Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất vụ đông năm 2012

07:10, 16/10/2012

Vụ đông năm 2012 được xác định là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn do khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, thời vụ chậm, các địa phương tập trung cao cho công tác dồn điền đổi thửa, dư âm hiệu quả kinh tế vụ đông năm 2011 thấp… Tuy nhiên, với sự tập trung chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tích cực đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông hàng hóa với chỉ tiêu diện tích gieo trồng 16 nghìn ha.

Các trận mưa lớn cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua đã gây khó khăn cho thu hoạch lúa mùa và trồng cây vụ đông do giải phóng đất chậm và đất ướt chưa thể làm đất để gieo trồng các cây vụ đông sớm, vốn rất khắt khe với thời vụ. Do mưa sớm, nhiều, cộng với trạng thái Elnino nên thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp. Vụ đông năm 2012 được dự báo là đại hạn, thiếu nguồn nước tưới cho cây trồng. Ngoài khó khăn về thời tiết thì vụ mùa năm 2012 triển khai chậm so với trung bình nhiều năm nay do vụ xuân chậm, thậm chí có huyện sang tháng 8 vẫn còn cấy lúa mùa. Trong khi đó các cây trồng vụ đông ưa nhiệt rất khắt khe về thời vụ và có điều kiện mở rộng diện tích như: đậu tương, dưa chuột, ngô, bí xanh, cà chua… chỉ trồng được khi vụ mùa cấy trà mùa sớm. Riêng với đậu tương đông với phương pháp gieo vãi hay gieo vào gốc rạ mà không phải làm đất; thời điểm gieo là sau khi thu hoạch xong lúa mùa nhưng chậm nhất là trước 5-10 phải gieo xong. Một số cây trồng vụ đông có thể mở rộng do không khắt khe về thời vụ như: cây cải dầu, cây khoai tây… nhưng không phải địa phương nào cũng mở rộng được vì loại cây này kén đất, đòi hỏi trình độ thâm canh cao và phải có đầu ra… Một khó khăn nữa tác động đến sản xuất vụ đông năm 2012 là năm nay hầu hết các huyện trong tỉnh đều tổ chức dồn điền đổi thửa (DĐĐT) và quyết tâm sau khi thu hoạch xong vụ lúa mùa sẽ tổ chức giao ruộng ngoài thực địa cho các hộ nông dân. Do công tác DĐĐT là vấn đề nhạy cảm nên các địa phương đều tập trung công sức để chỉ đạo thực hiện. Trong thời điểm bước vào sản xuất vụ đông 2012, các xã, thị trấn của 8 huyện còn lại trong tỉnh đều đồng loạt tổ chức DĐĐT nên nếu không quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thì diện tích gieo trồng cây vụ đông của các địa phương sẽ khó đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ngoài ra, các khó khăn như giá cả vật tư sản xuất ngày càng tăng, giống đậu tương, ngô hiếm… cũng tác động đến mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông năm nay.

Nông dân xã Giao Tiến (Giao Thủy) chăm sóc bí giống vụ đông năm 2012.
Nông dân xã Giao Tiến (Giao Thủy) chăm sóc bí giống vụ đông năm 2012.

