Tình cảm của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

07:07, 26/07/2014

"Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được gìn giữ qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống quý báu đó càng được vun đắp, phát huy. Đối với những người có công với nước, trong đó có những thương binh - liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều luôn dành một sự quan tâm đặc biệt. Hầu như năm nào cũng vậy, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Bác đều đến thăm hỏi, động viên và gửi thư cho các thương binh và gia đình liệt sĩ, đồng thời không quên nhắc nhở các cấp, các ngành và toàn xã hội chăm sóc, giúp đỡ những đối tượng chính sách này.

Trong nhiều bài nói, bài viết và các bức thư của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định và ghi nhận sự hiến dâng, sự hy sinh lớn lao và cao cả của các thương binh, anh hùng liệt sĩ. Công lao của những người con ưu tú đó thật to lớn và quý báu vì đã góp phần rất quan trọng trong việc giành lại nền độc lập, thống nhất cho đất nước, mang lại tự do, ấm no cho nhân dân: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”

(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NXB Chính trị quốc gia 2000, trang 3).

Thương, bệnh binh luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ:
Thương, bệnh binh luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ:

Bác cũng khẳng định, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ công lao của những người đã hy sinh tính mạng hay một phần cơ thể cho nền độc lập của dân tộc. Sự hy sinh ấy luôn được khắc ghi trong tâm hồn mỗi người dân. Hình ảnh của những thương binh, liệt sĩ luôn sống mãi cùng sự trường tồn của non sông đất nước Việt Nam: Ngày 27-7 là một ngày kỷ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình liệt sĩ, tưởng nhớ đến người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân và non sông đất nước. Các liệt sĩ đã hy sinh nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta... Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh (Sđd, tập 7, tr 427). Sự hy sinh của các thương binh, liệt sĩ đã làm rạng rỡ thêm truyền thống của dân tộc và sự hy sinh ấy luôn là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam, đáng được ngưỡng vọng và ngợi ca đến tận mai sau...

Bên cạnh đó, Người cũng luôn nhắc nhở, động viên các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân phải luôn chăm sóc, đền đáp lại công ơn của các thương binh, anh hùng liệt sĩ: “Ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Trong cuộc tưng bừng hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta... Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ” (Sđd, tập 8, tr 210). Và cũng giống như nhiều công việc khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gương mẫu đi đầu trong việc đền ơn đáp nghĩa: “Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi. Nhân dịp này, tôi xin gửi một tháng lương để góp vào quỹ tổ chức. Và tôi trân trọng gửi các anh em thương binh và gia đình các liệt sĩ” (Sđd, tập 4, tr 435). Người cũng chỉ ra rằng công việc chăm sóc thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ vừa là nghĩa cử cao đẹp, vừa là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Công việc đó cần phải thiết thực, có tổ chức và thể hiện trong mọi hoàn cảnh, mọi đơn vị, mọi làng xã. Các đơn vị và cá nhân tùy vào điều kiện mà chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ cho phù hợp. Và quan trọng hơn là công việc đền ơn đáp nghĩa không phải chỉ thực hiện trong ngày một ngày hai, chỉ trong những ngày lễ tết, mà phải duy trì liên tục và duy trì mãi mãi: “Tôi mong rằng các đoàn thể văn hóa, công nhân, nông dân, phụ nữ, nhi đồng và các bộ đội hoặc đến an ủi thương binh và gia đình liệt sĩ, hoặc viết thư thăm hỏi, ai sẵn quà gì biếu quà ấy để tỏ lòng thương mến... Tôi mong và chắc rằng: đồng bào trước đã giúp đỡ, sau này sẽ sẵn sàng giúp đỡ mãi’’ (Sđd, tập 6, tr 75). Người đã hướng dẫn các đơn vị, cá nhân thực hiện những nghĩa cử đó trong sinh hoạt và lao động hằng ngày, trong những lúc thương, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ ốm đau. Đối với việc chăm sóc, giúp đỡ thương, bệnh binh, Bác căn dặn bên cạnh việc thăm hỏi, động viên thì các cấp, các ngành phải mở lớp dạy nghề phù hợp và tạo điều kiện để anh em thương binh được chủ động, tự lực trong cuộc sống và thực hiện theo niềm mong đợi của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh” (Sđd, tập 12, tr 503). Còn đối với các liệt sĩ, Người yêu cầu mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần phải “xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”...

