70 năm Quốc hội Việt Nam (kỳ 2)

08:01, 08/01/2016

70 năm Quốc hội Việt Nam (kỳ 1)

(Tiếp theo kỳ trước)

PHẦN THỨ HAI
Quốc hội Việt Nam 70 năm hình thành và phát triển

I. Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào đến cuộc tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946)
1.1. Quốc dân Đại hội Tân Trào - Tiền thân của Quốc hội Việt Nam

Tháng 10-1944, trước sự chuyển biến của tình hình thế giới có lợi cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho quốc dân đồng bào thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta để tạo nên sức mạnh dân tộc bên trong và tranh thủ ngoại viện của quốc tế nhằm chớp thời cơ thuận lợi thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do. Trong thư có đoạn viết: “... chúng ta phải có một cái cơ cấu đại biểu... do một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc Cứu Quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”1.

Giữa năm 1945, cao trào kháng Nhật cứu nước đang diễn ra sôi nổi, nhận thấy cơ hội ngàn năm có một cho nhân dân ta giải phóng dân tộc đang đến gần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải gấp rút triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam.

Vì vậy, giữa tháng 8-1945, khi chủ nghĩa phát xít tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh không điều kiện và lực lượng cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945 để quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Quốc dân đại hội cũng đã được tiến hành trong bối cảnh đó.

Chiều ngày 16-8-1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể Cứu Quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào.

Đại hội tiến hành trong khi lệnh Tổng khởi nghĩa vừa phát đi, cho nên phải họp khẩn trương, “chớp nhoáng” để các đại biểu có thể về cùng các chiến sĩ ở địa phương lãnh đạo khởi nghĩa.

Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh: Tư liệu
Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh: Tư liệu

Tại Đại hội, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đã đọc bản báo cáo, trong đó nhấn mạnh hai vấn đề lớn: Tổng khởi nghĩa và bầu Uỷ ban dân tộc giải phóng. Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, giành lấy chính quyền, đứng địa vị cầm quyền mà tiếp đón quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật trên đất Đông Dương. Trên cơ sở đó, Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh; đồng thời nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh, bao gồm:

1. Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập;

2. Võ trang nhân dân. Phát triển Quân giải phóng Việt Nam;

3. Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tuỳ từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo;

4. Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ;

5. Ban bố những quyền của dân cho dân: Nhân quyền. Tài quyền (quyền sở hữu); Dân quyền: Quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền;

6. Chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân;

7. Ban bố Luật Lao động: ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm;

8. Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở mang Quốc gia ngân hàng;

9. Xây dựng nền quốc dân giáo dục; chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp. Kiến thiết nền văn hoá mới;

10. Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ”2.

Đại hội đã quyết định thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng chí Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch và các Uỷ viên là các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Thường trực của Uỷ ban gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền.

Đồng thời, Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.

Ngày 17-8-1945, Đại hội bế mạc trong không khí tổng khởi nghĩa sôi sục. Thay mặt Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước”3.

Trước giờ phút đấu tranh quyết liệt và khẩn trương, Hồ Chí Minh, Chủ tịch Uỷ ban dân tộc giải phóng đã gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc, trong đó có đoạn viết:

“... Hỡi đồng bào yêu quí!

Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.

Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ.

Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đánh giá. Đây là một Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực Nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Uỷ ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ cách mạng lâm thời) của nước Việt Nam được Quốc dân Đại hội bầu ra ngày 16-8-1945 là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam để thực hiện những quyết sách lớn của công cuộc cứu nước và kiến quốc. Đây là thắng lợi lớn của nghệ thuật chớp đúng thời cơ của Tổng bộ Việt Minh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự sáng tạo độc đáo của Người trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập.

Quốc dân Đại hội Tân Trào là mốc son trong lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam và như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Vừa đây, Việt Minh lại triệu tập “Việt Nam quốc dân đại biểu Đại hội”, cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập. Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay. Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui mừng4.

