Hội đồng nhân dân tỉnh quyết tâm đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

08:08, 24/08/2016

TRẦN VĂN CHUNG
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp diễn ra ngày 22-5-2016, cử tri tỉnh nhà đã bầu đủ 67 đại biểu HĐND tỉnh. Tại kỳ họp thứ nhất ngày 16-6-2016, HĐND tỉnh đã tiến hành bầu các chức danh của HĐND và UBND nhiệm kỳ 2016-2021 theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy về đổi mới cơ cấu, tổ chức của HĐND tỉnh. HĐND đã bầu 2 Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách, trong đó một đồng chí là Ủy viên Ban TVTU, một đồng chí là Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh đều hoạt động chuyên trách với số lượng, cơ cấu phù hợp với tính chất công việc của từng Ban. Trong tổng số 7 thành viên Thường trực HĐND, chỉ có Chủ tịch HĐND hoạt động kiêm nhiệm, còn lại 6 đại biểu hoạt động chuyên trách (gồm 2 Phó Chủ tịch HĐND, 3 Trưởng ban của HĐND và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh). Với cơ cấu tổ chức của HĐND được kiện toàn trong nhiệm kỳ mới đã tạo sự chủ động và thuận lợi cho hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh. Việc tăng cường đại biểu chuyên trách trong Thường trực và lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh giúp các đại biểu dành toàn bộ thời gian cho công việc của HĐND, tăng cường hoạt động giám sát của HĐND. Bên cạnh đó, cơ cấu hiện nay thuận tiện cho việc tổ chức các phiên họp của Thường trực HĐND cũng như việc điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban HĐND tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh.

Để thuận tiện trong quá trình hoạt động, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ngay sau kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã ra nghị quyết phê chuẩn danh sách ủy viên các Ban HĐND tỉnh, nghị quyết thành lập Tổ đại biểu HĐND tỉnh, chỉ định Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu HĐND tỉnh, ban hành quy chế làm việc của Thường trực HĐND tỉnh, trong đó quy định nguyên tắc, chế độ làm việc, phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng thành viên, mối quan hệ công tác của Thường trực HĐND tỉnh với các cơ quan liên quan. Việc ban hành quy chế làm việc thể hiện sự quyết tâm đổi mới và chú trọng chất lượng, bảo đảm hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn. Căn cứ trách nhiệm và Quy chế, Thường trực HĐND tỉnh đã triển khai chuẩn bị tốt kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh, nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật vào điều kiện thực tế của tỉnh, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của HĐND tỉnh, quan hệ công tác giữa HĐND tỉnh với các cơ quan, tổ chức liên quan.

Cùng với đổi mới về tổ chức, HĐND tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh. Những khóa trước, Thường trực HĐND tỉnh chưa thực hiện giám sát chuyên đề, chưa ban hành nghị quyết về chương trình giám sát. Thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, tại kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XVIII đã ban hành nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND tỉnh 6 tháng cuối năm 2016 và năm 2017, trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về chương trình giám sát của Thường trực HĐND tỉnh 6 tháng cuối năm 2016, các Ban HĐND tỉnh ban hành chương trình giám sát 6 tháng cuối năm 2016 của từng Ban, trong đó HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đều có các hoạt động giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề. Đây là bước tiến quan trọng trong hoạt động của HĐND tỉnh, thể hiện tinh thần quyết tâm và sự đổi mới về phương pháp hoạt động của HĐND tỉnh.

Hoạt động thảo luận và chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh tiếp tục được đổi mới. HĐND tỉnh không chỉ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, về các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, mà còn thảo luận về nội dung trả lời của các cơ quan chức năng đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhằm bảo đảm cho các kiến nghị chính đáng của cử tri được tiếp thu và thực hiện hiệu quả trên thực tế. Các vấn đề đưa ra chất vấn là những vấn đề nổi cộm, bức xúc, được cử tri và nhân dân quan tâm. Việc điều hành phiên thảo luận, chất vấn của chủ tọa kỳ họp linh hoạt, tạo không khí thực sự cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng; người nêu câu hỏi chất vấn và người trả lời chất vấn đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, cùng hướng tới mục tiêu chung là bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Để bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, sau các phiên thảo luận, chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh đã ra văn bản thông báo nội dung, kết quả phiên thảo luận, phiên chất vấn để các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thường lệ tiếp theo của HĐND tỉnh; đồng thời là cơ sở để Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND và cử tri toàn tỉnh theo dõi, giám sát việc thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh cũng tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức liên quan, nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kiến nghị của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh; đã thông tin kịp thời tới cử tri về tình hình và kết quả hoạt động của HĐND tỉnh bằng nhiều hình thức như thông báo bằng văn bản, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải các văn bản trên Cổng thông tin điện tử của HĐND tỉnh, trực tiếp thông báo tới cử tri tại kỳ họp HĐND các huyện, thành phố và tại các cuộc tiếp xúc cử tri.

Dù vậy, đây cũng mới chỉ là những kết quả bước đầu trong đổi mới hoạt động của HĐND tỉnh, nhiệm kỳ mới là bước tạo đà để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh trong thời gian tới. Để hoạt động của HĐND thực sự dân chủ, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân và cử tri trong tỉnh và mang lại hiệu quả thiết thực, HĐND tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với các hoạt động của HĐND, đồng thời kiến nghị với Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết tốt các vấn đề phát sinh từ thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.

Thứ hai: Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh. Nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát chuyên đề, nâng cao chất lượng thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND tỉnh. Tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát, nhằm bảo đảm hiệu quả giám sát. Giải quyết nhanh chóng và đúng quy trình những nội dung phát sinh giữa 2 kỳ họp.

Thứ ba: Tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND, động viên, khích lệ đại biểu HĐND tỉnh tích cực, chủ động trong chất vấn. Tổ chức các phiên giải trình, chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh, từng bước đưa hoạt động giải trình, chất vấn thành hoạt động thường xuyên, nề nếp và chất lượng. Quan tâm công tác bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực, trách nhiệm và bản lĩnh của đại biểu HĐND tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.

HĐND tỉnh mong muốn cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm, đóng góp ý kiến và luôn giám sát để hoạt động HĐND tỉnh ngày càng có chất lượng, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và nhân dân tỉnh nhà./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com