Thân nhân liệt sĩ và cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập, tỉnh Điện Biên, tháng 7-2014. Ảnh: Viết Dư
Thân nhân liệt sĩ và cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập, tỉnh Điện Biên, tháng 7-2014. Ảnh: Viết Dư

Mặc dù bận rộn với nhiều công việc quan trọng của đất nước nhưng Bác vẫn luôn dành thời gian chú ý đến hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong cả nước. Người khen ngợi và biểu dương kịp thời những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác chăm sóc thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đồng thời, Người cũng thường xuyên nhắc nhở các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉnh những chủ trương, chính sách của Nhà nước dành cho thương binh, liệt sĩ: “Tôi nhắc các cơ quan, đoàn thể phải chấp hành một cách chu đáo các chính sách của Đảng và Chính phủ đối với anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ... Nhiều nơi đồng bào đã hiểu đúng và làm như vậy. Nhưng cũng còn một số ít địa phương chưa hiểu đúng, làm đúng. Tôi mong rằng đồng bào, đoàn thể và cán bộ ở những địa phương đó sửa chữa những thiếu sót ấy và quan tâm giúp đỡ những người đã từng hy sinh cho nước nhà” (Sđd, tập 8, tr 210)...

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên đến động viên, thăm hỏi và có nhiều ý kiến huấn thị, căn dặn các thương, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ. Trong đó, Người nhấn mạnh đến việc phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức của người chiến sĩ cách mạng và phải không ngừng phấn đấu vươn lên để chiến thắng bệnh tật, chiến thắng hoàn cảnh; từ đó tham gia học tập và lao động sản xuất, góp phần vào công cuộc kháng chiến và xây đựng đất nước: “Các chú là những chiến sĩ đã được Quân đội nhân dân ta rèn luyện về đạo đức và kỷ luật cách mạng, là những người con đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ nước nhà. Vậy các chú cần phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội cách mạng là: giữ gìn kỷ luật, đoàn kết chặt chẽ, thật sự đoàn kết, thương yêu giữa anh em thương, bệnh binh với nhau, giữa thương, bệnh binh với cán bộ và nhân viên giúp việc ở trại, giữa thương, bệnh binh trong trại với đồng bào xung quanh. Anh em thương, bệnh binh phải hoà mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân; phải tránh tâm lý “công thần”, yêu cầu quá đáng, coi thường lao động, coi thường kỷ luật; chớ bi quan chán nản, phải luôn cố gắng. Mong các chú làm đúng những lời Bác dặn trên đây” (Sđd, tập 8, tr 433). Người cũng đã rất nhiều lần khen thưởng các thương, bệnh binh đã cố gắng trong việc rèn luyện sức khoẻ và học tập, tham gia lao động sản xuất, không chỉ đã từng là chiến sĩ kiểu mẫu ngoài mặt trận mà còn trở thành những công dân kiểu mẫu ở hậu phương...

Trước những biểu hiện chưa đúng đắn ở một số thương, bệnh binh, Người cũng đã động viên, nhắc nhở kịp thời để họ nhận rõ sai lầm mà sửa chữa, phấn đấu tiến bộ: “Nếu anh em nào có sai lầm, như: công thần, ỷ lại, kém kỷ luật, kém tin tưởng, yêu cầu nhân dân quá đáng, không tích cực công tác... thì nên cố gắng sửa chữa. Đoàn thể và cán bộ thì lấy tinh thần thương yêu và đoàn kết mà giúp những anh em ấy sửa chữa để trở thành những người gương mẫu..."(Sđd, tập 8, tr 210-211).        

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đã làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Các thương, bệnh binh, các thân nhân liệt sĩ cũng đã có nhiều cố gắng trong học tập và lao động sản xuất, đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp, phồn vinh..., xứng đáng là những “công dân kiểu mẫu” và “gia đình cách mạng gương mẫu”./.

Trần Văn Lợi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com