Tập trung triển khai các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi và phòng, chống dịch bệnh

07:05, 26/05/2020

Hiện nay, thời tiết đang bước vào giai đoạn nắng, nóng gay gắt, nhiệt độ môi trường tăng cao làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Bên cạnh đó, theo Cục Thú y, tại nhiều tỉnh, thành phố bệnh dịch tả lợn châu Phi có hiện tượng tái phát, nguy cơ các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát sinh, lây lan trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh rất cao.

Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Công văn số 3041/BNN-TY ngày 5-5-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) về việc tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát; Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 24-3-2020 của UBND tỉnh về phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2020. Trong đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là hệ thống đài phát thanh cơ sở về sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh, nguy cơ phát sinh dịch, tác dụng của việc tiêm phòng vắc-xin và các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; thông tin các cơ chế, chính sách của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh động vật, bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động thực hiện phòng, chống dịch. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) vụ xuân đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch và kết thúc đợt tiêm chính vụ trong tháng 5; yêu cầu các hộ chăn nuôi gia cầm chủ động thực hiện tiêm phòng vắc-xin cúm cho gia cầm, nhất là đàn vịt thịt; tổ chức tiêm bổ sung kịp thời cho những GSGC chưa được tiêm phòng; tổ chức quản lý, sử dụng vắc-xin phòng, chống dịch do Nhà nước hỗ trợ đúng quy định. Chỉ đạo chính quyền cơ sở, nhất là lực lượng trưởng thôn, xóm; mạng lưới thú y giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, không giấu dịch. Khi phát hiện GSGC ốm chết bất thường hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là dịch tả lợn châu Phi phải báo ngay cho cơ quan thú y để kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp xử lý phù hợp, không để dịch lây lan ra diện rộng. Thực hiện nghiêm các quy trình về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, buôn bán con giống, các cơ sở vận chuyển giết mổ GSGC; tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, nhất là những vi phạm về phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, làm lây lan dịch bệnh. Tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích người chăn nuôi đẩy nhanh tiến độ tái đàn lợn khi đủ điều kiện. Hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nắng nóng cho vật nuôi; cải tạo chuồng nuôi thông thoáng, giảm mật độ nuôi nhốt, tăng số lượng máng uống, có biện pháp che phủ mái chuồng, bố trí quạt, hệ thống làm mát dưới mái chuồng khi thời tiết nắng nóng, bổ sung điện giải các loại vitamin, nhất là vitamin C, vào khẩu phần ăn, thường xuyên thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại; con giống nhập vào nuôi phải khỏe mạnh có nguồn gốc rõ ràng và thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho GSGC.

UBND các huyện, thành phố phố tăng cường kiểm tra đôn đốc hướng dẫn việc tổ chức tiêm phòng phòng và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh GSGC của chính quyền cấp xã và cơ sở chăn nuôi./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com