Tăng cường quản lý rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ xuân 2018

08:03, 26/03/2018

Ngày 21-3-2018, UBND tỉnh có Công văn số 187/UBND về việc tăng cường quản lý rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ xuân 2018.

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, nguồn bệnh lùn sọc đen tồn tại ở rầy, lúa và ký chủ phụ từ đầu vụ đến nay khá cao, kết quả giám định vi-rút đầu vụ cho thấy 75% số mẫu lúa chét dương tính, tỷ lệ mẫu rầy mang vi-rút gây bệnh lùn sọc đen là 9,1% và xuất hiện ở các huyện phía bắc tỉnh. Kết quả giám định từ ngày 1-3 đến 19-3-2018 đã có 4,2% mẫu rầy ở các huyện (Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Thành phố Nam Định) dương tính với vi-rút lùn sọc đen; 4,8% mẫu lúa non ở huyện Giao Thủy dương tính với vi-rút lùn sọc đen. Do nguồn bệnh và rầy di chú trong lúc lúa còn non nên dễ nhiễm bệnh, có nguy cơ lây lan bệnh lùn sọc đen trong vụ xuân 2018. Để chủ động phòng bệnh rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen trên lúa vụ xuân 2018, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau: Sở NN và PTNT tăng cường kiểm tra giám sát đồng ruộng phát hiện các đối tượng dịch hại đặc biệt là rầy di trú, rầy lưng trắng lứa 1 xuất hiện; thường xuyên lấy mẫu rầy lưng trắng, lúa giám định vi-rút lùn sọc đen. Chỉ đạo hướng dẫn các địa phương tổ chức phun trừ rầy khi mật độ trên 10 con/khóm bằng các loại thuốc trừ rầy nội hấp có tính chọn lọc cao; sau 3 ngày phun thuốc nếu còn 10 con/khóm cần tiếp tục phun lại. Nắm chắc diễn biến bệnh lùn sọc đen trong vùng, tranh thủ ý kiến của chuyên gia đầu ngành, bám sát sự chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật về biện pháp phòng chống lùn sọc đen trên địa bàn. Chủ trì phối hợp với Sở Công thương, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn các đại lý kinh doanh thuốc theo chỉ đạo của Sở NN và PTNT. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật thâm canh, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức đề kháng dịch bệnh; giám sát chặt chẽ và chỉ đạo phòng trừ kịp thời các loại dịch bệnh khác. Thường xuyên báo cáo UBND tỉnh kết quả phòng trừ rầy lưng trắng và diễn biến bệnh lùn sọc đen hại lúa. UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả công tác phòng trừ dịch hại trên lúa, màu của địa phương, nhất là phòng trừ rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen hại lúa. Chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác giám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ sinh trưởng cây trồng, diễn biến các đối tượng dịch hại đặc biệt là rầy lưng trắng; bổ sung các biện pháp kỹ thuật thâm canh (nếu cần) và tổ chức phun trừ các đối tượng dịch hại theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Quản lý tốt hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật vể kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa năm 2018 theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 05/QĐ-BCĐ ngày 6-2-2018, có trách nhiệm tham mưu, phối hợp, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở NN và PTNT trong phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ xuân 2018. Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, đưa tin, bài về biện pháp thâm canh, bảo vệ cây trồng vụ xuân 2018, đặc biệt là tác hại của rầy lưng trắng lứa 1 đối với bệnh lùn sọc đen. UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan nghiêm túc chỉ đạo và thường xuyên báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở NN và PTNT)./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com