Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp

07:03, 28/03/2018

Sáng 26-3, Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể theo nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia, tại Điện Anh-va-lít ở Thủ đô Pa-ri. 

Sau lễ đón, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm Thành phố Soa-di Lơ Roa nằm ở phía Đông Nam ngoại ô Pa-ri, thuộc tỉnh Van Đờ Mác-nơ, Vùng hành chính In Đờ Phrăng-xơ. 

Soa-di Lơ Roa là thành phố của tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó với Việt Nam từ những năm kháng chiến chống Mỹ, nơi diễn ra các cuộc đàm phán Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp.

Trong thời gian 5 năm (5-1968 - 3-1973), chính quyền, các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và người dân thành phố đã dành những tình cảm quý mến, sự giúp đỡ tận tình cả tinh thần và vật chất, cũng như nơi lưu trú cho Đoàn đàm phán của Việt Nam. Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Soa-di Lơ Roa luôn duy trì tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó với Việt Nam. Thành phố đã kết nghĩa với quận Đống Đa (Hà Nội) từ năm 1973, hỗ trợ quận Đống Đa tái thiết sau chiến tranh, xây dựng trường học, trạm xá...

Tại Soa-di Lơ Roa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham quan Quảng trường Hiệp định Pa-ri, quảng trường được khánh thành năm 2013 trong tuần lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri và gặp gỡ những người bạn Pháp. 

Trong phát biểu chào mừng, Thị trưởng Đi-đi-ơ Ghi-ôm-me bày tỏ niềm vinh dự to lớn được chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Thành phố Soa-di Lơ Roa, mảnh đất giàu truyền thống, có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam. 

Thị trưởng Ghi-ôm-me nêu rõ, cách đây 45 năm, với sự đấu tranh quả cảm của người dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ, Hiệp định Pa-ri được ký kết, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong giai đoạn tiếp theo, quan hệ Pháp - Việt không ngừng phát triển trên cơ sở cùng tìm tòi, phát huy những giá trị chung.

Ngài Thị trưởng chia sẻ: “Là thành phố anh em của các bạn, hòa bình và ký ức luôn là những giá trị chung của Soa-di Lơ Roa. Việc kỷ niệm các sự kiện nhằm nhắc nhở thế hệ sau rằng hiểm họa đe dọa hòa bình luôn hiện hữu và cần đoàn kết với các dân tộc để đấu tranh cho hòa bình”.

Thị trưởng Ghi-ôm-me nhấn mạnh quan hệ hữu nghị với Việt Nam là minh chứng cho quyết tâm của thành phố trong việc giữ gìn các giá trị cốt lõi của nhân loại. Soa-di Lơ Roa vinh dự được góp phần nhỏ bé vào những nỗ lực chung để ký kết Hiệp định hòa bình tại Pa-ri và sẽ tiếp tục hành động vì hòa bình. 

Cách đây 45 năm, Thành phố Soa-di Lơ Roa phát động phong trào ủng hộ Việt Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh quả cảm của nhân dân Việt Nam đấu tranh chống đế quốc hung tàn, dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt như bom bi, bom na pan, thuốc diệt cỏ - chất độc da cam… để đạt mục đích của mình. Phong trào lên cao đã đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến không dung thứ này. Ngài Thị trưởng nhấn mạnh trách nhiệm tiếp tục phát huy giá trị những thời khắc lịch sử của nhân loại, phát huy quan hệ hữu nghị anh em giữa các dân tộc, coi đó là tài sản vô giá. 

Trong không khí đầm ấm, thân mật, bà Giăng-ni-ê Ruy-banh, nhân viên cấp dưỡng, và ông Mác Xtát, người lái xe bình dị của 45 năm trước, đã xúc động ôn lại những kỷ niệm sâu sắc, không thể nào quên trong thời gian làm việc cho Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam sang đàm phán Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Thành phố Soa-di Lơ Roa này. 

Qua câu chuyện có thể cảm nhận tình cảm yêu mến và sự đoàn kết, ủng hộ nhiệt thành, vô tư của những người bạn Pháp và nhân dân tiến bộ Pháp luôn dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. 45 năm đã trôi qua, nhưng trong họ còn giữ nguyên tình cảm yêu mến Việt Nam, giữ nguyên niềm tự hào được đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng được đến thăm Thành phố Soa-di Lơ Roa, thành phố của hòa bình, rất thân quen với nhiều người Việt Nam, đặc biệt vào dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao, 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp, 45 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. 