1.2 Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và những quyết định đi đến ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam

Thực hiện Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Quốc dân đại hội, nhân dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy với ý chí dù có hy sinh đến đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được chính quyền trong toàn quốc.

Cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19-8), Huế (ngày 23-8), Sài Gòn (ngày 25-8). Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để “được làm dân tự do của một nước độc lập”5.

Ngày 25-8-1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 27-8-1945, Chính phủ đã ra Lời tuyên cáo nói rõ: “Chính phủ lâm thời… thật là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ cộng hòa chính thức”6.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Bản Tuyên ngôn khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

 Quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam được khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố ngày 2-9-1945 đã đặt cơ sở pháp lý quan trọng, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Việt Nam đã thành một nước độc lập, tự do. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập là cơ quan điều hành Nhà nước cao nhất giữ trọng trách lịch sử chỉ đạo toàn dân thực thi các nhiệm vụ cấp bách về nội trị, ngoại giao, về quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội đợi đến ngày bầu Quốc hội để cử ra một Chính phủ chính thức, hợp pháp, hợp hiến.

Việc ban hành Hiến pháp, thành lập Chính phủ chính thức là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền của nhân dân. Vì vậy, ngày 3-9-1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”7. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17-8-1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”. Bản Sắc lệnh đã khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đó. Điều 2 của Sắc lệnh quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”8.

Tiếp đó, ngày 26-9-1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17-10-1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín; Sắc lệnh số 71-SL ngày 2-12-1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử.

Việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hằng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc; đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng. Việc Chính phủ lâm thời ban hành một loạt các sắc lệnh đã thể hiện sự cố gắng hết sức để cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên giành thắng lợi.

Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, cuộc Tổng tuyển cử này không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt. Các báo phản động ra sức vu cáo, nói xấu Việt Minh, kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử. Để vạch trần những luận điệu xảo trá của các thế lực phản động, Báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh đã tích cực đấu tranh, hướng dẫn dư luận, cổ vũ quần chúng tích cực tham gia Tổng tuyển cử. Vì Tổng tuyển cử là thực hiện quyền tự do, dân chủ của nhân dân, chỉ có Tổng tuyển cử mới có dịp để cho dân chúng chọn người đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân, cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có một cơ quan quyền lực cao nhất đủ thẩm quyền để ban hành cho nước Việt Nam một Hiến pháp ấn định rõ ràng quyền lợi của quốc dân và của Chính phủ và mới phá tan được hết những nghi ngờ ở trong cũng như ở ngoài đối với chính quyền nhân dân. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà... Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”9.

Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23-12-1945, nhưng gặp phải sự chống đối của Việt Quốc, Việt Cách. Để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải nhằm tạo bầu không khí ổn định cho Tổng tuyển cử; đồng thời, để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày chủ nhật 6-1-1946. Qua quá trình đàm phán, Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) đã thỏa thuận hợp tác và ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử. Trên cơ sở đó, ngày 24-12-1945, đại biểu của Việt Minh, Việt Quốc, Việt Cách (Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội) đã gặp nhau và cùng ký bản “Biện pháp đoàn kết”, trong đó có điều khoản ủng hộ Tổng tuyển cử và kháng chiến, nhất trí về việc mở rộng Chính phủ lâm thời có đại diện của Việt Quốc, Việt Cách tham gia, thừa nhận 70 ghế cho họ trong Quốc hội mà không qua bầu cử.

Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử, không khí càng náo nức, sôi nổi. Một số địa phương, nhất là ở phía Nam, do lệnh hoãn không đến kịp nên Tổng tuyển cử vẫn tiến hành như kế hoạch đã định trước là ngày 23-12-1945. Tin Tổng tuyển cử diễn ra tưng bừng ở những nơi đó được đăng tải kịp thời trên các báo chí làm tăng thêm không khí chính trị sôi động của cả nước hướng đến ngày 6-1-1946.

