Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm

07:09, 05/09/2018

Hiện nay, tình trạng người chăn nuôi nhập vịt giống với số lượng lớn để chuẩn bị nuôi thả đồng đang gia tăng ở nhiều địa phương. Do chăn nuôi theo mùa vụ nên hầu hết các hộ không có chuồng nuôi, không có biện pháp che chắn cho gia cầm khi gặp mưa và nuôi nhốt ban đêm. Mặt khác, sau một thời gian dài dịch bệnh ít xuất hiện nên người chăn nuôi và một số địa phương đã chủ quan, chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; chưa thực hiện quản lý đàn vật nuôi; công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chưa được thực hiện đầy đủ; không tiêm phòng vắc-xin cúm cho gia cầm; phát hiện và báo cáo dịch chậm. Bên cạnh đó thời gian qua, thời tiết mưa nắng thất thường làm giảm sức đề kháng của gia cầm, là điều kiện thuận lợi cho dịch cúm gia cầm phát sinh, lây lan.

Để chủ động ngăn chặn cúm gia cầm phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đề nghị Phòng NN và PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố tham mưu, đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn tập trung thực hiện nghiêm túc về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão; tổ chức tiêm phòng vắc-xin vụ thu năm 2018 cho gia súc, gia cầm và tổ chức thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 2 năm 2018. Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền tới cộng đồng về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Tuyên truyền cho người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng để sử dụng làm thực phẩm, không ăn tiết canh gia cầm, không ăn thịt gia cầm ốm chết, không vứt xác gia cầm ra môi trường. Tổ chức giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, kiểm tra nắm chắc tình hình chăn nuôi, dịch bệnh gia súc, gia cầm. Khi phát hiện gia cầm có triệu chứng của bệnh cúm như: ủ rũ, giảm ăn, chảy nước mũi, sưng mí mắt, mào tích tím tái, tiêu chảy, run rẩy, nghẹo đầu, xã cánh, giảm đẻ, chết nhanh… phải báo ngay cơ quan Thú y để kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm xác định bệnh, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp bao vây khống chế, không để dịch lây lan. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học: cải tạo chuồng trại đảm bảo thông thoáng khô ráo; con giống nhập vào phải có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện nghiêm túc việc đăng ký kê khai ban đầu về số lượng đàn gia cầm với UBND xã, thị trấn để quản lý và làm căn cứ hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh; rắc vôi bột lối đi và xung quanh khu vực chuồng nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng 1-2 lần/tuần; rà soát, thống kê và yêu cầu các hộ chăn nuôi gia cầm, nhất là thủy cầm, chủ động mua vắc-xin cúm để tiêm phòng cho những con gia cầm khỏe mạnh từ 14 ngày tuổi trở lên (sử dụng vắc-xin Navet-Vifluvac do Cty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất); tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn. Tăng cường vai trò, trách  nhiệm của mạng lưới thú y cơ sở trong công tác quản lý đàn vật nuôi; giám sát, báo cáo dịch bệnh; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch. Phân công lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật Phòng NN và PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y trực tiếp đến những vùng chăn nuôi trọng điểm để nắm bắt, đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp cụ thể về công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm cũng như các dịch bệnh nguy hiểm khác ở động vật./.

Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com