Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh đến năm 2020

08:07, 11/07/2017

Nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm góp phần phát triển theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học (ĐDSH) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ngày 7-7-2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH tỉnh đến năm 2020.

Theo Kế hoạch, UBND tỉnh đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và phân công trách nhiệm cho từng sở, ngành, UBND các huyện, thành phố liên quan để tổ chức triển khai thực hiện. Các nhóm nhiệm vụ bao gồm, tập trung hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức của mọi người dân, các tổ chức về tầm quan trọng, giá trị nguồn tài nguyên, tham gia bảo tồn, sử dụng ĐDSH; bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các loài hoang dã và các giống cây trồng, vật nuôi nguy cấp, quý hiếm; kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến ĐDSH; sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích hợp lý từ dịch vụ hệ sinh thái và ĐDSH; bảo tồn ĐDSH trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Sở TN và MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách bảo tồn ĐDSH phù hợp với địa phương; xây dựng quy chế phối hợp về quản lý ĐDSH giữa các cấp, sở, ngành liên quan; hoàn thành quy hoạch ĐDSH trên địa bàn tỉnh trong năm 2018. Sở NN và PTNT chỉ đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, ban hành quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vườn quốc gia Xuân Thủy; chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Vườn quốc gia Xuân Thủy, UBND các huyện có rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; bảo tồn và phát triển các loài gen (cây trồng, vật nuôi) quý, có giá trị kinh tế của tỉnh; ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài ngoại lai xâm hại ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; rà soát, lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường, ĐDSH vào các chương trình, dự án của ngành. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong ngăn ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về ĐDSH. Sở KH và CN chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH. Sở KH và ĐT, Sở Tài chính tổng hợp, cân đối, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí hằng năm để triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ và dự án được phê duyệt; phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc phân bổ kinh phí thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, chương trình đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích. Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng về giá trị, vai trò của ĐDSH, bảo tồn ĐDSH và du lịch bền vững đối với phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền thực hiện quy định pháp luật về bảo tồn ĐDSH; tuyên truyền, hướng dẫn cách nhận biết, tác hại và biện pháp phòng trừ các loài ngoại lai xâm hại; kịp thời phê phán những hiện tượng, hành vi tiêu cực, biểu dương những địa phương, cá nhân tiêu biểu trong công tác bảo tồn ĐDSH; huy động cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH, phát triển du lịch sinh thái, du lịch bền vững. UBND các huyện, thành phố tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước về ĐDSH, an toàn sinh học trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý ĐDSH; đưa các nội dung về ĐDSH vào kế hoạch bảo vệ môi trường hằng năm để tổ chức triển khai thực hiện./.

Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com