Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách

07:10, 17/10/2017

Chiều ngày 16-10-2017, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách (TDCS) giai đoạn 2002-2017. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH Việt Nam; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lại Văn Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành của Trung ương… Tham dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh ta có các đồng chí: Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh; Đặng Xuân Hùng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh…

Ngân hàng CSXH được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo, nhằm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình TDCS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng NTM. Đến ngày 30-9-2017, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH Việt Nam đạt 179.120 tỷ đồng, tăng 172.098 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi mới thành lập. Trong đó, NHNN cấp vốn điều lệ và cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt 27.762 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng nguồn vốn; Ngân hàng CSXH huy động, vay NHNN, nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng và phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 129.775 tỷ đồng, chiếm 72,5% tổng nguồn vốn. Nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay đạt 8.485 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng nguồn vốn. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao, đến nay Ngân hàng CSXH đã triển khai 20 chương trình TDCS và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho Ngân hàng CSXH thực hiện. Hết tháng 9-2017, tổng dư nợ các chương trình TDCS đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Trong 15 năm qua, vốn TDCS đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, có tác động tích cực đối với hoạt động TDCS và hoạt động của Ngân hàng CSXH. Hệ thống Ngân hàng CSXH rộng khắp đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thuận lợi, giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội trong việc thực hiện TDCS đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tại tỉnh ta, đến ngày 31-8-2017, tổng nguồn vốn đạt 2.548,8 tỷ đồng, tăng 2.378 tỷ đồng so với thời điểm mới thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân 76%/năm. Cơ cấu nguồn vốn hiện nay gồm: Nguồn vốn từ Trung ương là 2.291 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 88,6%; nguồn vốn từ ngân sách tỉnh là 14,7 tỷ đồng, tăng 9,7 tỷ đồng so với khi thành lập. Từ việc triển khai 2 chương trình cho vay hộ nghèo, đến nay Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện cho vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi, giải ngân cho 613.206 lượt khách hàng với số tiền 7.563,8 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm giải ngân cho trên 40 nghìn lượt khách hàng; doanh số thu nợ 5.200 tỷ đồng. Hiện có 126.987 hộ còn dư nợ, chiếm 21% tổng số hộ dân trong toàn tỉnh…

Trong thời gian tới, TDCS xã hội tiếp tục giữ vững mục tiêu là công cụ kinh tế hữu hiệu trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh và bền vững; thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10-7-2012 và Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Hoạt động TDCS xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện TDCS xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nhèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng NTM. Tiếp tục phấn đấu tất cả các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình TDCS và tiếp cận các dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp. Dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ. Nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hằng năm tăng bình quân trên 20%. Tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động của Ngân hàng CSXH.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà toàn hệ thống Ngân hàng CSXH đã đạt được trong 15 năm qua, đồng thời nhấn mạnh: Thời gian tới, Ngân hàng CSXH Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về TDCS ưu đãi để nhân dân hiểu rõ hoạt động của Ngân hàng CSXH. Bám sát và tiếp nhận đầy đủ, kịp thời các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, đồng thời mở rộng công tác huy động vốn trong dân bằng các hình thức phù hợp để kịp thời bổ sung nguồn vốn cho vay. Ngân hàng CSXH Việt Nam cần chủ động tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành những biện pháp gắn hoạt động cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư… để chỉ đạo hướng dẫn, tạo điều kiện cho đối tượng vay sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể để chuyển tải nguồn vốn đến các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tranh thủ sự lãnh đạo, quan tâm hỗ trợ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; lực lượng cán bộ TDCS phải gần dân, sát dân hơn để thực hiện tốt các chương trình TDCS. Không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ, tiện ích TDCS để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận ý kiến đề xuất của Ngân hàng CSXH Việt Nam, các tỉnh, thành phố và giao các bộ, ngành chức năng giải quyết. Đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn chính sách. UBND tỉnh, thành phố thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội chủ động bố trí bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng TDCS. Các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, giúp việc triển khai hiệu quả các chương trình cho vay, đồng thời giúp hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng NTM./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com