được hỗ trợ 250 triệu đồng (mức hỗ trợ cao nhất) cho một mô hình, bao gồm mô hình: sản xuất khung, càng xe đạp điện, xe máy điện và lắp ráp hoàn chỉnh xe đạp, xe máy điện của Cty CP Việt Thái, KCN Hòa Xá (TP Nam Định); sản xuất thảm cao su công nghiệp và săm lốp cao su xe máy, máy nông nghiệp của Cty TNHH Sản xuất thương mại Nam Anh, CCN An Xá (TP Nam Định); sản xuất ăng-ten parabol và chảo thu phát sóng truyền hình của Cty TNHH Linh Đông, CCN Đồng Côi (Nam Trực); sản xuất bột sun-phát kẽm dùng trong công nghiệp mạ điện và sản xuất thức ăn chăn nuôi của Cty CP Công nghiệp và khoáng sản Nam Định, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). Riêng mô hình sản xuất than sinh học làm chất đốt các lò hơi công nghiệp trong doanh nghiệp dệt may của cơ sở ông Lê Trường An, xã Giao Long (Giao Thủy) được hỗ trợ kinh phí 140 triệu đồng. Nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh đã được sử dụng hiệu quả, giúp các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư hoàn thiện hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất và tổ chức hội nghị trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm mới đảm bảo chất lượng, được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt. Đồng thời, các mô hình trình diễn kỹ thuật còn góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất CN-TTCN của địa phương, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động. Tiêu biểu như Cty TNHH Sản xuất thương mại Nam Anh đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm thảm cao su lưu hóa phục vụ sản xuất công nghiệp (nguyên liệu sản xuất băng chuyền tải, bệ cao su, găng tay, ủng bảo hộ lao động…) và dân dụng (chống rung, cách âm, chống ẩm mốc cho hệ thống trần, vách tường, ván sàn…). Với tổng mức đầu tư trên 7,4 tỷ đồng, 2 dây chuyền sản xuất thảm cao su của Cty có công suất trên 5.000m2 sản phẩm/tháng. Ngoài thị trường nội địa, sản phẩm của Cty còn được xuất khẩu sang một số nước trong khối ASEAN, Hàn Quốc. Mô hình sản xuất than sinh học từ nguyên liệu mùn cưa, trấu của cơ sở sản xuất Lê Trường An có tổng mức đầu tư gần 1,5 tỷ đồng, mỗi năm sản xuất được 1.000 tấn sản phẩm. Với những ưu điểm như: giá thành thấp bằng 1/3, nhiệt lượng sản sinh bằng 4/5 so với các loại than đá, than cám, người sử dụng lại có thể điều chỉnh nhiệt độ dễ dàng nên sản phẩm đã được các doanh nghiệp may công nghiệp trong tỉnh ưa chuộng.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Sở Công thương tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh các biện pháp nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công, nhất là xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật để tạo động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động nông thôn./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com