Kiểm tra sản xuất và khắc phục hậu quả mưa úng tại các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng và Hải Hậu

07:08, 03/08/2018

* Hướng dẫn trừ rầy lứa 4 phòng chống bệnh lùn sọc đen

Ngày 2-8-2018, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra sản xuất lúa mùa và công tác khắc phục hậu quả mưa úng tại các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Cùng đi với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo: Sở NN và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Hải Hậu; lãnh đạo các Cty TNHH một thành viên KTCTTL: Nam Ninh, Nghĩa Hưng và Hải Hậu.

Ðến hết ngày 1-8-2018, toàn tỉnh cấy và sạ được 64.330ha lúa mùa, đạt 84% tổng diện tích gieo cấy lúa; trong đó có 21.624ha diện tích gieo sạ. Các hộ nông dân trong tỉnh đã chăm sóc đợt 1 được gần 39 nghìn ha lúa mùa. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở NN và PTNT về việc khắc phục hậu quả mưa úng đối với sản xuất lúa, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, các xã, thị trấn và Cty KTCTTL huyện tập trung nguồn lực tiêu nước triệt để trên hệ thống kênh mương và trên mặt ruộng khi có thể. Thông báo cho người dân xuống giống gieo mạ bổ sung để cấy dặm và cấy lại những diện tích lúa bị thiệt hại. Ðến nay, các địa phương đã khắc phục được gần 20 nghìn ha, trong đó diện tích lúa đã cấy lại 11.669ha, diện tích dặm tỉa 8.265ha.

Ðồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác khắc phục tại các xã: Nam Dương, Nam Tiến (Nam Trực); Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); Hải Châu, Hải Phong (Hải Hậu).

Hiện nông dân các xã Nam Dương, Hải Châu đang tập trung gieo cấy, dặm tỉa cho những diện tích lúa bị thiệt hại. Trong khi đó ở các xã Nam Tiến, Nghĩa Sơn và Hải Phong nhiều diện tích ruộng chưa tiêu thoát được nước nhiều ảnh hưởng đến công tác khắc phục thiệt hại. Theo báo cáo của các huyện: Nam Trực đã khắc phục được 1.950ha trên tổng số 3.937ha lúa bị thiệt hại; các xã có nhiều diện tích chưa khắc phục xong là Nam Hải, Nam Tiến, Nam Lợi, Nam Thanh. Huyện Nghĩa Hưng bị thiệt hại 8.001ha, đến nay đã cấy lại được 1.000ha và dặm tỉa 2.000ha; các xã có nhiều diện tích chưa khắc phục xong là Nghĩa Hải, Nghĩa Sơn, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Trung. Huyện Hải Hậu khắc phục 5.000/7.500ha lúa bị thiệt hại, trong đó đã cấy lại 3.000ha, dặm tỉa 2.000ha; các xã Hải An, Hải Phong, Hải Toàn, Hải Ðường, Hải Phú còn nhiều diện tích chưa khắc phục xong. Các huyện đã chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc cho những diện tích lúa cấy ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ vừa qua; chỉ đạo phun trừ rầy lưng trắng lứa 4 cho diện tích lúa ít bị ảnh hưởng từ ngày 29-7 đến 2-8. Trong thời gian tới, các huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương và Cty KTCTTL tích cực tiêu nước; thực hiện tiêu nước đến đâu cấy, dặm đến đấy, phấn đấu hoàn thành gieo cấy trước ngày 5-8.

Qua kiểm tra thực tế tại 3 huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng và Hải Hậu, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố và các Cty KTCTTL tập trung nguồn lực chỉ đạo tiêu nước triệt để trên hệ thống kênh mương và trên mặt ruộng khi có thể. Chỉ đạo các xã, thị trấn vận động, đôn đốc bà con nông dân sử dụng lượng mạ bổ sung, mạ dự phòng hiện có, huy động tối đa nhân lực hoàn thành sớm công tác gieo cấy lúa mùa. Tập trung chăm sóc những diện tích lúa ít bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua. Trong thời gian qua, do mưa nhiều bổ sung lượng đạm tự nhiên lớn nên đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các địa phương hướng dẫn bà con hạn chế bón phân đạm, tăng cường bón phân kali. Ðồng thời, kết hợp với phòng trừ rầy lưng trắng một cách triệt để, hạn chế bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa.

Hiện nay, trên trà lúa ít bị ảnh hưởng của mưa bão, rầy lưng trắng lứa 4 đã nở rộ với mật độ phổ biến 100-300 con/m2, cá biệt 700-1.000 con/m2. Theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT, các huyện, thành phố đã tổ chức tuyên truyền, tập trung chỉ đạo phun thuốc trừ rầy lứa 4 từ ngày 26 đến 31-7-2018 nhưng do thời tiết có mưa liên tục kéo dài nên đến hết ngày 31-7 mới phun trừ rầy được 8.650ha, đạt 22% diện tích cần trừ. Trong khi đó nguồn bệnh lùn sọc đen trên đồng ruộng hiện nay rất cao (có 14,5% mẫu rầy dương tính với vi-rút lùn sọc đen) và lứa rầy nở kéo dài nên có nguy cơ cao tiếp tục bùng phát bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa 2018.

Trước tình hình trên, để hạn chế tác hại do bệnh lùn sọc đen gây ra, đồng thời để đảm bảo hoàn thành khắc phục hậu quả mưa úng, Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trạm Trồng trọt và BVTV, Trạm Khuyến nông, Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn tập trung tuyên tuyền, phát động nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi phun thuốc trừ rầy lưng trắng đồng loạt, triệt để cho toàn bộ diện tích lúa ít bị ảnh hưởng của mưa bão; thời gian trừ rầy xong trước ngày 5-8. Ðối với những diện tích lúa phải dặm tỉa, diện tích gieo cấy lại trước ngày 30-7 tổ chức phun trừ rầy tập trung từ ngày 7 đến 12-8. Sau khi phun thuốc từ 5 đến 7 ngày, nếu rầy còn tiếp tục nở phải phun thuốc trừ rầy lần 2. Sử dụng thuốc: Actara 25WG, Sectox 100WP, Midan 10WP, Thanasat 10WP, Amira 25WP, Ramsuper 75WP, Dyman 500WP...; phun thuốc đúng kỹ thuật, đúng thời điểm, pha thuốc đúng liều lượng. Khẩn trương tiêu rút nước và hoàn thành cấy lại, cấy dặm cho những diện tích bị thiệt hại do mưa úng trước ngày 5-8. Tăng cường kiểm tra thị trường kinh doanh thuốc BVTV, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.

Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com