Bài toán phát triển chăn nuôi ở Hải Hậu

09:07, 30/07/2010

Cán bộ thú y Cty TNHH Hoàng Thành Đạt (Hải Hậu) theo dõi sự tăng trưởng của đàn lợn nái ngoại.  Ảnh: Ngọc Lý (Hải Hậu)
Cán bộ thú y Cty TNHH Hoàng Thành Đạt (Hải Hậu) theo dõi sự tăng trưởng của đàn lợn nái ngoại.                                  Ảnh: Ngọc Lý (Hải Hậu)
Huyện Hải Hậu hiện có trên 400 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với gần 100 trang trại nuôi gia cầm trong đó, có hộ nuôi quy mô lớn, mỗi lứa hàng nghìn, hàng chục nghìn con. Tiêu biểu như trang trại của ông Nguyễn Công Uẩn, xóm Tây Cát, xã Hải Đông nuôi mỗi lứa trên 10000 con; ông Bùi Văn Thịnh xóm Kim Liên, xã Hải Xuân nuôi mỗi lứa 5000 con vịt; ông Mai Văn Lực xóm 3 xã Hải Tây mỗi lứa nuôi 3000 con gà… Hàng chục hộ nuôi bò thịt, bò sinh sản ở các xã Hải Đông, Hải Tây, Hải Ninh, Hải Giang, thị trấn Thịnh Long… Các loại con nuôi mới cũng có hàng chục hộ gia đình tổ chức nuôi như: thỏ, dê, cá sấu… Đặc biệt phong trào nuôi lợn là "mũi nhọn" trong chăn nuôi của Hải Hậu và luôn dẫn đầu toàn tỉnh cả về số lượng, trọng lượng xuất chuồng. Theo số liệu thống kê 1-4-2010, tổng đàn lợn của huyện Hải Hậu là 128295 con (không tính lợn sữa) bằng 20% tổng đàn của toàn tỉnh, dẫn đầu về số lượng, gấp gần 2 lần bình quân chung toàn tỉnh. Đàn lợn nái của Hải Hậu hiện có 48759 con. Với đàn lợn nái này, hàng năm bổ sung cả triệu lợn con cho đàn lợn thịt và xuất khẩu lợn sữa. Một trong những nguyên nhân phát triển chăn nuôi là do Hải Hậu luôn đi đầu trong ứng dụng các tiến bộ trong chăn nuôi. Nếu trong những năm 2000 lần đầu tiên ở tỉnh ta có Cty chăn nuôi Đức Tỉnh ở xã Hải Tân với quy mô 80 con lợn nái ngoại và hàng trăm lợn thịt để sản xuất hàng hoá tập trung, hiện nay trang trại của Vũ Trọng Nghĩa ở xóm 9, xã Hải Lộc diện tích 20ha với trên 1 vạn m2 chuồng đã nuôi 800 lợn nái ông bà sinh sản. Mỗi năm, trang trại của Vũ Trọng Nghĩa sinh sản trên 18 nghìn lợn nái hậu bị cung cấp cho thị trường và có mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trong đợt tham quan học tập nuôi lợn theo phương pháp độn chuồng ở Trung Quốc đầu năm 2009 đoàn của tỉnh ta có gần 100 người đi nhưng chỉ có người chăn nuôi ở Hải Hậu tổ chức áp dụng và hiệu quả thật đáng mừng, có tính chất thuyết phục cao. Trong 2 mô hình ứng dụng là hộ Vũ Hồng Kỳ ở xóm 2, xã Hải Hà nuôi 100 con lợn thịt và hộ ông Nguyễn Văn Khơi ở xóm Tây Cát, xã Hải Đông nuôi 800 con gà thịt. Phương pháp này giảm tới 60-70% công lao động, không mất nước rửa chuồng, không có mùi hôi… và tận dụng được nguồn phân chuồng, góp phần cải tạo đồng ruộng. Phương pháp chăn nuôi dùng chất độn chuồng không những tăng năng suất, giảm thiểu bệnh tật mà còn mở ra hướng chăn nuôi bền vững, không ô nhiễm môi trường ngay trong khu dân cư. Mô hình chăn nuôi dùng chất độn chuồng đang được nhân rộng ra ở các hộ khác tại Hải Hậu như: gia đình chị Lưu Thị Phấn ở xã Hải Toàn, ông Loát ở thị trấn Cồn, ông Quỳnh ở thị trấn Yên Định…

