Đôi điều suy nghĩ về nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân

07:07, 06/07/2013

LTS: Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2013-2018) diễn ra từ ngày 1-7 đến 3-7-2013 đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã đề ra những giải pháp quan trọng, đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, đồng thời thể hiện rõ vai trò tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của người nông dân. Báo Nam Định xin giới thiệu bài viết của TS ĐẶNG KIM SƠN, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp, Nông thôn: “Đôi điều suy nghĩ về nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân”.

Bất chấp mọi khó khăn, biến động, nông nghiệp (NN), nông dân (ND) và nông thôn (NT) nước ta vẫn tiếp tục phát triển, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đông đảo người lao động ở NT chưa nhận được những gì họ xứng đáng được hưởng.

Quá trình toàn cầu hóa mở ra những cơ hội to lớn cho toàn dân thì cũng đem lại những bất công mới cho cư dân NT. ND sản xuất nhỏ Việt Nam, không được hỗ trợ, không có đầu tư khó có thể cạnh tranh bình đẳng với các hệ thống sản xuất NN hiện đại, quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ, trợ cấp dồi dào ở các quốc gia phát triển và với các hệ thống tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Thêm vào đó là những yếu tố biến động của thiên tai, dịch bệnh, thị trường và quá trình biến đổi khí hậu trong tương lai tiếp tục tạo ra nhiều rủi ro trong sản xuất và đời sống cho ND. Trong khi đó, địa bàn NT không hấp dẫn với các nhà đầu tư, công nghiệp có tốc độ tăng việc làm khá nhanh nhưng không thu hút nhiều lao động NT. Lao động rút ra khỏi NT chủ yếu tham gia vào thị trường “lao động không chính thức” có thu nhập thấp, chịu rủi ro cao, không vững bền và mất công bằng.

Nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng CNH-HĐH là điều kiện căn bản để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Ảnh: Internet.
Nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng CNH-HĐH là điều kiện căn bản để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Ảnh: Internet.

Nhiều thiệt thòi, bất bình đẳng khác về khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa; về khai thác, chiếm dụng, thu hồi đất đai, phá hoại rừng, khai thác nguồn nước, đổ chất thải công nghiệp, phế thải; về đối xử không công bằng trong lương bổng, điều kiện ăn, ở, làm việc với lao động từ NT tuy tăng nhưng chỉ bằng nửa thu nhập cư dân đô thị, tỷ lệ nghèo cao và tình trạng mất công bằng trong nội bộ NT cũng tăng đáng kể.

Phát huy thành công quá trình đổi mới, lực lượng lao động đông đảo ra đi từ NT Việt Nam vẫn là nguồn tài nguyên quan trọng nhất để phát triển kinh tế và bảo đảm ổn định xã hội đất nước trong thời gian tới. Kinh tế NT kết hợp hài hòa với kinh tế đô thị, hướng vào phát triển dịch vụ và công nghiệp ngay trên địa bàn NT sẽ tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập đồng đều cho mọi người, thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân là cái nôi thuận lợi để dịch vụ và công nghiệp tăng trưởng hiệu quả.

Một giai cấp ND tiên tiến, tổ chức chặt chẽ, có việc làm và thu nhập ổn định, sống trong không gian NT mới gắn bó hài hòa với đô thị là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho một nền chính trị ổn định và dân chủ, một xã hội văn minh truyền thống, một môi trường tự nhiên giàu đẹp và trong sạch. Đó là nền tảng căn bản của một đất nước phát triển vững bền, là gốc sâu, rễ chắc của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và chủ động hội nhập thế giới.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) đã khẳng định những vấn đề căn bản, cốt lõi trong phát triển NN, NT và chăm lo đời sống người ND; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với sự phát triển của NN, ND, NT. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, thậm chí cả những lệch lạc, sai lầm trong nhận thức cũng như hành động. Đó là thái độ ban ơn, bao biện, bao cấp đối với ND của một số cán bộ, đảng viên và cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, là tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên trợ giúp, làm thay của một bộ phận ND và một số cán bộ, đảng viên cũng như không ít các cơ quan, tổ chức đâu đó vẫn còn hiện tượng “phấn đấu” để được đưa vào hay giữ lại trong danh sách xã nghèo, huyện nghèo nhất; vẫn đợi Nhà nước quy hoạch sản xuất và mong doanh nghiệp “bao tiêu” nông sản… Rõ ràng, cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo dựng và bảo đảm vai trò chủ thể của giai cấp ND trong sự nghiệp phát triển NN, ND, NT thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Mục tiêu trên phải được thể hiện trong ba nội dung chính sách.

