Tọa đàm "Tăng cường liên kết - Phát triển kinh tế hợp tác bền vững"

06:09, 11/09/2019

Ngày 10-9, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Tăng cường liên kết - Phát triển kinh tế hợp tác bền vững”.

Phát biểu tại Tọa đàm Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết: 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế hợp tác, hợp tác xã tiếp tục phát triển. Cả nước thành lập mới 1.024 hợp tác xã, 1 Liên hiệp Hợp tác xã và 2.689 tổ hợp tác; đạt 41% và 44% kế hoạch năm 2019 đặt ra tại Nghị quyết số 09/NQ-LMHTX ngày 20-1-2019, nâng tổng số hợp tác xã hoạt động trên cả nước là 23.280; 75 Liên hiệp hợp tác xã và 104.861 Tổ hợp tác, có gần 900 nghìn thành viên mới tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác đưa tổng số thành viên lên gần 8 triệu người.

Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động đạt hiệu quả gần 54%; tổng doanh thu đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 3,5 triệu đồng/tháng, với gần 8 triệu thành viên, trực tiếp tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hơn 30 triệu người. Đóng góp của khu vực hợp tác xã vào GDP của cả nước khá ổn định (khoảng 5%). Ông Nguyễn Văn Thịnh cũng thẳng thắn thừa nhận, những kết quả đạt được, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Tốc độ tăng trưởng chậm, một số hợp tác xã chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, còn biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị hợp tác xã; năng lực nội tại của một số hợp tác xã còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn; sự liên kết, hợp tác của các hợp tác xã chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp...

Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, tại Tọa đàm này, ông Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh: Các đại biểu sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hợp tác xã với các cơ quan quản lý Nhà nước, các đoàn thể, hiệp hội, rà soát những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, những điểm nghẽn khiến cơ chế chưa tiếp cận được cuộc sống; đánh giá thực trạng hoạt động hợp tác xã mô hình kiểu mới tại các địa phương, các chính sách thúc đẩy phát triển hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; nhận diện rõ hơn các cơ hội và thách thức, những vấn đề mới trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã”.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư bà Chu Thi Vinh cho biết về những cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế hợp tác và những điểm nghẽn khiến cơ chế chưa tiếp cận được cuộc sống. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nội dung như: Bố trí ngân sách nhất định hỗ trợ hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, đặc biệt hỗ trợ phát triển hợp tác xã tham gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp. Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ hợp tác xã cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi giai đoạn phát triển. Đề xuất điều chỉnh Luật Thuế, Luật Đất đai và các quy định của pháp luật liên quan phù hợp với tính chất, quy mô, hình thức hoạt động theo hướng ưu đãi hơn hiện nay cho các hợp tác xã, tổ hợp tác. Kiện toàn bộ máy, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, Thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật hợp tác xã về kinh tế tập thể từ Trung ương đến địa phương, từ tỉnh đến huyện, thị xã và cơ sở.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết: Từ năm 2011 đến nay, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã chủ trì thực hiện 10 đề án trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí được phê duyệt khoảng 16,29 tỷ đồng. Đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tạo dựng thị trường vững chắc hơn cho hàng Việt tại thị trường nội địa. Do vậy, ông Hoàng Minh Chiến đề xuất các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ quan hữu quan thực hiện chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã. Về phía Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, định hướng hoạt động xúc tiến thương mại cho hợp tác xã. Sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp phải chủ động  phối hợp, yêu cầu các hiệp hội chuyên ngành xây dựng thông tin đề án xúc tiến thương mại làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh và phát triển thị trường…

Đại diện cho các hợp tác xã, ông Chu Văn Hoà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Đan Phượng chia sẻ, mặc dù các hợp tác xã sản xuất trong cơ chế thị trường nhưng hầu hết lại không biết nhu cầu thị trường là gì; năng suất tăng liên tục nhưng thu nhập tăng thấp; giá đầu vào cao nhưng giá đầu ra thấp; thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận xuất xứ nhưng chưa làm được; mất mùa giá cao - được mùa giá thấp… và người dân đang làm ra cái mình có, chưa làm được cái thị trường cần chính là điểm yếu của một số hợp tác xã và thành viên hiện nay./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com