Chăn nuôi tập trung, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ nên nhiều năm nay dịch bệnh trên đàn vật nuôi của Hải Hậu ít xảy ra. Ngay trong năm 2010, tuy có nhiều xã tiếp giáp với 6 xã bị dịch tai xanh ở lợn của huyện Trực Ninh, nhưng đàn lợn của Hải Hậu vẫn bảo đảm an toàn không bị lây nhiễm bệnh. Đây là một thành công không những đối với người chăn nuôi mà còn có sự quyết tâm phòng, chống dịch quyết liệt, đồng bộ của chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và lực lượng thú y của huyện Hải Hậu. Một động lực cho chăn nuôi, nhất là phong trào chăn nuôi lợn của Hải Hậu phát triển ngay trong những năm 2000, đó là doanh nghiệp chế biến lợn sữa, lợn mảnh xuất khẩu ở xã Hải Phương được thành lập và hoạt động có hiệu quả liên tục đến nay. Mỗi năm, hàng vạn tấn lợn sữa, lợn mảnh của Cty được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông..., là đầu ra lý tưởng cho người chăn nuôi và thúc đẩy phong trào chăn nuôi của Hải Hậu phát triển an toàn, bền vững.

Song hiện tại đàn vật nuôi, nhất là đàn lợn của huyện Hải Hậu đang có chiều hướng giảm rõ rệt. Nguyên nhân do giá cả không ổn định, giá đầu vào tăng nhiều. Từ đầu năm đến nay, đã có 9 lần tăng giá thức ăn gia súc, gia cầm. Theo các nhà chuyên môn chỉ 6 tháng đầu năm, giá thức ăn hỗn hợp nuôi gà thịt tăng 11,6%; giá thức ăn nuôi lợn thịt còn tăng cao hơn, đạt 15,7%. Ngoài ra, giá điện, giá xăng... cũng tăng ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi. Đặc biệt trong đợt dịch tai xanh ở lợn thời gian xuất hiện khá dài so với những năm trước, do vậy nhiều người đã "quay lưng" lại với sản phẩm thịt lợn nên giá giảm khá nhiều. Giá giảm đồng nghĩa với lưu thông, tiêu thụ thấp, dẫn đến tồn đọng sản phẩm mà hiện nay hầu hết người chăn nuôi không tổ chức chăn nuôi tận dụng nữa, chủ yếu tổ chức chăn nuôi kinh doanh. Thời gian nuôi tại chuồng đối với lợn thịt chỉ 3 tháng và gà là 45 ngày, nếu kéo dài càng nuôi càng lỗ vì đây là thời điểm tăng trọng rất chậm nhưng tiêu tốn nhiều thức ăn, nhất là thức ăn tăng giá đến chóng mặt như hiện nay.

Bài toán giữ vững và phát triển chăn nuôi của Hải Hậu nói riêng và của cả tỉnh nói chung trong thời gian này đang khó tìm lời giải. Song những chủ trang trại lớn của Hải Hậu thì vẫn lạc quan: Giá xuống rồi giá lại lên, đấy là quy luật, ai giữ được đàn sẽ "thắng" trong thời gian tới. Vấn đề là người chăn nuôi có đủ lực và "cả gan" trong thời điểm khó khăn này. Một vấn đề nữa, các hộ chăn nuôi của Hải Hậu cũng mong muốn có sự hỗ trợ, kể cả bằng chủ trương, chính sách như cho vay với lãi suất thấp, chậm trả vốn vay chăn nuôi, giảm một phần giá thuê đất... để các hộ có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục đầu tư cho chăn nuôi phát triển./.

Tuấn Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com