Do hiệu quả kinh tế cao nên tỉnh ta xác định vụ đông là vụ sản xuất hàng hoá chính. Vụ đông năm 2011 là vụ hiệu quả kinh tế thấp nhất từ trước đến nay, nhưng khi trừ hết chi phí vật chất đầu vào cây cà chua vẫn cho thu 70,7 triệu đồng/ha, cây bí xanh cho thu 43,9 triệu đồng/ha, cây khoai tây cho thu 41,6 triệu đồng/ha… Do vậy, mặc dù có nhiều khó khăn trong triển khai sản xuất nhưng các địa phương trong tỉnh vẫn tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai gieo trồng cây vụ đông, phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao là 16 nghìn ha để tăng thu nhập cho nông dân. Hiện nay, các xã, thị trấn đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gieo trồng, vận động các tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện kinh tế có kinh nghiệm sản xuất vụ đông để thuê, mượn ruộng để trồng cây vụ đông. Nhiều địa phương đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn chuyên sản xuất cây vụ đông hàng hoá có sự tham gia của các doanh nghiệp để cung ứng vật tư, giống đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định và có lợi cho người sản xuất. Vụ đông năm nay toàn tỉnh phấn đấu xây dựng 66 mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng màu với quy mô trên 1.000ha. Cụ thể 41 mô hình trồng cây đậu tương với tổng diện tích trên dưới 500ha, 16 mô hình trồng cây khoai tây giống Đức, Hà Lan với tổng diện tích 450ha, 3 mô hình trồng rau an toàn với tổng diện tích 10ha trở lên và 6 mô hình trồng các loại cây vụ đông khác với tổng diện tích trên dưới 150ha. Đặc biệt nhân rộng mô hình trồng cây dưa chuột bao tử xuất khẩu vụ đông của Cty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) trong nhiều vụ đông qua đã trở thành cánh đồng mẫu lớn cả ba vụ trong năm cả hộ nông dân và doanh nghiệp đều có thu nhập cao. Đối với vùng đất màu của các huyện thực hiện đa dạng cây trồng, luân canh quay vòng 2-3 lứa các cây rau đậu ngắn ngày như củ cải Thái Lan - cải thìa (hoặc cải cúc) - khoai tây ở các xã Yên Đồng, Yên Bằng, Yên Nhân, Yên Cường (Ý Yên), Giao Phong (Giao Thuỷ); rau giống - cải ngọt - rau thơm - xà lách của các vùng màu chuyên rau Mỹ Trung, Cốc Thành (Vụ Bản), Mỹ Tân (Mỹ Lộc)… Đặc biệt cây khoai tây Đức, Hà Lan nên mở rộng trên đất màu trước khi trồng 1-2 lứa rau ăn lá vì thời vụ không khắt khe. Đồng chí Hoàng Vĩnh Tuy, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh cho biết, cây khoai tây đông là một trong những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao nhất trong vụ đông. Vụ đông năm 2011 mặc dù giá khoai tây giảm xuống thấp nhất trong nhiều năm gần đây nhưng giá trị sản lượng vẫn đạt bình quân 85,05 triệu đồng/ha và lợi nhuận vẫn đạt 41,6 triệu đồng/ha. Đặc biệt trong 2 năm 2010, 2011 Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã trồng mô hình khoai tây đông làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng khoai tây truyền thống. Vụ đông năm 2010, Chi cục làm mô hình điểm tại HTX Trung Thành (Vụ Bản) và vụ đông năm 2011 làm tại HTX Lương Kiệt, xã Liên Minh (Vụ Bản) theo phương pháp không làm đất, chỉ tạo rãnh thoát nước theo luống. Ngoài phân chuồng, NPK bón theo cách trồng truyền thống, dùng đất bột lấy ở rãnh lót trước khi đặt củ và phủ kín củ giống 1 lớp mỏng sau đó dùng rơm rạ phủ dầy 7-10cm (1 sào trồng khoai tây dùng rơm rạ của 3-4 sào lúa). Qua thu hoạch mỗi sào trồng theo phương pháp mới năng suất cao hơn cách trồng truyền thống 87,4kg (ở Trung Thành) và 160kg (ở Lương Kiệt). Thành công này mở ra hướng trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ đối với các chân đất cao không phải chuyên màu của tỉnh với hiệu quả kinh tế cao và giảm được ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ gây ra. Mở rộng trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu ở tỉnh ta là thế mạnh chưa khai thác hết, nhất là các vùng phía nam tỉnh thường xuyên gieo cấy vụ mùa chậm. Về giống, hiện tại tỉnh ta có trên 60 kho lạnh đang bảo quản giống khoai tây cho vụ đông với gần 300 nghìn tấn giống, thoả mãn nhu cầu mở rộng ngay trong vụ đông 2012.

Vùng đất cấy 2 vụ lúa của các địa phương nên tập trung trồng các loại cây vụ đông hàng hoá, dễ làm có hiệu quả kinh tế cao như bí xanh, cà chua, dưa chuột, cải dầu và rau ngắn ngày. Cây dễ trồng, cho hiệu quả chưa cao và có tác dụng cải tạo đất là cây đậu tương đông cũng cần mở rộng triển khai ngay sau thu hoạch lúa mùa sớm, tốt nhất là trong tháng 9. Sau ngày 5-10, tuyệt đối không trồng đậu tương đông. Cây cải dầu là thế mạnh của huyện Hải Hậu cần được nhân rộng ra các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng vì dễ trồng, gần như không phải làm đất và không tốn công chăm sóc nhưng thu nhập có thể đạt trên dưới 20 triệu đồng/ha, cao hơn đậu tương và khoai lang đông. Với các cây cho giá trị kinh tế cao, trồng dễ như cà chua, bí xanh, dưa chuột… thì ngay trong tháng 9 các địa phương phải tổ chức gieo ương trên vườn, vào bầu để thực hiện “sáng thu hoạch lúa mùa, chiều trồng cây vụ đông”. Kinh nghiệm của nông dân các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ là đưa ngay bí đã gieo ở bầu đủ ngày đặt bờ ruộng lúa, khi lúa mới uốn câu… Làm như vậy, khi thu hoạch lúa mùa thì bí đã phát triển dài trên dưới 1m, sẵn sàng ra hoa, quả đầu vụ. Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ trồng cây vụ đông, nhất là vùng cây vụ đông trồng theo quy hoạch vùng đã được xác định. Vụ đông năm nay, UBND tỉnh hỗ trợ giống cho 2 cây trồng là đậu tương và bí xanh theo vùng thấp nhất 3ha trở lên với mỗi sào 70 nghìn đồng. UBND tỉnh cũng yêu cầu các Cty TNHH một thành viên KTCTTL dành 50% kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí của Chính phủ để kiên cố hoá kênh mương hoặc chỉnh trang hệ thống tưới tiêu nước cho vùng cánh đồng mẫu lớn…

Việc mở rộng, phát triển diện tích trồng cây vụ đông là giải pháp quan trọng để tăng thu nhập cho nông dân và thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch trồng 16.000ha cây vụ đông năm 2012, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp tháo gỡ những khó khăn trước mắt, đồng thời đẩy mạnh liên doanh, liên kết giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com