Tổng Bí thư xúc động được gặp gỡ những người bạn, người đồng chí vô cùng thân thiết, những nhân chứng gắn liền với sự kiện của 45 năm về trước, những tấm gương tiêu biểu cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp tại Thành phố Soa-di Lơ Roa lịch sử. 

Việc ký kết Hiệp định Pa-ri đánh dấu thắng lợi của quá trình đàm phán lâu dài, là kết quả tất yếu của những chiến thắng của quân và dân Việt Nam trên chiến trường đầy gian khổ, ác liệt; đồng thời cũng là thắng lợi của các phong trào chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, ủng hộ Việt Nam của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới mà người dân Soa-di Lơ Roa đã có những đóng góp không nhỏ. 

Thay mặt nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới những người bạn Pháp lời cảm ơn chân thành nhất. Đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền và nhân dân Thành phố Soa-di Lơ Roa trong việc lưu giữ các địa điểm, di tích lịch sử gắn liền với quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Pa-ri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Năm tháng trôi qua, cảnh quan có thể thay đổi, con người cũng già đi nhưng lịch sử mãi mãi là lịch sử, ký ức được lưu giữ sẽ là dấu ấn trường tồn của mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Pháp”.

* Trưa 26-3 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp gỡ thân mật đại diện trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp, trong đó có những nhà khoa học, chuyên gia trên các lĩnh vực, có vị trí quan trọng tại nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Pháp. 

* Ngày 26-3, tại trụ sở Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Pháp Phrăng-xoa Đờ Ruy-gi. 

* Chiều 26-3 (theo giờ địa phương), tại trụ sở Quốc hội ở Thủ đô Pa-ri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Phrăng-xoa Đờ Ruy-gi đã dự Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973-2018). 

Phát biểu trước đông đảo quan chức, đại diện doanh nghiệp và người dân hai nước, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Pháp Phrăng-xoa Đờ Ruy-gi nêu rõ: “Trong suốt chặng đường lịch sử chung, có những lúc thăng, lúc trầm, nhưng quan hệ sâu đậm giữa hai dân tộc đã được dệt lên theo dòng thời gian. Một chặng đường lịch sử đã để lại nhiều dấu ấn văn hóa ở một số thành phố lớn ở Việt Nam với một số công trình kiến trúc. Ngày 13-4-1973, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang mới trong quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. 

Những năm tháng sau này, trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Pháp đã vượt qua khó khăn để đứng bên Việt Nam. Chặng đường lịch sử đã qua là nền tảng vững chắc cho tương lai mà hai nước chung tay xây dựng. 

Cộng đồng rất đông người Việt Nam tại Pháp chính là cầu nối quan hệ hai nước, đóng góp tích cực vào xây dựng đất nước Pháp. Việt Nam là đối tác quan trọng của Pháp ở khu vực Đông Nam Á đang phát triển năng động. Năm 2013, hai nước đã ký kết đối tác chiến lược và cùng nhau hợp tác trên nhiều bình diện chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, trên kênh Nghị viện, quân sự và chiến lược… Việt Nam là trụ cột của ASEAN với mức tăng trưởng cao, trong 30 năm qua GDP đã tăng 15 lần. 

Các doanh nghiệp Pháp có mặt nhiều hơn để cùng làm việc với các đối tác Việt Nam. Khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam học tập tại Pháp, trong đó có nhiều bạn trẻ có quá trình học tập ưu tú, xuất sắc, đây là lực lượng quan trọng củng cố quan hệ hai nước. Hai nước đã hợp tác xây dựng các cơ sở giáo dục tiên tiến ở Việt Nam, cùng nhau đối đầu với những thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng”.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự cảm kích vì chuyến thăm tới Pháp lần này của Đoàn đóng góp vào việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ mà trải qua năm tháng, hai nước đã cùng nhau tạo dựng và đưa vào chiều sâu. Lịch sử đã kết nối hai dân tộc, Việt Nam và Pháp luôn cuốn hút nhau về mọi mặt, từ quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế đến văn hóa hay con người. 

Tư tưởng “mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về quyền lợi” trong Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 đã chạm đến trái tim của triệu người Việt Nam và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa vào Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. 

Tổng Bí thư chỉ rõ, trong suốt 45 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, nước Pháp luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới. Quan hệ với Pháp giữ vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. 