Ngày 1-1-1946, Chính phủ lâm thời đã cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, mở rộng thêm thành phần Chính phủ để thực hiện mục tiêu lớn là làm cho cuộc toàn dân tuyển cử được thành công tốt đẹp và chuẩn bị sẵn sàng việc họp Quốc hội.

Về công tác chuẩn bị Tổng tuyển cử, các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do các UBND các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.

Tại Hà Nội, 118 chủ tịch các UBND và tất cả các giới đại biểu làng xã công bố một bản kiến nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đáp lại nguyện vọng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư trả lời đồng bào như sau: “Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị: tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khắc cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt qua khỏi thể lệ của Cuộc Tổng tuyển cử đã định”10.

Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “… Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…”11.

Trong ngày chủ nhật 6-1-1946, từ sáng sớm, Báo Sự Thật đã phát lời kêu gọi nhân dân “Tất cả hãy đến thùng phiếu”. Báo Quốc hội số đặc biệt ngày 6-1-1946 đã dành khổ lớn trên trang nhất để in ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bút tích Lời kêu gọi của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”.

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng cả ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, và bằng cả niềm vui sướng, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 6-1-1946: toàn dân đi bỏ phiếu.

1.3 Kết quả và ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946

Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên… Ở Hà Nội, 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết quả, 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

 Ở các địa phương khác trong cả nước, cuộc Tổng tuyển cử cũng được tiến hành sôi nổi. Riêng các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng nói chung Tổng tuyển cử diễn ra an toàn. Ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, nhân dân đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom đạn của giặc Pháp. Nhiều nơi nhân dân phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình...

Nhìn chung, ở cả 71 tỉnh, thành trong cả nước, có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam ra đời vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Quốc hội ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh dân tộc gay gắt. Đó là Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân. Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả ba miền Bắc - Trung - Nam, là ý chí của nhân dân cả nước. Quốc hội đã có đại diện của tất cả thế hệ những người Việt Nam yêu nước đương thời, hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội từ công nhân, nông dân, nam giới, nữ giới cho đến những nhà tư sản, công thương gia, những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, có đại diện của các thành phần tôn giáo trên đất nước ta, tất cả các thành phần dân tộc, của tất cả những người không đảng phái và đảng phái chính trị như Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ, những đảng viên Xã hội cùng những người tiến bộ trong các phái chính trị khác.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện cách mạng đứng trước thử thách ngàn cân treo sợi tóc, khó khăn chồng chất, lại diễn ra trong điều kiện nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ. Tuy nhiên, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định Tổng tuyển cử và đưa cuộc Tổng tuyển cử đến thành công. Đó là một quyết định dũng cảm, táo bạo, kịp thời, chủ động và nhạy bén, xuất phát từ bản lĩnh chính trị sắc bén, khoa học và thực tiễn sâu sắc. Thắng lợi đó là do đường lối của Đảng đã phản ánh được những khát vọng sâu xa nhất, bức thiết nhất của nhân dân với lãnh tụ kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông qua Việt Minh, một tổ chức quần chúng rộng lớn do Đảng tổ chức lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đem lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, sự hy sinh chiến đấu quên mình của những người cách mạng chính là tiền đề chính trị cho Tổng tuyển cử thắng lợi.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là “Kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”12.

(còn nữa)

------------------------------

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.3, tr.505.
2. Văn kiện Đảng 1930-1945, t.3, tr.535.
3. Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.2, tr.263.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.3, tr.553.
5. Tuyên cáo của Hoàng đế Việt Nam thoái vị ngày 24-8-1945, Việt Nam Dân quốc Công báo, năm thứ 1, số 1.
6. Chặt xiềng, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1946, tr.86
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.6-7.
8. Việt Nam quốc dân công báo, số ngày 29-9-1945.
9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.133.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.71.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.145.
12. Hồ Chí Minh, Sđd, t.4, tr.103.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com