Hội nghị toàn quốc góp ý Đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã

08:08, 10/08/2018

Sáng 9-8, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính; lãnh đạo các ban, ngành và các địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ hiện trạng về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính hiện nay. Theo đó, cả nước hiện có đến 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,4%) và 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,5%) chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.

Hiện nay, có rất nhiều đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Trong điều kiện cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tổ chức hành chính Nhà nước, Hội nghị Trung ương 6 khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 18 về một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đề ra mục tiêu đến năm 2021 sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố. Từ năm 2021 đến 2030 cơ bản hoàn thành sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định.

Như vậy, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý về việc sắp xếp các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định đã rõ ràng, đầy đủ. Vì thế, tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh cần tập trung thảo luận về các giải pháp, cách làm, bước đi, cách thức triển khai sao cho vừa bảo đảm mục tiêu mà Trung ương đã đề ra, vừa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Cần xác định đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội rất quan tâm, nên thời gian tới, Bộ Chính trị sẽ thảo luận Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021 do Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình, Bộ Nội vụ giúp Chính phủ xây dựng đề án, tiến hành các cuộc khảo sát tại các địa phương, tổ chức các cuộc hội thảo khu vực lấy ý kiến chuyên gia, cơ quan liên quan.

Bên cạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, các đơn vị hành chính còn chịu sự chi phối của các yếu tố như lịch sử, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, điều kiện địa lý tự nhiên, thành phần dân tộc, cộng đồng dân cư, các yếu tố đặc thù khác.

Quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính phải bảo đảm sự đồng thuận của người dân trên địa bàn. Vì vậy, để Đề án có tính khả thi cao, bên cạnh quyết tâm chính trị cần xây dựng Đề án trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn của từng vùng, miền, địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, quá trình sắp xếp, thu gọn cần tạo điều kiện không thu tiền khi tiến hành thay đổi về giấy tờ, hộ tịch khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cho nhân dân.

Về lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021, Bộ Nội vụ cũng xin ý kiến Hội nghị một số vấn đề như việc sắp xếp các đơn vị hành chính chỉ tiến hành một lần, bảo đảm giữ ổn định hay thực hiện nhiều lần theo 2 giai đoạn như mục tiêu đề ra cho đến khi các đơn vị hành chính bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định? Hay lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã như dự thảo Đề án có khả thi hay không, phấn đấu sắp xếp trước thềm Đại hội Đảng cấp xã, cấp huyện hay sau Đại hội vẫn có thể thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh, có đủ cơ sở chính trị và pháp lý để xây dựng Đề án này khi đã có nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Bộ Chính trị, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng như kế hoạch của Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Đề án nêu 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số nhưng đó là điều kiện ban đầu để đưa ra xem xét. Đơn vị hành chính hình thành từ nhiều yếu tố, do đó, cần xem xét các yếu tố khác để tránh ảnh hưởng phát triển kinh tế, trật tự an ninh và khối đại đoàn kết. Việc sáp nhập tuỳ theo điều kiện và đặc thù riêng của địa phương chứ không phải cơ học, máy móc.

“Quan điểm chỉ đạo việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế nhưng phải đảm bảo kế thừa, ổn định, tạo thuận lợi quản lý Nhà nước nhưng bảo đảm an ninh chính trị. Do đó, Bộ Nội vụ xem xét bổ sung thêm tiêu chí cho phù hợp, không máy móc. 16 huyện và 637 xã không đủ 2 tiêu chí chỉ mới là con số thống kê, còn khi xây dựng và thực hiện Đề án, khi tính toán kỹ thì con số có thể khác” - ông Trương Hoà Bình nói.

Nhấn mạnh Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến nhân dân và khi có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn đồng ý thì mới trình cấp có thẩm quyền xem xét. Còn hình thức lấy ý kiến như thế nào sẽ tính toán nhưng phải đảm bảo thực chất, phản ảnh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com