Thứ nhất, sản xuất NN là lợi thế rõ rệt nhất của Việt Nam hiện nay. Để phát huy nó, ngành sản xuất NN phải hướng vào chất lượng, hiệu quả và giá trị tăng cao, sản xuất hàng hóa lớn tham gia thị trường toàn cầu. Từ cái cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” nghề nông phải trở thành một nghề chuyên nghiệp, nhà nông sẽ là nhà quản lý giỏi, kỹ thuật cao. Đây sẽ là bước chuyển căn bản. Các hộ ND sẽ liên kết chặt chẽ với nhau trong các hình thức kinh tế hợp tác và các hiệp hội ngành nghề gắn bó. Năng suất lao động trong NN phải tăng lên hàng chục lần hiện nay để NN tiếp tục tăng trưởng.

Thứ hai, tỷ lệ lao động trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm từ 50% hiện nay sẽ giảm xuống 30% và thấp hơn nữa. Để bảo đảm cung cấp đủ lao động có chất lượng cho quá trình CNH, phần lớn lao động NN sẽ chuyển dần sang các lĩnh vực phi NN trong tương lai gần. Rất đông cư dân NT sẽ nhanh chóng chuyển sang sinh hoạt trong môi trường đô thị. Yếu tố quyết định thành công cho quá trình chuyển đổi và hòa nhập to lớn đó là khả năng tiếp thu tay nghề, việc thay đổi kỹ năng sống và làm việc trong môi trường mới. Đó là điều kiện quyết định bảo đảm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, tạo nền tảng công bằng vững chắc cho xã hội phát triển.

Thứ ba, từ bài học biến dạng, tan vỡ xã hội NT trong quá trình CNH ở một số nước trên thế giới, Việt Nam phải tạo điều kiện để NT tiếp tục phát huy vai trò cái nôi gìn giữ văn hóa dân tộc, là lá phổi môi trường trong sạch, là thành lũy bảo vệ đất nước. Trong quá trình phát triển NT mới, người dân NT vừa trực tiếp tham gia sức người, sức của và trí tuệ, vừa trở thành đối tượng hưởng lợi chính. Sức mạnh của quan hệ cộng đồng sẽ là yếu tố quan trọng được huy động quản lý xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, gìn giữ an ninh, xây dựng, khai thác và quản lý cơ sở hạ tầng.

Để người ND thực sự trở thành người chủ tương lai của mình, trước hết bản thân họ phải được hỗ trợ để nâng cao dân trí, thay đổi tâm lý ỷ lại, thụ động, riêng rẽ, tác phong tùy tiện. Họ phải có cơ hội được chia sẻ mọi lợi ích của quá trình phát triển đất nước: Tiếp cận thông tin thị trường, tiến bộ khoa học công nghệ, được hưởng các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống. ND phải có tiếng nói trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, phải được bảo vệ trước các rủi ro trong sản xuất và đời sống như người dân đô thị. Người sản xuất, kinh doanh NN phải yên tâm ổn định sử dụng tài nguyên để chủ động ứng phó và nắm bắt cơ hội thị trường, phải được trao quyền để có vị thế trong quá trình đàm phán, hợp tác và giao dịch với các doanh nghiệp, với đối thủ cạnh tranh, được tham gia vào xây dựng và thi hành chính sách…

Giải pháp tổ chức đóng vai trò quan trọng nhất để tạo dựng vị thế chủ thể cho cư dân NT. Đảng bộ địa phương phải đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức giai cấp ND, bảo vệ quyền, lợi ích của lao động NT. Các đoàn thể chính trị xã hội cần thực sự phát huy vai trò đại diện cho quyền lợi của dân…

Tóm lại, để tiếp tục nâng cao nhận thức và phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của ND trong sự nghiệp phát triển NN, ND, NT cần phải đổi mới nhận thức, coi xây dựng, phát triển giai cấp ND, phát huy vai trò chủ thể của giai cấp ND là nhiệm vụ trung tâm. NN, NT phát triển theo hướng CNH-HĐH là điều kiện căn bản để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của ND, nâng cao dân trí, trình độ văn hóa, năng lực sản xuất, ý thức làm chủ, phẩm chất đạo đức, ý thức giai cấp của ND. Ngược lại, để phát triển NN, NT, giai cấp ND phải chủ động vươn lên hoàn thiện chính mình bằng cả nỗ lực chủ quan lẫn sự trợ giúp của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị./.

Theo qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com