Ý Yên phát triển kinh tế trang trại

08:07, 30/07/2010

Chị Nguyễn Thị Phương, xã Yên Phương (Ý Yên) sản xuất con giống gia cầm, thuỷ cầm, mỗi năm thu lãi 150-200 triệu đồng.  Ảnh: Dương Đức

Chị Nguyễn Thị Phương, xã Yên Phương (Ý Yên) sản xuất con giống gia cầm, thuỷ cầm, mỗi năm thu lãi 150-200 triệu đồng.

                             Ảnh: Dương Đức

Những năm qua, các xã, thị trấn của huyện Ý Yên đã tích cực thực hiện tích tụ ruộng đất để tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất với quy mô tập trung theo hướng trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện hiện có 74 trang trại, trong đó có 66 trang trại chăn nuôi, chủ yếu là nuôi lợn; 2 trang trại trồng trọt kết hợp nuôi thủy sản và 6 trang trại kinh doanh tổng hợp. Diện tích bình quân 1 trang trại của huyện đạt gần 1,1 ha. Trang trại có diện tích lớn nhất là 7 ha ở xã Yên Chính. Ngoài ra, toàn huyện còn có 175 gia trại nuôi từ 50 đến 100 con lợn thịt; có 123 gia trại nuôi gia cầm từ 200 đến 2000 con và một số mô hình gia trại chăn nuôi: thỏ, nhím, ba ba, ếch, rắn, trăn… Một số xã đã xuất hiện nhiều trang trại như: Yên Nhân (12 trang trại, 50 gia trại), Yên Lợi (7 trang trại, 267 gia trại), Yên Phương (5 trang trại, 42 gia trại), Yên Cường (3 trang trại, 15 gia trại)… Hầu hết các trang trại đều tổ chức sản xuất theo hướng: cấy lúa, nuôi cá (theo hình thức lúa + cá ở vụ xuân, sau đó chuyển sang chuyên cá trong vụ mùa) kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong thời gian qua, hiệu quả kinh tế từ các trang trại, gia trại đã khẳng định, đây là mô hình phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện, góp phần mang lại thu nhập cao cho nông dân và thích ứng với điều kiện thực tiễn ở các địa phương. Các trang trại đã chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào việc xây dựng chuồng trại, ao nuôi, tập trung đầu tư con giống tốt, với các loại thức ăn bảo đảm chất lượng và chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Theo số liệu thống kê, tổng số vốn đầu tư phục vụ sản xuất của các trang trại đến hết năm 2009 là 23 tỷ 943 triệu đồng, tính bình quân đạt gần 324 triệu đồng/ha. Trong đó, số vốn đầu tư cho trang trại chăn nuôi 22 tỷ 136 triệu đồng, bình quân hơn 335 triệu đồng/trang trại; vốn đầu tư cho trang trại nuôi thủy sản 962 triệu đồng, bình quân hơn 163 triệu đồng/trang trại. Nhờ đó, năm 2009, tổng giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ của toàn bộ số trang trại của huyện đạt 13 tỷ 933 triệu đồng, trong đó trang trại chăn nuôi đạt 12 tỷ 751 triệu đồng, còn lại là các trang trại, gia trại thuộc các loại hình khác. Sau khi trừ chi phí sản xuất, tổng thu nhập của các trang trại trong huyện đạt 4 tỷ 013 triệu đồng/năm. Bình quân mỗi trang trại lãi hơn 54 triệu đồng/năm, trong đó, trang trại nuôi lợn đạt 58-60 triệu đồng/năm, trang trại nuôi thủy sản đạt 45 triệu đồng/năm, trang trại tổng hợp đạt 42 triệu đồng/năm. Các trang trại đã thu hút, tạo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động nông thôn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại tập trung đầu tư, phát triển sản xuất, UBND huyện phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho một số trang trại. Một số trang trại cũng đã chủ động bố trí ở những địa bàn xa khu dân cư, chú trọng đến công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Hiện đã có gần 60% số trang trại, gia trại trong huyện đã xử lý các loại chất thải chăn nuôi như: phân, nước thải… bằng hầm biogas, bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời tạo nguồn khí đốt phục vụ sinh hoạt của các gia đình. Ở các xã: Yên Thành, Yên Tân, Yên Cường, Yên Thọ và Yên Khánh, đa số các trang trại đã xây dựng hầm biogas, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, hầu hết các trang trại hiện đang phát triển tự phát, thậm chí chưa làm thủ tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo quy định. Một số mô hình trang trại ở các xã: Yên Quang, Yên Phương, Yên Bằng, Yên Khang… chưa làm thủ tục hồ sơ hoặc làm nhưng chưa được huyện phê duyệt đã tự ý phá vỡ mặt bằng canh tác, xây dựng nhà kiên cố không đúng quy định trên đất nông nghiệp, gây khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng đất tại các trang trại này. Mặc dù, công tác bảo vệ môi trường đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm nhắc nhở song nhiều chủ trang trại, nhất là các trang trại chăn nuôi với số lượng lớn trong khu dân cư đã trở thành nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực. Tình trạng xả thải bừa bãi các loại thức ăn, nước phân không được xử lý… ra môi trường nước, các kênh, mương tiêu, ao hồ đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của không ít người dân, gây nên sự bức xúc trong khu dân cư. Cá biệt, ở một vài địa phương đã xảy ra tình trạng khiếu nại của người dân và buộc chính quyền sở tại phải tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Mặc dù còn những tồn tại cần tiếp tục tập trung giải quyết song kinh tế trang trại đang dần trở thành xu hướng phát triển mạnh và từng bước trở thành động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp ở Ý Yên phát triển, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân./.

Phạm Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com