Các mối quan hệ trao đổi giữa hai nước trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, cho phép hai bên tham khảo và chia sẻ quan điểm gần gũi trên nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Sự hiện hữu của Pháp tại Việt Nam vẫn tồn tại cùng thời gian qua các công trình kiến trúc suốt từ Bắc đến Nam như Nhà hát lớn Hà Nội, cầu Long Biên hay Bưu điện trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Khó có thể phủ nhận những nét văn hóa Việt Nam, tính nhạc điệu của tiếng Việt trong những tác phẩm của M.Đuy-ra hay sự mến mộ của người dân Việt Nam đối với bác sĩ A.I-éc-xanh. 

Sự giao thoa về văn hóa giữa nhân dân và hai nước là vô cùng sôi động và đa dạng. Vẻ đẹp và sức hấp dẫn của văn hóa Pháp luôn được trân trọng, ngưỡng mộ tại Việt Nam. Viện Pháp tại Việt Nam đã mở thêm nhiều chi nhánh tại một số thành phố lớn của Việt Nam. Và ngược lại, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pa-ri, một trong hai cơ sở văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài, từ 10 năm nay không ngừng hoàn thành sứ mệnh truyền bá văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam tại nước Pháp.

Từ nhiều năm nay, Pháp không chỉ là nhà tài trợ song phương hàng đầu châu Âu cho Việt Nam mà còn là đối tác hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Trong hợp tác giữa hai nước, giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học luôn chiếm vị trí ưu tiên. Hàng trăm thỏa thuận đã được ký kết giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của hai nước, hiện có khoảng 7.000 sinh viên và thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Pháp. 

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và sắp tới Trường Đại học Quản lý châu Âu (EMU) đang tham gia vào mạng lưới đồ sộ về hợp tác văn hóa, giáo dục giữa hai nước, mang tới cho sinh viên Việt Nam nhiều cơ hội học tập và trải nghiệm trong môi trường quốc tế. Quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng được mở rộng với sự tham gia của 20 địa phương của Pháp và 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam với 10 hội nghị hợp tác phi tập trung đã được tổ chức trong thời gian qua. 

Cách đây 5 năm, hai nước đã thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược, thể hiện sự nâng cấp về tin cậy chính trị và mở ra chiều sâu mới trong quan hệ hợp tác. Sự phối hợp giữa hai nước trong các vấn đề khu vực, quốc tế không ngừng được tăng cường. 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, yếu tố con người đóng vai trò quyết định trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Trong những năm qua, dù là chính khách, nghị sĩ, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, doanh nhân hay nghệ sĩ, những người bạn này đã trở thành cầu nối của tri thức, công nghệ, kỹ thuật quản lý hiện đại cần thiết cho sự phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam. 

Việc tăng cường quan hệ hợp tác Việt - Pháp là yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước. Hai bên cần nỗ lực làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị, trao đổi, tiếp xúc cấp cao, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, mở rộng giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác giữa các địa phương; tăng cường phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. 

Tổng Bí thư khẳng định, vượt lên trên các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giữa hai nước Pháp và Việt Nam, giữa hai dân tộc là cả một sự chân tình. Lịch sử đã khiến mỗi nước có một vị trí đặc biệt đối với nhau. Hai nước cần xích lại gần nhau hơn nữa và cần phát huy vị trí thuận lợi của Pháp tại Việt Nam và qua đó tại châu Á, cũng như của Việt Nam tại Pháp và qua đó tại châu Âu. 

Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Phrăng-xoa Đờ Ruy-gi đã chứng kiến ký kết 6 văn bản, thỏa thuận hợp tác giữa hai bên: Ý định thư hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn Airbus Defence and Space về công nghệ vũ trụ; Chương trình hợp tác năm 2018 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Hội đồng công chứng tối cao Pháp; Thỏa thuận giữa Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ với Viện Nghiên cứu phát triển Pháp về nghiên cứu và quy hoạch tài nguyên môi trường biển; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Việt Nam) và Viện Sở hữu công nghiệp quốc gia Pháp về hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; Hợp đồng giữa Vietnam Airline với Air France và Cty Kỹ thuật máy bay Air France Industry; Biên bản ghi nhớ về việc mua 24 máy bay giữa Tre Việt (Bamboo Airline, FLC) và Airbus.

* Tiếp tục chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, chiều 26-3, theo giờ địa phương, tại trụ sở Thượng viện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Pháp Ghê-ra Lác-sơ. 

* Chiều 26-3, theo giờ địa phương, tại Điện Ma-ti-nông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Pháp Ê-đu-a Phi-líp./.

Tin, ảnh: TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com