Khai thác hiệu quả hệ thống cấp nước sạch nông thôn

08:06, 16/06/2014

Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn giai đoạn 2012-2015 đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng nước sạch, từng bước làm thay đổi một cách tích cực hành vi của cộng đồng về môi trường, nước sạch và vấn đề giữ gìn, bảo vệ nguồn nước.

Công nhân Nhà máy nước sạch Nam Hoa (Nam Trực) vận hành thiết bị cung cấp nước.
Công nhân Nhà máy nước sạch Nam Hoa (Nam Trực) vận hành thiết bị cung cấp nước.

Thực hiện Chương trình, chính quyền các địa phương đã phối hợp hiệu quả với các đơn vị tham gia cấp nước sạch tại vùng nông thôn tiến hành khảo sát, tham vấn ý kiến nhân dân về thực trạng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước để tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các dự án, công trình cung cấp nước sạch phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương. Chỉ tính riêng dự án WB do Cty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Nam Định quản lý, khai thác, toàn tỉnh đã xây dựng, đưa vào hoạt động 15 nhà máy đảm bảo cung cấp nước sạch cho 419.120 dân với 75.317 hộ gia đình của 52 xã, thị trấn trong toàn tỉnh. Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống xử lý lọc nước của các nhà máy nước thuộc dự án đều đảm bảo yêu cầu về chất lượng nước. Nước được xử lý đúng quy trình; dây chuyền xử lý đồng bộ từ các trạm bơm nước thô; bể xử lý nước mặt; bể lắng đứng kết hợp ngăn phản ứng trung tâm; bể lọc; mương sơ lắng cát, thu hồi nước rửa lọc; hố bùn; nhà hóa chất; bể nước sạch; đến đầu ra cung cấp nước là trạm bơm nước sạch... Qua quá trình kiểm nghiệm thực tế sử dụng nước của nhân dân ở 52 xã trong khu vực dự án cho thấy, chất lượng và áp lực nước đảm bảo sạch, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng, sinh hoạt của nhân dân. Từ năm 1999 đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 56 công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn với tổng công suất theo thiết kế là 94.845m3/ngày; đáp ứng yêu cầu sử dụng nước sạch cho trên 672 nghìn người. Kết quả đó góp phần quan trọng, nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh. Đến hết năm 2013, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91,52%, trong đó 63,79% sử dụng nước sạch đạt chuẩn quốc gia QCVN 02:2009/BYT. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 73,27%. Tỷ lệ trường học và trạm y tế xã có công trình cấp nước sạch đạt 100%. Đa số công trình cấp nước được khai thác, sử dụng tương đối hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng và điều kiện sống của người dân khu vực nông thôn.

Tuy nhiên ở một số địa phương, công tác vận hành, khai thác công trình cấp nước tập trung vẫn chưa được coi trọng. Có những công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả, không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ dẫn đến nhanh bị hư hỏng, xuống cấp; không bảo đảm yêu cầu cấp nước sạch bền vững cho người dân nông thôn. Để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng nước sạch cung cấp ở nông thôn, ngày 8-5-2014, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc tăng cường quản lý vận hành, khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn. Theo đó, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát hiện trạng, đánh giá hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước tập trung, bao gồm hiện trạng công trình và trang thiết bị, tình trạng hoạt động của các công trình, phân loại công trình và mô hình tổ chức quản lý vận hành, làm rõ nguyên nhân tồn tại và có phương án xử lý, khắc phục đối với từng công trình hoạt động kém hiệu quả. Tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức quản lý vận hành để lựa chọn mô hình phù hợp; kiên quyết thay đổi mô hình tổ chức quản lý vận hành kém hiệu quả. Đối với công trình đầu tư dang dở do không huy động được kinh phí đóng góp của nhân dân thì phải làm thủ tục đình chỉ thi công công trình và điều chuyển thiết bị cho công trình khác, không để tình trạng thiết bị hư hỏng do không được sử dụng. Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn công nghệ xử lý nước hiệu quả và phù hợp với điều kiện nguồn nước, kinh tế - xã hội, phong tục tập quán ở địa phương để xây dựng cẩm nang hướng dẫn sử dụng. Ngành Ngân hàng tiếp tục mở rộng hoạt động cho vay vốn tín dụng Ngân hàng CSXH để thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và VSMT nông thôn. Ngành Tài chính tiếp tục thẩm định, xem xét, trình UBND tỉnh điều chỉnh giá bán nước sạch nông thôn trên địa bàn theo lộ trình phù hợp trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý. Trường hợp thu không đủ chi phí, tham mưu với UBND tỉnh phương án xử lý. Từ các kiến nghị, tham mưu của ngành chức năng, UBND tỉnh sẽ xem xét để điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngân sách, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho công tác sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước xuống cấp, hư hỏng để nâng cao hiệu quả sử dụng; hỗ trợ chi phí vận hành, bảo dưỡng đối với công trình thu không đủ bù các chi phí; hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các xã khó khăn, hỗ trợ những gia đình nghèo và gia đình chính sách. Đối với những công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, các ngành chức năng sẽ kiên quyết chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý khai thác, vận hành công trình sau đầu tư. Chỉ thực hiện việc phân cấp đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung khi thẩm định đơn vị có đủ năng lực, trình độ chuyên môn và nắm vững các yêu cầu trong bảo đảm cung cấp nước sạch đến người dân; đồng thời tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát đối với việc đầu tư và quản lý, khai thác công trình sau đầu tư. Các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch và VSMT để người dân có ý thức quản lý, bảo vệ công trình cấp nước tập trung, bảo vệ nguồn nước và môi trường./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com