Nông nghiệp dò đường vượt bão dịch

05:02, 28/02/2020

Đúng như dự báo, ngay từ đầu năm 2020 ngành Nông nghiệp đã gặp nhiều khó khăn lớn. Trong khi dịch tả lợn châu Phi khiến người chăn nuôi lao đao trong năm 2019 vẫn còn tiếp tục tác động sang năm mới, thì lại ngay lập tức ngành Nông nghiệp phải đương đầu với hạn hán nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là dịch Covid-19 (nCoV) nổi lên như một trong những thách thức lớn nhất của ngành kinh tế trụ cột này.

Co.opMart luôn nỗ lực hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Ảnh: Q.T
Co.opMart luôn nỗ lực hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Ảnh: Q.T

Gặp khó ở thị trường lớn nhất

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng đầu của nông sản Việt Nam, bất kỳ tác động nào từ phía thị trường này sẽ ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu của nông nghiệp nước ta.

Ngành hàng đầu tiên chịu tác động là sản phẩm hoa quả, cụ thể hiện nay quả thanh long và dưa hấu đang gặp khó. Đây là hai mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và lễ sau tết. Qua rà soát, tại tỉnh Long An từ ngày 8 đến 28-2 thu hoạch khoảng 54 nghìn tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10 nghìn tấn, Bình Thuận khoảng 100 nghìn tấn… Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến.

Thủy sản cũng là một trong những ngành sẽ bị tác động lớn bởi dịch Covid-19 gây ra vì Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba về sản phẩm thủy sản của Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản. Năm 2019, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sản phẩm cá tra lớn nhất của Việt Nam (đạt hơn 662 triệu USD, chiếm 25,3% tỷ trọng cá tra xuất khẩu của Việt Nam); hay như là thị trường tiêu thụ tới 16,1% tổng giá trị xuất khẩu hàng tôm Việt Nam ra thế giới.

Một trong những thách thức hiện nay đối với ngành thủy sản là việc vận chuyển hàng qua đường biển gặp khó khăn do một số hãng tàu lớn đi Trung Quốc đang tạm thời ngừng nhận đơn hàng. Hiện nhiều doanh nghiệp không đưa được hàng sang Trung Quốc dẫn đến tồn kho tăng lên. Điều này kéo theo chi phí tồn kho cũng tăng khoảng 1 USD/pallet hàng. Đối với các đơn hàng thủy sản đi đường bộ trong thời gian tới sẽ chịu nhiều tác động bởi khâu thông quan khó khăn do Trung Quốc đã thông báo tạm dừng khiến việc xuất khẩu thủy sản gặp khó về thời điểm giao hàng.

Trên thực tế, tuy các bộ, ngành và địa phương đã hướng dẫn, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc). Tại Lào Cai, theo ngành Công Thương tỉnh này, kể từ ngày 29-1-2020, phía Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) đã kiểm soát chặt chẽ phương tiện và người điều khiển phương tiện lưu thông qua cặp cửa khẩu Bắc Sơn (Hà Khẩu) - Kim Thành (Lào Cai) để phòng, chống Covid-19 khiến hoạt động thông quan hàng hóa bị hạn chế. Đặc biệt, phía Hà Khẩu thông báo tạm dừng hoạt động chợ biên mậu Bắc Sơn kể từ ngày 30-1 đến hết ngày 8-2-2020 để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; tương tự là các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn)...

Quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới của chính quyền hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) dự kiến sẽ gây ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các loại nông sản này. Rất may, quyết định nói trên đã được Bộ Công Thương, Bộ NN và PTNT dự tính và liên tục cảnh báo trong những ngày qua. Theo khuyến nghị của hai bộ, các doanh nghiệp đã chủ động có các biện pháp điều tiết nên lượng thanh long và dưa hấu đưa lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân đã chậm lại đáng kể.

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Chính sách và Chiến lược NN và PTNT, vấn đề lo lắng nhất của nông sản Việt và người nông dân vẫn là thị trường và dịch Covid-19 tác động tới nông nghiệp theo hai hướng. Thứ nhất là cầu. Hiện thị trường gần nhất và lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc bị tác động trực diện từ Covid-19. Điều này khiến cầu của thị trường sẽ trở về với những sản phẩm cơ bản như lương thực thực phẩm, bỏ qua những sản phẩm khác như hoa quả... Nhu cầu giảm thêm do ảnh hưởng từ tiêu thụ ở chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ hạn chế. Chưa kể, giao thương còn bị gián đoạn do dịch bệnh, khiến chi phí giao dịch tăng cao, mặt hàng tươi sống của Việt Nam sẽ không bảo quản được.

Tác động thứ hai là kết cấu sản xuất tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn không thể thay đổi ngay được để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Sơn nhấn mạnh, khi tất cả các vấn đề liên quan đến giao thương bị gián đoạn, nông sản sẽ “nghẽn”.

Trước việc một số cửa khẩu ngừng thông quan do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có công văn hỏa tốc gửi Hiệp hội doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam đề nghị các DN có kho lạnh ưu tiên hỗ trợ DN xuất khẩu nông sản Việt Nam lưu giữ, bảo quản nông sản với giá ưu đãi để giúp các DN nông sản bảo quản nông sản, thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu sang Trung Quốc, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước, cũng như tìm cách đẩy mạnh chế biến. Đồng thời đề nghị DN theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng..., từ đó chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Về phía các DN, cần thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ NN và PTNT sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ và Tham tán Nông nghiệp tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông sản trong giai đoạn hiện nay. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các cục chuyên ngành chủ động phối hợp cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường./.

Tâm Thời

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com