Sản phẩm sứa hàng hoá

09:10, 04/10/2010

Chúng tôi gặp anh Mai Đức Thịnh, giám đốc Cty cổ phần chế biến hải sản Nam Định đúng lúc anh vừa tiếp một bạn hàng cũ là thương nhân Trung Quốc. Anh Thịnh cho biết, thương nhân này đặt mua cả vạn thùng sứa mặn, với giá trên 300 nghìn đồng một thùng (11kg) tăng gần 70 nghìn đồng mỗi thùng so với tháng 8. Hiện tại ở 26 cơ sở chế biến sứa trong tỉnh vẫn đủ hàng cung ứng cho thương nhân Trung Quốc nhưng các cơ sở chế biến giữ lại để chế biến thành sứa ăn liền cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Theo các cơ sở chế biến sứa thì 1kg sứa mặn sau khi chế biến có thể đóng được 4 túi sứa ăn liền, mỗi túi 300 gram, hiện giá bán là 60 nghìn đồng. Như vậy 1 thùng sứa mặn 11kg sau khi chế biến không phải là trên 300 nghìn đồng như khách hàng Trung Quốc trả mà được tăng theo cấp số nhân.

Năm 2009, Cty CP Thuỷ sản Thiên Phú, xã Hải Triều (Hải Hậu) thu gom hơn 2000 tấn sứa nguyên liệu, xuất khẩu 200 tấn sản phẩm sứa, doanh thu 3,5 tỷ đồng.  Ảnh: Dương Đức
Năm 2009, Cty CP Thuỷ sản Thiên Phú, xã Hải Triều (Hải Hậu) thu gom hơn 2000 tấn sứa nguyên liệu, xuất khẩu 200 tấn sản phẩm sứa, doanh thu 3,5 tỷ đồng.
Ảnh: Dương Đức

Năm 1991, người dân các xã ven biển của tỉnh mới biết chế biến sứa thành sứa ép để xuất sang Nhật Bản. Cứ 40kg sứa nguyên liệu mới sản xuất được 1kg sứa ép khô. Suốt 10 năm chế biến sứa, lúc xuất sang Nhật Bản, khi xuất đi Hàn Quốc, giá cả đã bấp bênh do bị ép, lắm lúc còn ế hàng, không biết bán ở đâu, nghề chế biến sứa èo uột. Từ năm 2000, một vài cơ sở chế biến của thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã cùng chuyên gia Trung Quốc chế biến chân sứa xuất sang Trung Quốc và nghề này thực sự khởi sắc khi sử dụng máy khuấy dùng mô tơ làm sạch nhớt sứa (năm 2002). Chị Vũ Thị Quy, giám đốc Cty TNHH Thịnh Long cho biết: Lúc chưa có máy khuấy, người làm sứa vất vả lắm. Phải cho sứa vào bể, dùng dụng cụ tự tạo và bằng sức người khuấy đảo sứa suốt 6 giờ liên tục nhưng vẫn không hết nhớt. Bây giờ cứ cho sứa vào bể, đóng cầu giao cho mô tơ chạy 10 tiếng là sứa sạch bong, đỡ đi 80% công lao động nặng nhọc khi chế biến sứa. Mùa thu hoạch sứa, ngoài thuyền, mủng…, các hộ còn đóng bè, mảng ra biển đánh bắt, thu gom. Có ngày hàng chục nghìn người ra biển thu hoạch sứa và nghề chế biến sứa cũng sôi động theo từng năm. Các bể thu gom sứa chạy dọc theo bờ biển cả ngoài bãi lẫn trong đồng. Trước kia chỉ có người dân ven biển Hải Hậu đánh bắt, thu gom sứa, vài năm gần đây ở các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, người dân ven biển cũng "ra quân" thu hoạch và chế biến sứa. Năm 2010, riêng Cty cổ phần chế biến hải sản Nam Định đã thu gom, chế biến hơn chục nghìn tấn sứa nguyên liệu với hàng triệu con sứa; con to nặng trên 10kg với giá 14 nghìn đồng/con, trung bình cũng có giá 11-12 nghìn đồng/con. Các bè, mảng ở thị trấn Thịnh Long và xã Hải Triều… (Hải Hậu) có ngày đánh bắt 2-3 chuyến sứa, thu nhập 400-500 nghìn đồng/người/ngày. Từ sứa ép khô xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, những năm 2002, sản phẩm sứa ép khô, muối mặn lại dồn để xuất sang Trung Quốc, song cũng liên tục bị ép giá. Đồng chí Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Sở NN-PTNT) cho biết: "Cách chế biến sứa mặn thành sản phẩm sứa ăn liền hợp vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm với chất lượng thơm ngon, bổ dưỡng là nguyên nhân chính, nhưng giờ đây trong các nhà hàng món nộm sứa luôn "đắt như tôm tươi"...". Cách chế biến từ sứa nguyên liệu thành sứa mặn hoàn toàn không sử dụng hoá chất ngoài ngâm nước muối mặn đến độ bão hoà và phèn chua khoảng 1-3 ngày để sứa săn chắc và khử mùi tanh sau khi đã làm sạch hết nhớt, sau đó mang ra ép khô rồi đóng vào túi nilon để đóng vào thùng. Sứa khô bảo quản hàng năm ở nhiệt độ mát không hề bị xuống cấp. Còn chế biến thành sứa ăn liền chỉ cần ngâm kỹ bằng nước hợp vệ sinh để sứa nhạt đi rồi dùng nước sôi đảo qua, sau đó bảo quản bằng dấm thanh thêm tỏi, ớt để đóng túi 300 gram hoặc ăn ngay. Các nhà hàng dùng sứa ăn liền thêm rau thơm, lạc rang... đơm lên đĩa là thành món đặc sản. Qua kiểm tra của Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh, 22 cơ sở chế biến sứa trong tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng nghìn tấn sứa đã chế biến của tỉnh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh trong cả nước. Sản phẩm sứa của tỉnh ta bây giờ đã "lên ngôi" không còn bị ép cấp, ép giá của thị trường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Con sứa đã trở thành "bạc biển" của ngư dân trong tỉnh./.

Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com