Kiềm chế lạm phát

09:10, 01/10/2010

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 đã bất ngờ tăng trở lại sau nhiều tháng chỉ tăng nhẹ dưới mức 1%. Với mức tăng 1,31% so với tháng 8, CPI tháng 9 đã tăng tới 6,46% so với tháng 12-2009 và CPI bình quân chín tháng đầu năm 2010 tăng 8,64% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn vào 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI thì chỉ ngoại trừ nhóm bưu chính, viễn thông giảm giá, còn lại tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đều tăng với mức tăng từ 0,34% đến 12,02%. Theo nhận định của các chuyên gia, CPI tháng 9 năm nay tăng mạnh một phần do quy luật thị trường vì tháng 9 là dịp khai giảng năm học mới, nhu cầu mua sắm  đồ dùng học tập tăng cao, đồng thời vào thời điểm này, nhiều trường học đồng loạt điều chỉnh tăng học phí. Vì vậy, CPI của nhóm  giáo dục tăng cao nhất với mức tăng lên đến 12,02% và đẩy CPI của tháng 9 nói chung tăng cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nếu như CPI của tháng 8 mới chỉ phản ánh một phần tác động của việc tăng giá xăng, dầu từ ngày 9-8, thì CPI tháng 9 đã phản ánh rõ nét việc tăng giá xăng, dầu này, đồng thời thể hiện cả tác động của việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD từ ngày 18-8 vừa qua. Đây chính là nguyên nhân làm tăng chi phí sản xuất đầu vào của nhiều hàng hóa, dịch vụ, dẫn đến việc tăng giá nhiều mặt hàng ngay từ đầu tháng 9. Mặc dù CPI của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 8 chỉ tăng ở mức 0,07% nhưng sang tháng 9 đã tăng tới 1,08% (mức tăng giá cao thứ hai sau nhóm giáo dục). Tương tự, CPI của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng mạnh, từ mức 0,27% của tháng 8 lên 0,79%, trong đó nhóm lương thực tăng tới 2,32% (tháng 8 chỉ tăng 0,67%); nhóm thực phẩm tăng 0,39% và nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,49%... Thêm vào đó, tháng 9 còn là tháng có kỳ nghỉ Quốc khánh dài ngày, rằm Trung thu, cho nên nhu cầu du lịch, giải trí, mua sắm, ăn uống càng tăng, góp phần không nhỏ khiến giá cả tăng cao.

Có thể thấy, với mức tăng CPI của tháng 9 này, mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm nay dưới mức 8% là không hề dễ. Trong khi đó, theo quy luật tăng giá tiêu dùng hằng năm thì những tháng cuối năm, CPI thường tăng cao. Bên cạnh đó, thị trường trong nước còn nhiều diễn biến khó lường như thiên tai, dịch bệnh... ảnh hưởng tới cung, cầu hàng hóa trên thị trường. Còn thị trường ngoài nước, với đà hồi phục của nền kinh tế thế giới thì giá các nguyên liệu, nhiên vật liệu nhập khẩu cũng sẽ tăng mạnh vào cuối năm.

Theo các chuyên gia, để tiếp tục kiềm chế lạm phát, cần đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là làm tốt công tác bình ổn thị trường, nhất là những tháng cuối năm. Các đơn vị tham gia bình ổn thị trường cần sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn được Nhà nước hỗ trợ nhằm duy trì giá bán theo đúng cam kết bình ổn thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp này thì quan trọng hơn cả là sử dụng đồng bộ công cụ điều tiết vĩ mô là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Với chính sách tài khóa, cần tiếp tục thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu từ ngân sách Nhà nước. Với chính sách tiền tệ, quý IV là thời điểm mà nhu cầu thanh toán và nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao cho nên rất cần thực hiện các giải pháp điều hành linh hoạt tỷ giá, lãi suất để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, đẩy mạnh sản xuất nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường và kiềm chế tăng giá bán./.

HẢI THU



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com