Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5: Chủ tịch Quốc hội phát biểu về ứng phó với đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu

06:09, 08/09/2021

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tiếp tục diễn ra theo chương trình nghị sự tại Thủ đô Vienna của Áo với các phiên thảo luận chuyên đề vào chiều 7-9. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có phát biểu tại một số phiên thảo luận.

Tại các cuộc thảo luận, các Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề cùng quan tâm như: Ứng phó với đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch… thể hiện vai trò, trách nhiệm của nghị viện trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.  Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Ứng phó với “thách thức kép”

Thảo luận chuyên đề có nội dung về “Phục hồi sau đại dịch: Chuyển đổi nền kinh tế để chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ thế giới hiện đang phải ứng phó với “thách thức kép”, vừa chống dịch COVID-19 vừa tìm cách phục hồi từ sự tàn phá của đại dịch; đồng thời đối mặt những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đe dọa hệ sinh thái, cuộc sống người dân trên toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải đổi mới thể chế, phương thức quản trị…

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, đối với Việt Nam, phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững là thách thức rất lớn. Việt Nam đang ưu tiên huy động các nguồn lực, sự chung tay hành động của mọi người dân, kiên quyết thực hiện nhiều biện pháp mạnh trong phòng, chống dịch COVID-19 nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì chuỗi cung ứng và bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các nghị sĩ/đại biểu Quốc hội cần ủng hộ, đồng hành và thúc đẩy Chính phủ hành động mạnh mẽ, tăng cường rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, hỗ trợ, giám sát phòng, chống dịch COVID-19 đi đôi thực hiện cam kết COP-21, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phục hồi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững…, khuyến khích phát triển quan hệ đối tác công - tư, đề cao sự nỗ lực, sáng tạo của doanh nghiệp, sự ủng hộ cùng hành động của người dân. Cùng với đó tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác nghị viện nhằm chia sẻ kinh nghiệm cùng ngăn chặn đại dịch COVID-19, hỗ trợ cung cấp vắc-xin, hợp tác sản xuất vắc-xin, nâng cao năng lực y tế công cộng, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì sản xuất, ổn định chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các nước phát triển giàu mạnh hơn cần đi đầu thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nâng cao năng lực công nghệ cho các nước đang phát triển.

Tại phiên thảo luận này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định vì đây là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.

Nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương

Về nội dung “Ứng phó với đại dịch COVID-19 và thách thức đối với cơ chế hợp tác đa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh vai trò của các tổ chức đa phương trong kết nối hành động nhằm bảo vệ tính mạng và quyền lợi của người dân “trong khó khăn thách thức, càng sáng lên tình đoàn kết, hữu nghị ấm áp được sẻ chia”, hợp tác quốc tế thông qua các cơ chế hợp tác đa phương đi đầu là Tổ chức Y tế thế giới với Chương trình tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó COVID-19 (ACT) và Chương trình hợp tác toàn cầu về vắc-xin COVAX cùng nhau vượt qua đại dịch. Với tinh thần tương thân tương ái, Việt Nam đã hợp tác, chia sẻ nguồn lực với các nước đồng thời nhận được nhiều sự giúp đỡ quý báu, kịp thời của nhân dân, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế về trang thiết bị, vật tư y tế, san sẻ nguồn vắc-xin phòng chống COVID-19, tiếp thêm sức mạnh cho người dân Việt Nam để chiến đấu và đẩy lùi dịch bệnh. 

Chủ tịch Quốc hội kêu gọi, trong bối cảnh các thách thức toàn cầu đòi hỏi hành động mang tầm chiến lược toàn cầu, các quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển, không phân biệt quan điểm chính trị, cần phối hợp hành động, đóng góp nguồn lực của mình, ủng hộ và làm sống động chủ nghĩa đa phương để chiến thắng đại dịch COVID-19; các Nghị viện, các quốc gia cần tiếp tục ủng hộ, tin tưởng và tăng cường hợp tác đa phương với vai trò trung tâm dẫn dắt của Liên hợp quốc, dựa trên các nguyên tắc và giá trị của Liên hợp quốc, cùng sự tham gia của các tổ chức quốc tế, khu vực, qua đó bảo đảm đủ nguồn lực tài chính để đạt được các mục tiêu phục hồi toàn diện và bền bỉ sau đại dịch COVID-19./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com