Yên Dương phát triển kinh tế hộ

07:10, 20/10/2011

Những năm gần đây, xã Yên Dương (Ý Yên) tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia trại theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa. Hằng năm diện tích cây rau màu vụ đông của xã luôn duy trì 222ha, tập trung vào các loại cây trồng ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như su hào, bắp cải, cà chua, súp lơ và khoai tây Solara... Bên cạnh sản xuất rau màu, xã khuyến khích phát triển mô hình gia trại, tập trung vào các con nuôi đặc sản như ba ba gai, nhím; chăn nuôi lợn hướng nạc... và phát triển mô hình sản xuất lúa - cá - vịt. Hiện trong xã có 15 hộ nuôi ba ba gai thương phẩm, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng chí Trịnh Công Lý, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm 2010, xã tạo điều kiện cho các hộ thuê gần 1,4ha để lập gia trại nuôi thả ba ba, đồng thời, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, cho vay dài hạn để đầu tư phát triển sản xuất”. Gia trại của anh Đào Văn Bình ở thôn Dương rộng 0,8ha, gia đình anh đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng, đào 9 ao nuôi thả 250 con ba ba gai và hơn 1.000 con ba ba trơn, trừ các chi phí sản xuất, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng, gấp gần 10 lần so với cấy lúa. Giống ba ba gai dễ nuôi, phàm ăn, thời gian tăng trưởng nhanh hơn ba ba thường, không tốn nhiều diện tích ao, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là ốc bươu vàng, ba ba gai thương phẩm có giá khoảng 1 triệu đồng/kg. Anh Bình có kế hoạch thời gian tới sẽ mở rộng nuôi ba ba gai trên toàn bộ diện tích 9 ao, đồng thời đầu tư nuôi ba ba bố mẹ (với nguồn giống đảm bảo của Hiệp hội nuôi ba ba giống ở Sơn La) để chủ động nguồn giống nuôi thả và cung ứng giống cho bà con trong vùng. 

Sản xuất hàng may mặc nội địa và xuất khẩu tại hộ gia đình anh Lê Văn Đoàn ở thôn Cẩm, xã Yên Dương (Ý Yên) góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Sản xuất hàng may mặc nội địa và xuất khẩu tại hộ gia đình anh Lê Văn Đoàn ở thôn Cẩm, xã Yên Dương (Ý Yên) góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Ngoài thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, xã Yên Dương còn phát triển nghề sản xuất đồ mỹ nghệ và may mặc. Riêng thôn Dương có tới 38 xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, tiêu biểu là các hộ anh Bùi Văn Thắng, Bùi Văn Quyên, Nguyễn Văn Hải với thu nhập 100-120 triệu đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 180 lao động, thu nhập bình quân 2,7-3 triệu đồng/người/tháng. Sản xuất hàng may mặc nội địa ở xã phát triển ổn định do Cty TNHH Thương mại Đức Anh bao tiêu sản phẩm. Anh Lê Văn Đoàn, chủ cơ sở sản xuất số 3 ở thôn Cẩm, cho biết: “Mỗi tháng xưởng của tôi xuất khoảng 20.000 sản phẩm may mặc nội địa và xuất khẩu, thu nhập hằng năm đạt khoảng 300 triệu đồng”. Anh Đoàn còn khoán sản phẩm ở các hộ gia đình, tạo việc làm thêm cho hơn 40 lao động. Để nâng cao tay nghề người thợ, anh Đoàn phối hợp với Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định thường xuyên tổ chức lớp may công nghiệp cho 30-40 học viên. Hiện tại, xưởng đã trở thành “vệ tinh” của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Cty CP May 27-7 ở tỉnh Hà Nam, Cty CP Garnet của Hàn Quốc, Cty Dệt may Đức Anh ở Thành phố Nam Định…

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xã Yên Dương tiếp tục phát huy lợi thế vùng đồng màu, mở rộng diện tích cây vụ đông hàng hoá có giá trị kinh tế cao; khuyến khích phát triển kinh tế gia trại, phát triển ngành nghề, đồng thời hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com